Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Giếng cổ Bá Lễ ở Hội An

EmailIn
3474e_5.giengco-115_200Trung tâm quản lý và bảo tồn di tích thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa khảo sát và thu thập thông tin về 80 chiếc giếng cổ còn tồn tại ở Hội An, trong đó giếng cổ Bá Lễ được xếp vào hàng bậc nhất bởi bề dày lịch sử cũng như chất lượng nguồn nước. 

Ông Nguyễn Văn Lự, một người dân ở gần giếng Bá Lễ cho biết hầu hết người Hội An đều biết đến giếng này với nét đặc trưng là nước rất trong, ngọt và không bị khô kiệt dù trong những ngày nắng hạn khắc nghiệt. Hầu như gia đình nào ở phố cổ cũng thuê hoặc tự chở vài thùng nước từ giếng này về dự trữ để nấu ăn hàng ngày. 

Có những mảnh đời gắn chặt với giếng Bá Lễ, như câu chuyện cặp vợ chồng già đã ngoài 70 tuổi, ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ, có hơn 50 năm gánh nước thuê ở Hội An từng được báo chí trong nước lẫn quốc tế phản ảnh. Cả gia đình sống nhờ vào nghề gánh nước thuê, khi còn rất nhiều người dân Hội An chuộng dùng nước giếng Bá Lễ để nấu nướng vì cho rằng chỉ có nước giếng đó mới giúp cho hương vị món ăn thêm đậm đà.

Chính vì lẽ đó, hai vợ chồng ông Đường luôn đắt khách khi các nhà hàng, khách sạn trong khu phố tứ tấp “đặt hàng”. Giá cả cứ theo quãng đường mà tính. Mỗi ngày, đôi vợ chồng gánh cả trăm gánh nước giếng, tính ra quãng đường cũng vài mươi cây số. Nhưng bù lại, bây giờ trong gia đình cũng đã có chút ít tài sản.

Đã từ lâu, giếng Bá Lễ không chỉ là nguồn sống cho những gia đình gánh nước thuê như bà Mỹ mà còn cho hàng trăm hộ dân khác, từ những gánh hàng rong đến những nhà hàng sang trọng. Những món đặc sản của Hội An như cao lầu, mì quảng, xí mà... đều không thể ngon, đúng vị đặc trưng nếu dùng nước giếng khác để chế biến.

Ông Ngô Thiều, người duy nhất hơn 60 năm gắn bó với hình ảnh gánh xí mà quen thuộc của Hội An khẳng định nếu không có nước giếng Bá Lễ, món xí mà của ông trở nên vô vị. Còn chị Nguyễn Thị Hai, người bán cao lầu ở chợ Hội An thì bảo rằng món ăn này mà dùng nước máy thì chắc “vô duyên” lắm... Nhiều hộ dân ở Hội An vẫn còn tin rằng nước giếng Bá Lễ chỉ để nấu ăn, pha trà, uống thường ngày; không thể dùng nước giếng này để tắm gội, giặt giũ vì sợ phí phạm và ô nhiễm nguồn nước trong lành của nó. 

Nước giếng Bá Lễ còn dùng để phục vụ du khách. Nhiều người khi đến Hội An đều mong muốn uống một ngụm nước giếng này thử hương vị thế nào. Vì lẽ đó, một gia đình ở đường Nguyễn Thái Học, con đường dẫn vào giếng Bá Lễ trang bị sẵn một chum nước giếng với dòng chữ “Nước giếng dành cho du khách”. “Món đặc sản” này thu hút nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế đến thưởng thức.    

Tương truyền khoảng vào thế kỷ XX, có một người đàn bà tên là Bá Lễ bỏ hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu hoàn toàn cái giếng cổ của người Chăm này và từ đó giếng cổ có tên Bá Lễ. Ngày hôm nay, giếng cổ vẫn còn tồn tại ở một con hẻm nhỏ và người dân gọi luôn là hẻm Bá Lễ. Vào những ngày lễ, tết, rằm, mùng một…người dân vẫn đến lễ tạ giếng như một nét văn hóa của người Hội An.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Hội An, giếng cổ Hội An là điểm nối kết đặc biệt giữa cư dân Chàm và cư dân Việt ở Hội An, chẳng hạn như giếng Bá Lễ. Theo nhiều người già ở Hội An thì giếng Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa (khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX). Chất liệu làm giếng cổ bằng gạch mà không dùng vôi vữa kết lại. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay.

“Giếng cổ tạo nên nét độc đáo của văn hóa Hội An, là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể. Chính vì thế nó cũng cần được nghiên cứu, bảo tồn như những di tích đền, miếu, chùa chiền khác. Đây là một loại hình di tích hết sức đặc biệt cần được quan tâm nghiên cứu và bảo tồn", ông Trung nhấn mạnh và cho biết thêm số giếng đang được sử dụng (khoảng 50% số giếng cổ hiện nay) thì vẫn để sử dụng theo hướng bảo vệ nghiêm ngặt, hướng dẫn, tuyên truyền người dân không được xâm phạm, xâm hại đến các giếng cổ.

Trương Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét