Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Hà Nội: Mê hồn "thiên đường ếch nhái"

Cảnh tượng hàng trăm chú ếch xanh biếc lúc nhúc bám trên những chiếc lá cây khiến người xem không khỏi sửng sốt.
Ít người biết rằng ở Hà Nội có cả một “thiên đường” dành cho ếch nhái, nơi hàng trăm chú ếch đủ màu sắc, hình dạng thuộc gần 20 loài khác nhau đang sinh sôi nảy nở. Thiên đường đó là Trại nghiên cứu thực nghiệm bò sát - ếch nhái, nằm trong Trại thực nghiệm Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm).

Nằm dưới sự quả lý của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, trại được xây dựng và hoạt động từ năm 2006 nhằm mục đích nghiên cứu sinh thái, sinh học sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt để bảo tồn một số loài bò sát - ếch nhái quý hiếm; tạo cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo và giáo dục môi trường và nhân nuôi một số loài có giá trị kinh tế cho mục đích thương mại.

Hiện nay, trại đang nuôi 18 loài ếch nhái và 6 loài bò sát quý hiếm, được thu thập từ các vùng rừng núi của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sau 5 năm hoạt động, trại đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ: nuôi sinh sản thành công 5 loài qua thế hệ F2 và 11 loài ở thế hệ F1.

Người sáng lập và quản lý Trại nghiên cứu thực nghiệm bò sát - ếch nhái là tiến sĩ Đặng Tất Thế (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) cho biết, nhiều loài ếch rừng của Việt Nam có giá trị kinh tế và khoa học rất cao. Việc nuôi ếch đòi hỏi những yêu cầu chặt chẽ về nguồn nước, thức ăn và không gian sinh sống phù hợp với từng loài. Một số loài ếch có màu sắc đẹp ở trại đã được xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ các đối tượng sưu tầm sinh vật cảnh với giá khoảng 20-30USD một con.

“Hiện giờ, Trại nghiên cứu thực nghiệm bò sát - ếch nhái mới phát triển ở giai đoạn đầu nên chưa mở cửa rộng rãi để phục vụ du khách. Trong tương lại, chúng tôi dự định mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở vật chất để đưa trại trở thành một mô hình du lịch sinh thái nhằm mục đích giáo dục và bảo tồn thiên nhiên” - TS Đặng Tất Thế chia sẻ.

Một số hình ảnh tại Trại nghiên cứu thực nghiệm bò sát - ếch nhái:
 
Khu trại nằm dưới màu xanh xum xuê của cây cối.
Đây là nơi trú ngụ của gần 20 loài ếch nhái quý hiếm, như loài chẫu chàng xanh đốm trong ảnh.
Cảnh tượng hàng trăm chú ếch cây phệ lúc nhúc bám trên những chiếc lá cây khiến người chứng kiến không khỏi sửng sốt.
Họ hàng gần gũi của ếch cây phệ là ếch cây lớn cũng rất thích bám trên lá cây với ngón chân có chất dính của mình.
Chú ếch cây đỏ này nhỏ hơn cả một ngón tay người lớn.
Ếch cây sần Bắc bộ có hình thù ký quái đến... sởn tóc gáy.
"Xấu xí" không kém là ếch cây sần hai màu.
Một số loài ếch khác: ếch cây sẩn nhỏ (phía trên bên trái), chẫu chàng Mẫu Sơn (phia dưới bên trái) và ếch cây Trung bộ với hai màu sắc khác nhau (bên phải).
Ếch cây nếp da mông (phía trên bên trái),cóc mắt chân dài (phía trên bên phải), cóc tía (phía dưới bên trái) và ếch cây Orlov
(phía dưới bên phải).
Ổ trứng và nòng nọc của một số loài ếch.
Nòng nọc của loài ếch cây sần bắc bộ đang phát triển bên trong trứng.
Bên cạnh các loài ếch, Trại còn nuôimột số loài lưỡng cư, bò sát quý hiếm khác như thạch sùng mí Cát Bà (phía trên bên trái), thạch sùng mí lui (phía trên bên phải), cá cóc sần Việt Nam (phía dưới bên trái) và thằn lằn cá sấu (phía dưới bên phải).
 
Theo Hồng Quân
Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét