Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Đền Đuổm

Vị trí: Đền được xây dưới chân dãy núi Điểm Sơn, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đền sát với quốc lộ 3, cách thành phố Thái Nguyên 24km về phía tây bắc.
Đặc điểm: Đền được xây dựng từ thời nhà Lý, thờ phò mã Dương Tự Minh và hai người vợ là Diên Bình Công chúa và Thiều Dung Công chúa.
Di tích này gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ đến nay đã được sửa chữa nhiều lần. Các công trình trong cụm di tích đền Đuổm được xây dựng trên một vùng thiên nhiên đẹp. Đây là nơi thác của phò mã Dương Tự Minh khi về già. Ba chỏm núi ở giữa cánh đồng trông như những cánh nhạn bay. Phía trước đền là cánh đồng rộng, có sông Phú Lương chảy qua và xa xa là những dãy núi trùng điệp
Đền Đuổm vừa là di tích lịch sử, vừa thắng cảnh của Thái Nguyên.
Dương Tự Minh là vị tướng tài ba của vương triều Lý, người có công lớn trong việc giành lại phần đất đai rộng lớn từ tay giặc Tống và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc Ðại Việt. Ngoài ra, ông còn có công khai khẩn điền địa, phát triển kinh tế, giữ vững mối đoàn kết của dân tộc nên ông được nhà Lý phong sắc:"Uy viễn đôn Cao Sơn quảng độ chi thần" và được triều Lý gả hai công chúa. Các triều đại về sau đều có sắc, truy phong ông là "Cao Sơn quý minh thượng đẳng thần".
Ðền Ðuổm được xây dựng tại xã Ðộng Ðạt, huyện Phú Lương. Tương truyền, đây chính là nơi ông thác lúc về già. Ba dãy núi đột khỏi giữa cánh đồng trông như những cánh nhạn bay. Ðền được xây ở phần lõm của ngọn núi phía trước và được ngọn núi che chở vĩnh hằng. Trước cửa đền là cánh đồng rộng, có dòng sông Cầu uốn khúc chảy qua, xa xa là những đồi cọ, đồi chè mênh mông bát ngát ẩn hiện những bản trú phú của người Tày. Ðền đã được tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ theo kiểu tam cấp gồm: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.

Dương Tự Minh được nhân dân tôn là thần. Ðể tưởng nhớ công đức của ông, hàng năm đền Ðuổm mở hội vào ngày 6 tháng Giêng với các nghi lễ: rước kiệu, dâng hương, các trò thi võ, vật, ném lao, tung còn, leo núi ngoạn cảnh, thu hút hàng vạn du khách thập phương. Di tích lịch sử và thắng cảnh đền Ðuổm đã được xếp hạng quốc gia.
Theo dulichvn


Đền Đuổm uy nghi trên đất Thái Nguyên

Ngôi đền cổ kính thờ người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, nằm cách thành phố Thái Nguyên 25 km, sát ngay quốc lộ 3.
Rất dễ dàng nhận ra đền Đuổm vì nằm ngay trên đường quốc lộ 3 đi qua huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ngôi đền đã nhuốm màu thời gian, phủ rêu xanh nằm dựa mình dưới chân một dãy núi đá này là điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân trong tỉnh. Với du khách từ phương xa tới, ngôi đền được biết đến nhờ vẻ đẹp cổ kính và phong cảnh quanh các kiến trúc.
IMG-3548-2848-1387444979.jpg
Đền Đuổm nằm trên đường quốc lộ 3, trên đường đi Bắc Cạn, di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Đền Đuổm thờ Dương Tự Minh, vị tướng tài ba của vương triều nhà Lý, người có công lớn trong việc giành lại phần đất đai rộng lớn từ tay giặc Tống và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía bắc Đại Việt. Ông còn có công khai khẩn điền địa, phát triển kinh tế, giữ vững mối đoàn kết của dân tộc, được nhà Lý phong sắc: "Uy viễn đôn Cao Sơn quảng độ chi thần" và được triều Lý gả hai công chúa. Các triều đại về sau đều có sắc phong ông là "Cao Sơn quý minh thượng đẳng thần".
Dương Tự Minh được nhân dân tôn là thần. Ngôi đền được xây dựng tại nơi tương truyền là nơi ông thác lúc về già. Địa thế uy nghi với ba dãy núi giữa cánh đồng tựa những cánh nhạn bay. Đền được xây ở phần lõm của ngọn núi phía trước như được ngọn núi che chở vĩnh hằng. Trước cửa đền là cánh đồng xanh bát ngát, dòng sông Cầu uốn khúc chảy qua. Phía xa là những đồi cọ, đồi chè mênh mông bát ngát ẩn hiện những bản trú phú của người Tày.
IMG-3574-1992-1387444979.jpg
Đền nằm trong bóng mát của cây xanh, phía sau dựa núi, phía trước nhìn ra cánh đồng.
Dù ngôi đền đã được tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ theo kiểu tam cấp gồm: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Từ cổng đền, đã thấy nét đẹp uy nghi, cổ kính. Ngôi đền nằm ẩn mình trong màu xanh của cây lá và rêu xanh. Từ những bậc thềm dẫn vào đền, đến những mái cong, bức tường cũ đều phủ màu. Khung cảnh ngôi đền khiến du khách ghé thăm đều muốn dừng chân nán lại đôi chút, trước khi bước trở lại với thế giới ồn ào ngược xuôi bên ngoài cửa đền.
Hàng năm từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng, huyện Phú Lương lại long trọng tổ chức lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ danh tướng Dương Tự Minh và cầu cho mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút nhiều người dân trong tỉnh và du khách thập phương tham gia.
IMG-3571-4211-1387444979.jpg
Ngôi đền nhuốm màu thời gian.
Bài và ảnh: Yutaka

Náo nức hội Đuổm- Thái Nguyên đầu Xuân mới

(HQ Online)- Năm nào cũng vậy, mỗi mùa Tết đến Xuân về, cứ vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân Thái Nguyên lại nô nức kéo về huyện Phú Lương để tham dự lễ hội Xuân Đền Đuổm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh nhằm tưởng nhớ và tôn vinh Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh.

Lễ hội Đền Đuổm
Nguồn Internet.
Đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm thuộc xã Động Đạt của huyện Phú Lương, một hệ núi đá vôi hùng vĩ với 6 mỏm đá cao ngất tạo hình hàm long ngóc đầu chầu lên đầy uy nghi. Nơi đây thờ Danh nhân lịch sử Dương Tự Minh, người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt dưới các triều vua Lý.
Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, quê ở làng Quan Triều, phủ Phú Lương (nay là huyện Phú Lương, Thái Nguyên). Ông là người giàu tài năng, đức độ, thủ lĩnh phủ Phú Lương phụng sự dưới triều 3 đời nhà Lý (Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông và Lý Anh Tông). Hai lần ông được phong làm phò mã, đó là vào năm Đinh Mùi (1127) và năm Giáp Tý (1144). Dưới thời cai quản của ông trong hơn 30 năm, Phủ Phú Lương thực sự trở thành một vùng phồn thịnh. Người dân làng Đuổm đời nọ nối đời kia thay mặt cho nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương thường trực phụng thờ Đền.
Sở dĩ lệ Đền được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng là bởi tương truyền rằng đây là ngày sinh của ông. Vào ngày này, cả làng đều dậy sớm, nhanh tay làm cỗ để rước ra lễ Đền. Ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn đều có đền thờ Dương Tự Minh, nhưng cổ kính và linh thiêng nhất là ngôi đền ở núi Đuổm của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Các cụ già trong vùng cho biết, Đền được dựng từ năm 1180 bao gồm 3 phần, phía dưới là Phủ Bà, nơi thờ hai phu nhân của ông, đền trung thờ thánh Đuổm Dương Tự Minh, phía trên cùng của núi Đuổm là nơi thờ Mẫu, mẹ ông.
Hội Đuổm năm nay dường như đông hơn, vui hơn, bởi tiết trời khô ráo, nắng ấm xuất hiện ngay từ sáng sớm, các bà, các chị xúng xính trong những bộ quần áo dân tộc nhiều mầu sắc khiến cho không khí xuân càng thêm náo nức. Hội được tổ chức thành hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ do người dân trong huyện đảm nhiệm.
Đúng 7 giờ 30 phút sáng, đoàn dâng lễ khăn áo chỉnh tề đội cỗ, hương, hoa… dâng từ thủy Đền lên đến Đền chính. Cỗ dâng có 2 loại là cỗ chay và cỗ mặn. Cỗ chay là các loại bánh bìa, bánh vôi, bánh chè lam, bánh khảo, bánh rán, bỏng nổ... và cỗ mặn gồm lợn quay, xôi tía… bày biện đẹp mắt. Đi đầu đoàn dâng lễ là các vị quan viên mặc áo thụng cầm cờ, đi sau là trống, chiêng, kèn, sáo, nhị…
Khi lễ được dâng lên đến Đền Trung, các vị quan viên kính cẩn đọc bài tế lễ cầu mong vị Đức Thánh Đuổm ban cho dân chúng một năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, no ấm. Đây cũng là phần quan trong nhất trong lễ hội Đền Đuổm. Ngay sau phần lễ là đến phần hội với nhiều trò vui sôi nổi được diễn ra từ sáng tới tối như: bắn nỏ, tung còn, kéo co, trình diễn trang phục dân tộc, bắt lươn trong chum, biểu diễn văn nghệ…
Ngoài những nghi lễ và trò chơi dân gian, hội Đuổm năm nay còn có thêm các gian trưng bày sản vật của 16 xã, thị trấn trong huyện như: bánh chưng, gạo nếp, gạo tẻ, chè, nấm, mật ong… rất nhiều người dân và du khách thập phương đã đến tham quan và mua sắm tại các gian hàng. Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội cho biết: “Ngay từ trước Tết Nguyên Đán, Ban tổ chức đã phân công cho các ngành chức năng lên kế hoạch tổ chức lễ hội với phương châm "vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm", ngoài ra Ban tổ chức cũng yêu cầu các chủ cơ sở có quầy kinh doanh tại lễ hội ký cam kết về chất lượng sản phẩm, giá cả dịch vụ theo đúng quy định”.
Đến với hội Xuân Đền Đuổm, du khách không chỉ được tưởng nhớ tới công lao của Đức thánh Dương Tự Minh, cầu an khang, thịnh vượng, thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng hùng vĩ mà còn được tìm hiểu và thưởng thức  những món ăn đặc sản của địa phương, điều này đã làm hài lòng biết bao du khách trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là một trong những điểm du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên./.
Thu Hằng

Dừng chân ghé thăm đền Thánh Đuổm


TTO - Không phải là điểm đến trong tour du lịch tới vùng Đông Bắc nhưng đền Đuổm (xã Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên) bấy lâu nay được mặc định như chỗ dừng chân giữa đường lý tưởng cho du khách.
Chiếc cổng chính của đền đã ngả màu thời gian - Ảnh: Hải Dương
Trên hành trình hơn 100km ngồi xe máy, ôtô từ Hà Nội, cảm giác mệt mỏi bắt đầu xuất hiện nên tìm một điểm dừng chân nghỉ ngơi, dạo bộ là điều bất cứ du khách nào cũng muốn. Đền Đuổm lại có một vị trí vô cùng thuận lợi khi nằm sát quốc lộ 3 mà các tour đi Ba Bể, Bản Giốc… đều phải qua.
Nhưng không chỉ vì những lý do hiển nhiên ấy để du khách dừng chân. Bởi nếu ai lỡ bỏ qua khu đền này sẽ cảm thấy hối tiếc khi xem lại những bức ảnh và ý nghĩa của một nhân vật lịch sử.
1. Ở Việt Nam chỉ một số nhân vật lịch sử vĩ đại mới được nhân dân phong thánh. Trong số đó có một người anh hùng thời Lý tên Dương Tự Minh (tức Cao Sơn Quý Minh). Ông đã được nhân dân xưng tụng là Đức thánh Đuổm.
Nhân vật lịch sử này cũng là một người hiếm hoi thuộc các dân tộc thiểu số (Tày) được phong thánh.
Trong các tài liệu lịch sử cùng những câu truyện truyền miệng hay thần phả của vùng đất Phú Lương, Thái Nguyên có nhiều huyền tích về Đức thánh Đuổm. Nhưng tựu trung lại trong 30 năm cai quản phủ Phú Lương xưa, Cao Sơn Quý Minh đã đưa vùng đất này trở nên trù phú, bình yên.
Ông cũng là người có công lớn trong cuộc chiến chống quân Tống bảo vệ, giữ yên bờ cõi phía Bắc của nước Đại Việt.   
Ngày nay có nhiều đền thờ Cao Sơn Quý Minh ở vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang..., nhưng Đền Đuổm vẫn giữ vị trí độc tôn với phong cảnh đẹp cùng nghi thức trang nghiêm nhất. 
Gác chuông - Ảnh: Hải Dương
Thủy Đình cổ kính - Ảnh: Hải Dương
Để tham quan và bái lễ các điểm chính, du khách phải leo những bậc gạch - Ảnh: Hải Dương
2. Toàn bộ đền Đuổm với nhiều công trình kiến trúc cổ tựa lưng vào núi Đuổm, nơi có phong cảnh hùng vĩ. Ngay khi dừng xe, nhìn sang bên phải đường sẽ bắt gặp khu Thủy Đình cổ kính giữa khung cảnh bình yên của xóm làng.
Mới sáng sớm, sương núi còn chưa tan hết nhưng đã thấy nhiều ôtô và các tốp xe máy của du khách, phượt thủ dừng chân bên Thủy Đình.
Cách Thủy Đình không xa, cổng chính của đền với ba ô rêu phong ngả màu thời gian chờ đón du khách.
Nếu tính từ cổng chính lên tới đỉnh núi, đền Đuổm có bốn công trình kiến trúc đặc sắc là gác Chuông, đền Trung, đền Thượng và đền Chúa Mẫu Thượng Ngàn. Trong đó đền Trung - nơi thờ tự Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh - luôn được các du khách tham quan, bái lễ.
Bước chân qua cổng đền mọi âm thanh bên ngoài dường như tan biến. Mọi người lặng lẽ, thong thả dạo bộ bái lễ rồi thăm ngắm cảnh quan. Không gian bây giờ dường như chỉ còn dành cho sự trang nghiêm, lòng ngưỡng vọng.
Đền Trung - nơi thờ Đức thánh Đuổm - Ảnh: Hải Dương
Đền Thượng được xây bằng đá sát vách núi - Ảnh: Hải Dương
Đền Mẫu Thượng Ngàn nằm trên đỉnh núi Đuổm, nơi có phong cảnh hùng vĩ - Ảnh: Hải Dương
3. Theo đoàn người lặng lẽ, chúng tôi bước chậm rãi lên từng bậc gạch đã ngả màu năm tháng. Càng lên cao, vẻ thâm u của vùng núi rừng càng hiện hữu. Bao quanh đền Thượng, rồi đền Chúa Mẫu Thượng Ngàn là những hàng cây cổ thụ cùng các khối đá khổng lồ.
Có những loại cây mọc ra từ đá, ôm ấp lấy đá mà vẫn xanh tươi lạ kỳ. Ở quanh khu đền Chúa Mẫu Thượng Ngàn, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những khối đá lớn đứng chơi vơi như tách rời khỏi mỏm núi. Thế nhưng nó vẫn kiên cường ở đó ngàn đời nay như con người và cuộc đời Đức thánh Đuổm.
Đứng trên đỉnh mỏm núi Đuổm sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh một vùng quê thanh bình xứ chè Thái Nguyên. Du khách chỉ mất khoảng một giờ để leo và bái lễ hết các khu vực tại đền Đuổm. Đó là quãng thời gian rất hợp lý để mọi người thư giãn rồi lại tiếp tục lên xe.
Dù ngắn ngủi nhưng ai từng ghé thăm đền sẽ còn vang vọng câu chuyện về người anh hùng dân tộc Tày thời Lý trong suốt hành trình của mình.
Đường lên đền Mẫu Thượng Ngàn - Ảnh: Hải Dương
Có những loài cây mọc ra và bám vào tảng đá vẫn sống xanh tươi - Ảnh: Hải Dương
Tuy là một nhân vật lịch sử có thật thời Lý với những chiến công hiển hách, nhưng không có tài liệu nào ghi năm sinh - mất của Đức thánh Đuổm. Chỉ biết ông sống vào khoảng cuối thế kỷ 11 - nửa đầu thế kỷ 12.
Lễ hội đền Đuổm được người dân tổ chức từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng giêng hằng năm. Nếu lên đúng dịp lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến nhiều nét văn hóa, phong tục, trang phục độc đáo của người Tày.
Đặc biệt trong mâm lễ vật dâng lên Thánh Đuổm có các món bánh như bánh dày, bánh khảo, bánh mật, bánh bỏng được xem như đặc sản của người Tày ở Thái Nguyên.
HẢI DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét