Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Chuyện chưa biết ở cù lao ông Hổ

 - Từ bến phà Ô Môi, TP Long Xuyên (An Giang) nhìn sang, cù lao Ông Hổ nhô lên giữa mênh mang trời nước sông Hậu như một chiếc lưng rùa khổng lồ xanh mờ, dù chỉ cách khoảng 4km đường chim bay.
Chuyện 300 năm trước…
Lênh đênh sông nước khoảng nửa tiếng là đặt chân lên mảnh đất lịch sử này, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên.
Cù lao xanh ngắt bóng tre và cây ăn trái, thấp thoáng những mái nhà nhỏ bé, yên bình. Từ dưới bến phà vào cù lao đã thấy hai bức tượng hổ to lớn được tạc bằng đá uy nghi đứng trấn cổng vào. Đó là biểu tượng của vùng đất này từ 300 năm qua.

d
Lối vào cù lao Ông Hổ

Có hai truyền thuyết giải thích địa danh "Ông Hổ". Theo Sơn Nam, ngày xưa, nơi đây cũng như nhiều địa phương khác trên vùng đất phương Nam, cảnh "dưới sông cá lội, trên bờ cọp đua" hay “cọp ngồi bờ kinh xem... hát bội” là thường.
Tương truyền, một hôm có hai vợ chồng ông lão chèo xuồng đi lấy củi. Khi trở về thấy trên mảng lục bình trôi sông có một con hổ con vừa đói vừa rét, bèn đem về nhà nuôi dưỡng. Khi lớn lên, con hổ rất hiền lành, không phá phách ai. Khi hai ông bà qua đời, hổ cũng bỏ vào rừng.
d

Hằng năm, tới ngày giỗ ông bà, hổ đều mang về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng vì thấy con vật sống có nghĩa nên đặt tên nơi đây là cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ.
Theo nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Hội VHNT tỉnh An Giang, vào thời khẩn hoang, những người đi mở đất từ phía Long Xuyên đã chặt cây rừng kết bè vượt sông Hậu sang khai phá, lập làng.
Có một năm, nước sông Hậu dâng lên cuồn cuộn như nhấn chìm dải cù lao. Gia đình nọ trong lúc chống xuồng tránh lũ đã phát hiện một chú hổ con bị kiệt sức, sắp chết đuối. Họ vớt hổ con đưa về chăm sóc, cho ăn ở cùng với người. Đáp lại ơn cứu mạng, hổ thường vào rừng săn bắt muông thú về cho gia chủ.
Gia đình ấy có một cô con gái bị mù. Hằng ngày, hổ cõng cô bé mù theo cha mẹ vào rừng làm rẫy. Người và hổ thân thiết như đôi bạn tri kỷ. Đến một ngày, cô gái đổ bệnh qua đời. Hổ buồn rầu và một thời gian sau cũng chết theo.
Dân làng thấy hổ ăn ở có tình có nghĩa chẳng khác gì con người nên đã lập miếu thờ, gọi là miếu thờ ông Hổ. Cái tên cù lao ông Hổ cũng ra đời từ đó. Dù hai câu chuyện có chút khác nhau nhưng đều thể hiện tính hiếu sinh của con người. Con người có thể sống chan hòa cùng vạn vật và cảm hóa cả loài mãnh thú.

… đến Khu Di tích Bác Tôn
Giờ đây, nhiều người dân gọi nơi đây là cù lao Bác Tôn vì Khu Di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng bề thế đã được khánh thành vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Tôn ((20/8/1888 - 20/8/2008).
Khu di tích rộng hơn 6,7ha này ngày càng thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Ngôi nhà sàn kỷ niệm thời niên thiếu của Bác Tôn hướng ra bờ sông Hậu lộng gió.
Nhà được thân sinh của Bác Tôn là cụ Tôn Văn Đề cất vào năm 1887, có diện tích 156m2, theo kiểu nhà sàn có chân táng truyền thống Nam Bộ, hình chữ Quốc, nền sàn lót ván, mái lợp ngói ống.

r
Bên trong Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Bác Tôn.

Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc quý hiếm như tủ thờ cẩn ốc xà cừ, các cặp liễn đối cẩn ốc, ảnh bán thân của song thân Bác Tôn, bộ bàn ghế cổ, bộ ngựa gõ mà Bác Tôn nằm thời niên thiếu, tấm ảnh Bác chụp ở Chiến khu Việt Bắc khi làm chủ tịch Mặt trận Liên Việt với dòng chữ ghi phía sau: "Kính biếu mẹ già và mấy em, ngày 9/4/1951".
Bên trái ngôi nhà có 3 bụi tre gai do cụ Đề trồng, nay vẫn còn xanh tốt. Xung quanh nhà là vườn cây ăn trái, phía sau là khu mộ chí của song thân Bác Tôn và vợ chồng ông Tôn Đức Nhung - em trai thứ tư của Bác.
Đền tưởng niệm hay Đền thờ Bác Tôn có kiến trúc cổ kính và uy nghi, nằm trong khuôn viên rộng 1.600m2. Đền có kiểu mái nhị cấp, ngói đại ống đỏ, nóc và các đầu đao mái đều đắp tượng rồng.
Có 4 hướng vào đền, mỗi hướng có 3 bậc cấp theo thứ tự 9 - 7 - 3. Toàn bộ mặt nền và bậc cấp được lát bằng đá hoa cương vùng Thất Sơn. Phần chính điện được trang trí các bao lam chạm trổ họa tiết hoa mai, sen, cúc, trúc rất công phu.
Tên của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khắc theo lối chữ giả cổ, mặt chữ mạ vàng lồng trong cuốn thư có chạm hình rồng chầu.
Tượng bán thân của Bác Tôn được đúc bằng đồng, chạm họa tiết hoa văn rất tinh xảo. Trước tượng là hương án cao đặt lư hương, hoa quả. Khách đến đền tưởng niệm tham quan đều thắp một nén hương để tưởng nhớ đến Người.
Khu trưng bày thân thế và sự nghiệp Bác Tôn được xây đối diện với đền tưởng niệm, có diện tích 314m2, hai bên có đắp hai phù điêu hình hổ.
Kiến trúc khu trưng bày mang dáng dấp đền chùa truyền thống, 1 gian 2 chái, nóc cổ lầu, lợp ngói đại ống đỏ.
Bên trong nhà trưng bày như một viện bảo tàng nhỏ, giới thiệu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn từ lúc thơ ấu đến hoạt động cách mạng và những năm tháng cuối đời.
Ởmỗi thời kỳ đều có những tư liệu, hiện vật gốc rất sống động để hiểu được trọn vẹn cuộc đời của Bác.
Từ những trang sách chữ Hán Bác học với thầy Nguyễn Thượng Khách lúc nhỏ, chiếc xe đạp Bác thường đi, những đồ nghề Bác sử dụng thời thủy thủ Ba Son, băng ghi âm giọng Bác chúc Tết, văn kiện, bút tích... cho đến các mô hình nhà làm việc tại Việt Bắc, mô hình chuồng cọp ở nhà tù Côn Đảo đày đọa Bác 15 năm, mô hình chiếc tàu Bác cùng các chiến sĩ cách mạng vượt ngục và hàng trăm bức ảnh tư liệu giá trị.
Nơi cửa trưng bày có đôi câu đối bao hàm đầy đủ ý nghĩa về đất và người: "Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng lừng danh xứ sở/Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Bắc Hải, Tôn Đức Thắng rạng tiếng non sông". 
Bác Tôn rời xa cù lao Ông Hổ và đất Long Xuyên từ năm 18 tuổi để lên Sài Gòn học, rồi làm việc ở xưởng Ba Son, bắt đầu dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Mãi đến năm 1945, cách mạng thành công, Bác mới về lại cù lao Ông Hổ một ngày thăm mẹ. Thân sinh của Bác đã qua đời từ năm 1938.
Bóng chiều loang dần trên cù lao. Những nhà bè cá đang nhộn nhịp vào mùa thu hoạch cuối năm. Gió lộng từ bốn phía làm cho cả cù lao xanh như rung rinh.
Những khóm hoàng mai đặc trưng của miền sông nước đang se mình chuyển lá báo hiệu một mùa xuân mới đang đến gần. Ngoái đầu nhìn lại, đôi hổ đá uy nghi ngẩng đầu vươn cổ như vị thần hộ mệnh giữ gìn cho xứ sở cù lao mãi mãi yên bình.
Đặc sản đất cù lao
Đến với cù lao Ông Hổ không thể không thưởng thức món gỏi cá đậm chất Nam Bộ. Cá chép đang bơi được bắt lên làm sạch, lau khô, lóc phi lê, bỏ da, lạng mỏng ướp với tiêu, hành, tỏi giã nhuyễn.
Những miếng cá chín tái được cuốn với rau lá vườn nhà như đinh lăng, đọt xoài, lá sung... chấm với nước mắm Phú Quốc chính hiệu rồi đưa cay với ly đế nếp đất cù lao... quả là sung sướng thần khẩu.
Khi đã ngà say là lúc nồi cháo cá thơm lừng được nấu từ da, xương cá băm nhuyễn với thịt nạc, gan... phát huy tác dụng. Thêm một tuần trà sen nữa khách hoàn toàn hồi phục sinh lực, tỉnh táo như sáo.

Thiên Tường

Cù lao ông Hổ và nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

 
Cù lao Ông Hổ do phù sa sông Hậu bồi đắp. Trên cù lao có ngôi nhà gỗ,nơi gìn giữ những kỷ niệm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viênhoa trái xum xuê. Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hoà Hưng cách Trung tâmThành phố Long Xuyên bởi một nhánh sông Hậu chảy qua. Bằng nhiều phươngtiện và con đường thuỳ, bộ khác nhau, chúng ta có thể đến với Cù laoÔng Hổ, nơi đây chúng ta sẽ có dịp thăm lại ngôi nhà lưu niệm thời niênthiếu của Bác Tôn Đức Thắng và các di vật ngày xưa của Bác.
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề xây dựng với lối kiến trúc hình chữ Quốc, nên sàn lót ván, mái lợp ngói ống, ngang 12 mét, dài 13 mét, rộng hơn 150m2.

Vào năm 1984, Bộ Văn Hoá đã ra quyết định công nhận đây là một di tích lịch sử mang tầm cỡ Quốc gia. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Bác, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Bác, Nhân Dân tỉnh An Giang đã tiến hành làm lễ khánh thành khu lưu niệm của Bác với nhiều công trình mới được xây dựng trên khuôn viên 6,7 ha với nhiều công trình kiến trúc độc đáo, như: Ngôi nhà thời niên thiếu; Đền thờ tưởng niệm Bác Tôn được xây dựng trong khuôn viên 1.600m2 với kiến trúc cổ lầu tam cấp đặc sắc, nơi chính điện là tượng Bác Tôn bằng đồng bán thân; đối diện với đền thờ là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, nơi đây các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, một tấm gương sáng của dân tộc ta.

Không chỉ có thể, đến với cù lao khách còn được nghĩ tại nhà dân (Homestay) dể thưởng thức các loại trái cây, món ăn đặc sản và nghe đàn ca tài tử, làm quen với cuộc sống của người dân Nam Bộ, thăm các bè cá ven bờ cù lao và hiện đang xúc tiến chương trình “Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng”… Nơi đây, quý khách có thể tận hưởng được hương vị cuộc sống của vùng sông nước Nam Bộ.

(Nguồn: http://sodulich.angiang.gov.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét