Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Hang trời gầm đồi ma thiên lãnh

Gần biên giới Campuchia, núi Dài, huyện Tri Tôn (An Giang), là vùng hoang vu, hẻo lánh, xóm làng thưa vắng, từng là nơi cọp gầm, vượn hú. Rừng già âm u, chim bay như lá rụng, hang động sâu thẳm.
Lòng “Hang trời gầm” rất sâu. Ông Ngô Văn Bảy (xã Ba Chúc, Tri Tôn), đã từng vào hang này, đi mấy ngày liền vẫn chưa hết lối. Hệ thống hang phức tạp, có cả suối chảy. Thời chiến, địa thế hiểm trở này từng là căn cứ của Văn phòng tỉnh ủy An Giang. Những khối đá hình trứng khổng lồ nằm ngang dọc trên mặt đất, xen lẫn với hố bom. Chim rừng ở đây còn nhiều vô kể. Lòng hang lạnh ngắt, dây leo ngoằn ngoèo buông rũ bên vách đá. Ông Bảy khẳng định các loài thú dữ, mãng xà, cọp, beo... còn nhiều hơn cả núi Cấm. Ngày trước cây rừng rậm rạp, hươu nai thong thả ra suối uống nước. Anh Mên, người giữ vườn cạnh đó, nói: “Vào hang này phải cả đoàn, có đèn sáng, dao gậy mới dám đi, tôi đã vào một lần, tưởng lạc ở dưới luôn”.
Chị Nguyễn Thị Loan, người ở đây từ nhỏ kể lại, chị từng theo cha đến đây ngắm chim công và cả chim hồng hoàng. Nhiều bầy khỉ thường kéo ra đây hái trái cây làm náo động cả góc rừng. Chị nói: “Đáng sợ nhất là rắn hổ mây khổng lồ, thân to bằng cây dừa, còn loại nhỏ chừng 10 kg thì hiện còn nhiều”. Chị cho biết từng chứng kiến rắn hổ mây rượt bắt con trút quanh núi. Mới đây nhất, vào khoảng cuối năm 2007, một mình chị lên rẫy, nghe tiếng gió rào rào, đoán biết là rắn hổ mây, nép mình đứng lại và nhìn thấy một con hổ mây to bằng cột nhà lao nhanh qua suối.
Cảnh rừng núi nơi đây thật thanh vắng. Dòng suối trong chảy dài từ hang sâu đổ xuống chân núi. Một lợi thế thiên nhiên, gắn với địa danh lịch sử tầm cỡ (thuộc căn cứ Ô Tà Sóc) nhưng mọi thứ vẫn còn hoang sơ, chưa thể trở thành điểm tham quan.
Chúng tôi men theo những bậc đá rêu phong để lên đỉnh đồi Ma Thiên Lãnh. Không ai rõ tên địa danh này có từ thuở nào, chỉ biết người ta gọi là Ma Thiên Lãnh từ thời kháng Pháp. Gió rít từng hồi qua khe đá tạo ra thứ âm thanh rờn rợn. Chúng tôi đặt chân lên dấu xưa của một thời chiến tranh oai hùng. Thời chống Mỹ, quân ta đã bố trí một trung đội hỏa lực tại đây. Quân Mỹ tấn công quyết liệt. Ma Thiên Lãnh trở thành mục tiêu của nhiều vũ khí hạng nặng và bị dội bom suốt ngày đêm. Không thể đánh chiếm ngọn đồi, tháng 9/1969, quân Mỹ dùng loại bom đặc biệt đánh sập miệng hang Ma Thiên Lãnh.
Kỳ tích đồi Ma Thiên Lãnh cuốn hút nhiều nhà văn, nhà thơ đến đây tìm cảm hứng sáng tác. Một thời chiến tranh đã xa, một thời để nhớ về những năm tháng hào hùng. Nơi đây từng chứng kiến cuộc hành trình tìm cha xúc động của chị Đỗ Thị Việt Hà. Qua bao năm tháng hỏi tìm, cuối cùng chị đã đến ngọn đồi này, nơi gần 40 năm trước cha chị cùng 6 chiến sĩ khác hy sinh, lúc chị mới hơn 2 tuổi. Đáp ứng nguyện vọng của chị Hà, năm 2007 tỉnh An Giang cử lực lượng khảo sát vị trí. Không thể dùng chất nổ, tám người thợ chẻ đá chuyên nghiệp được điều đến. Suốt hơn 30 ngày ròng, hơn 300 khối đá được cắt dỡ để đưa thi hài của cha chị cùng sáu liệt sĩ khác về nơi yên nghỉ.

PHƯƠNG DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét