Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Có một cây da 18 người ôm

Cây da đại cổ thụ với chu vi gốc 24 mét.
Trong một lần lang thang ở huyện biên giới An Phú (An Giang), tôi bỗng lạc bước vào một hồ sen thơm ngát. Khi đang mải miết chụp ảnh hoa sen, bỗng nhiên một thân cây cổ thụ lọt vào ống kính, tôi liền tìm đường lần tới. Té ra đây chính là cây da, cây cổ thụ gần 500 năm tuổi nức tiếng Nam Bộ. 
Cây da 18 người ôm
Từ tỉnh lộ 956, tôi cứ nhằm thẳng hướng ngọn cây mà tìm đến. Sau khi rẽ vào một đường nhánh chừng 300m, cây da khổng lồ đã hiện ra trước mắt. Tọa lạc tại ấp 1 (xã Khánh An, An Phú, An Giang) Giồng Cây Da là một trong những địa chỉ quen thuộc của khách du lịch mỗi lần đi tham quan vùng đất An Phú.
Một cảm giác choáng ngợp bao trùm khi ngước lên vòm lá xanh um, che rợp một diện tích khoảng 2.000m2, cao khoảng 50m - tương đương với ngôi nhà 12 tầng. Dưới tán lá ấy, một khoảng không gian mát rượi luyến lưu du khách không nỡ về. Giữa bốn bề là đầm sen thơm ngát, những giàn khổ qua mát rượi cùng lũ chim hót véo von trên đầu, chúng tôi không ai bảo ai đều tìm đến một quán nước nhỏ ven gốc cây.
Anh Nguyễn Văn Hinh - người đã cất nhà, bán quán dưới tán lá của cây da đã hơn 20 năm - cho biết, có lần đoàn khảo sát của tỉnh đã cử người xuống thu thập tài liệu về cây cổ thụ này. Khi đó, 18 người thanh niên cùng nối nhau dang tay ôm mới hết chu vi của cây (tương đương khoảng 24 mét). Cũng theo công bố của đoàn khảo sát, cây da này có tuổi thọ từ 350 đến 500 năm. Hốc trong thân cây da khá to, đủ cho một người mắc võng nằm thoải mái.
Chị Nguyễn Thị To - vợ anh Hinh cho biết, từ khi chị lẫm chẫm biết đi thì cây da đã sừng sững như vậy rồi. Mẹ đẻ của chị To là bà Trần Thị Lánh (vừa mất cách đây ít lâu) cũng kể cho chị nghe,  năm 18 tuổi bà về đây làm dâu đã thấy nó ở đó. Nhiều cụ cao tuổi trong khu vực cũng khẳng định, từ thời ông bà bố mẹ họ đến đây lập nghiệp đã có cây da mọc như thế.
Ngày bé xíu, chị To hay được mẹ giao nhiệm vụ đi chăn trâu. Chị cứ dắt trâu tới gần gốc cây da, buộc dây vào một nhánh cây rồi cùng lũ bạn đi thả diều, bắt cào cào, châu chấu. Cũng theo lời chị To kể lại, khi ấy khu vực bán kính vài kilômét quanh cây da là đồng không mông quạnh, cỏ lác ngút trời.
Mỗi khi tới mùa lá rụng, cây da trút từng lớp lá dày tới hàng nửa mét. Cây da cũng rất sai quả, quả da to bằng đốt ngón tay, ăn chua chua, chát chát. Khi chín thì lại rất ngọt, ăn ngon như nho khô. Chị To mỗi buổi đi chăn trâu thường nhặt quả của nó ăn thay cơm, uống nước vô là no.
Sau này chị còn thấy nhiều người ở các xã lân cận cũng thường ghé lại để nhặt quả chín. Theo lời họ thì quả này là một phương thuốc rất tốt. Nếu ai bị đau dạ dày, đau bụng ăn vào là khỏi hết. Cũng có nhiều người đến xin quả về sắc thuốc uống.
Khu vực cây da mọc trên xã Khánh An có một vị trí địa lý khá đặc biệt. Nó nằm tại phía cuối của dải đất mà được gọi là Cồn Tiên. Dải đất này chạy dài dọc theo thượng nguồn sông Hậu Giang nối thị xã Châu Đốc tới huyện An Phú với độ dài hàng chục kilômét. Cách đó gần 2km là hồ nước Búng Bình Thiên. Nước trong hồ có một màu trong xanh kỳ lạ, khác hẳn màu ửng vàng (do phù sa) của sông Cửu Long.
Theo truyền thuyết, cách đây hàng ngàn năm, bát tiên (8 vị tiên) vân du ngang qua khu giồng cát cao ráo nằm giữa bốn bề hoa sen tươi thắm. Trước cảnh trí non nước hữu tình, các vị tiên đã ghé lại chơi. Đồng thời một vị đã ném ra một hạt sau đó nảy mầm thành cây da khổng lồ. Cũng từ đó mà giồng cát này có tên là Cồn Tiên.
Bên cạnh cây da cổ thụ hiện có một miếu thờ ông Tà. Chị To vẫn nhớ, ngày còn sống bà Lánh đôi lần kể cho con gái nghe về nguồn gốc của ngôi miếu này. Rằng ông Tà vốn có nguồn gốc từ tín ngưỡng của người Khmer và được người Việt thờ ở khắp lục tỉnh Nam Kỳ.
Chuyện lạ bên gốc cây daMiếu thờ ông Tà tại giồng cây da.
Cây da ở Cồn Tiên có sức sống rất mãnh liệt. Trải qua hàng mấy trăm năm mà lớp vỏ cây vẫn rất săn chắc, không có một loại mối mọt nào “xâm phạm” được. Cũng theo chị To, hồi trận lụt lịch sử năm 2000, nước đã ngập tới thân cây cả mét, thế nhưng hầu như không có gì suy chuyển. Mỗi năm cây da rụng lá 2 đợt. Đó là vào khoảng tháng 5 và tháng 10 âm lịch. “Khoảng thời gian ấy, cây trút sạch lá trong vòng 2 tuần lễ, trông như cây chết khô. Thế nhưng khoảng 1 tháng sau là lá đã mọc xanh um trở lại” - chị To kể.
Theo nhiều người dân xung quanh, chuyện “bỗng dưng” có một cây da khổng lồ mọc ở đây đã là một chuyện lạ. Thế nhưng còn không ít những chuyện lạ khác. Một thời kỳ trong hốc cây da khổng lồ này có cả một ổ rắn. Tuy nhiên chúng khá hiền lành, thấy người đi qua cũng không cắn.
Phía trên những chạc cây lại là “đại bản doanh” của lũ sóc. Theo lời chị To, bọn sóc suốt ngày chạy nhảy, chuyền cành trông rất vui mắt. Đặc biệt là đám rắn và sóc chung sống rất hòa bình, không bao giờ thấy chúng chí chóe tranh giành chỗ ở gì cả. Chị To bảo lúc nhỏ lắm khi ham chơi đuổi bắt với chúng bạn, trẻ con chạy va vào cả mấy con rắn đang treo mình trên cây, song chúng chỉ lặng lẽ rời sang cành khác.
Một thời gian sau, khi những lùm cây dại được phát quang, dân cư kéo đến quần tụ tại đây nhiều hơn. Khi đó tự động bầy rắn, sóc kéo nhau bỏ đi. Hãn hữu chị To mới thấy lũ sóc kéo về chơi trong chốc lát rồi lại biến mất.
Chị To cũng từng được chứng kiến thời kỳ trước năm 1975, nhiều lần ngụy quân kéo đến xã bắt lính. Mỗi lần như thế, thanh niên trong ấp lại kéo nhau bỏ trốn. Người chui trong đống rơm, kẻ lại đu lên xà nhà. Bọn ngụy được chỉ điểm bắt được gần hết. Sau rồi trong ấp có anh Song đành liều trèo lên cây da trốn.
Anh phát hiện đó là một chỗ ẩn nấp tuyệt vời. Nhánh cây da như chiếc xuồng to, chứa được vài chục người. Lần sau, bọn ngụy lại đến bắt lính, cả chục thanh niên cùng trèo lên mà cành cây vẫn không hề hấn gì. Bọn lính lùng sục khắp nơi, định trèo lên cây tìm nhưng trông thấy ổ rắn, cả lũ hò nhau chạy biến.
Từ ngày dựng nhà tại gốc cây da, chị To kiêm luôn nhiệm vụ quét tước, dọn dẹp, bảo vệ cây. Có đợt một toán người trông như thổ phỉ không biết từ đâu kéo tới mang theo dao rựa định “xẻ thịt” cây da. Chị To huy động cả làng ra ngăn chúng lại, buộc chúng phải cuốn gói khỏi nơi này. Chị cũng mở một quán nước nho nhỏ phục vụ khách đến vãn cảnh giải khát.
Hiện tại, UBND huyện An Phú đang xúc tiến kêu gọi đầu tư biến Giồng Cây Da thành điểm du lịch hấp dẫn hơn. Sẽ quy hoạch để mở rộng khu vực, bố trí lại cảnh quan môi trường, xây dựng lều trại, quán ăn, nhà nghỉ đơn giản nhưng lịch sự; khôi phục các nghề truyền thống như dệt chiếu, thêu, hàng thủ công mỹ nghệ, các loại khô rắn, khô cá bổi, mắm... cùng với việc tổ chức hoạt động văn hóa, đàn ca tài tử...
Minh Tiến
Nguồn: cand.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét