Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Đình Tân Hưng (mặt trận Tân Hưng): Di tích lịch sử - văn hóa

Năm 1929, Chi bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau được thành lập. Tháng 1/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản thị trấn Cà Mau ra đời, đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong công nhân, nông dân, người lao động thành thị, học sinh, trí thức yêu nước và vận động phong trào cách mạng của quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ.

Đặc biệt, qua giác ngộ cách mạng, nhân dân xã Tân Thành nổ ra cuộc đấu tranh với quy mô lớn chống thuế thân và sự kiện treo cờ Đảng tại Đình Tân Hưng - đêm 1/5/1930. Lương Thế Trân, Nguyễn Thế Cao, Nguyễn Ngọc Hương - ba thanh niên trẻ tuổi vẽ cờ đỏ búa liềm, viết trên lá cờ dòng chữ: "Diệt trừ Pháp tặc" treo trên ngọn cây dương trước cửa Đình Tân Hưng.

Rạng sáng hôm sau (2/5/1930) hàng trăm người dân trong làng và nhiều bà con qua lại kinh Rạch Rập hồ hởi trong lòng, lần đầu tiên thấy lá cờ Đảng tung bay. Sau đó, bọn giặc theo dõi bắt 3 thanh niên treo cờ Đảng kết án tù và đày ra Côn Đảo.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công giành chính quyền về tay nhân dân chưa bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta lần thứ hai: Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tiến đánh Sài Gòn. Ngày 29/1/1946, chúng đánh tỉnh lỵ Bạc Liêu... và sau đó mấy ngày chúng đánh vào thị trấn Cà Mau.

Nắm ý đồ của giặc Pháp, lực lượng cộng hòa vệ binh quận Cà Mau và du kích triển khai phương án đánh ngăn chặn bước tiến quân của thực dân Pháp. Trưa ngày 31/1/1946, chúng cho tàu chở quân đến kinh xáng Đội Cường, quân ta phục kích nổ súng chặn lại. Cánh quân khác của thực dân Pháp kéo đến Mương Điều bị quân phục kích nổ súng chặn lại. Đến 4 giờ chiều các cánh quân của giặc mới tiến vào chiếm thị trấn Cà Mau.
 
  Phù điêu tại Đình Tân Hưng tái hiện lại cảnh treo cờ Đảng 1/5/1930 và đánh Mặt trận Tân Hưng 1946.
Khi rời thị trấn Cà Mau, các cơ quan kháng chiến của ta rút vào nông thôn; Đội cộng hòa vệ binh rút vào xã Tân Hưng - Đình Tân Hưng trụ lại xây công sự, đào chiến lũy chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Ban chỉ huy đội cộng hòa vệ binh: Mai Đăng Khoa, Chỉ huy trưởng; Nghê Thiện Úy, Chính trị viên; Huỳnh Văn Thái, phụ trách công tác trinh sát; Đội chánh phụ trách lực lượng dân quân du kích; Hai Niên, phụ trách hậu cần - tiếp tế. Ban chỉ huy đội cộng hòa vệ binh chọn Đình Tân Hưng làm nơi đóng đô của chỉ huy sở mặt trận. Với tinh thần khẩn trương, trong đêm 31/1/1946, Mặt trận Tân Hưng được hình thành.
Sáng ngày 3/2/1946, bọn giặc Pháp đưa vào Rạch Rập một tiểu đội lính Pháp và Khmer thăm dò lực lượng Việt Minh. Chúng nổ súng xối xả vào vườn tược, cây cối rậm rạp rồi kéo về.
Ngày 9/9/1946, chúng đưa tốp lính người Việt theo đường lộ xe vào Tân Hưng, quân ta phục kích nổ súng chết 1 tên, bị thương 2 tên. Tốp lính người Việt cũng rút về thị trấn Cà Mau.
Qua hai trận đánh vừa nêu trên, Ban Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng họp biểu dương tinh thần chiến đấu của đơn vị, của chiến sĩ và phân công người liên hệ xã Khánh Bình, xã Tân Hưng bổ sung lực lượng và tăng cường phương án hợp đồng chiến đấu, mở rộng Mặt trận Tân Hưng: từ Cai Di qua Nàng Âm, đến sông Gành Hào và kinh xáng Đội Cường.
Ngày 18/2/1946, chúng cho 1 đại đội lính ma-rốc theo trục lộ thị trấn Cà Mau - Năm Căn phản kích vào Mặt trận Tân Hưng. Khi chúng vừa kéo quân tới cống Bà Điều, lọt vào ổ phục kích, quân ta nổ súng tiêu diệt 2 tên, làm cả đại đội lính ma-rốc hoang mang tháo chạy.

Sáng hôm sau (19/2/1946), bọn giặc tập trung lực lượng, chia thành hai cánh, đánh vào Mặt trận Tân Hưng, cánh quân thứ nhất của giặc cũng vừa đến đoạn lộ cống Bà Điều bị quân ta phục kích chặn đánh. Cánh quân thứ hai bất động kéo quân bọc hậu đội hình của ta, các chiến sĩ của ta nêu cao tinh thần chiến đấu tập trung súng trường, lựu đạn, ná lãi, phi tiêu (kể cả đốt khí đá tạo thành nhiều tiếng nổ tác động tinh thần bọn giặc) làm chết một số tên, khiến bọn giặc hoảng hốt lôi xác đồng bọn về thị trấn Cà Mau.
Nghe tin chiến thắng giặc tại Mặt trận Tân Hưng, các xã: Phong Lạc, Tân Hưng, Thạnh Phú vận động dân công, cử phái đoàn đến tiếp tế lương thực, thực phẩm và thăm hỏi, động viên tinh thần bộ đội. Tại Đình Tân Hưng, xuồng ghe ken dầy một đoạn kinh. Các mẹ chiến sĩ và các chị phụ nữ tình nguyện ở lại Mặt trận Tân Hưng phục vụ bộ đội chiến đấu.
Cuối tháng 8/1946, Mặt trận Phước Long của ta bị vỡ, Bộ đội Quân khu 9 rút về chi viện cho Mặt trận Tân Hưng. Mặt trận Tân Hưng tiếp tục được tăng cường và mở rộng: Bộ đội Quân khu 9, 2 phân đội cộng hòa vệ binh quận Cà Mau, cộng hòa vệ binh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng và du kích các xã: Tân Hưng, Phong Lạc, Thạnh Phú, Tân Hưng Tây...
Tăng cường phòng thủ Mặt trận Tân Hưng, quận Cà Mau huy động dân công đắp cản trên sông Tắc Thủ và đào công sự, bố trí bãi chông hai bên bờ sông ngăn chặn bước tiến của giặc. Mặt trận Tân Hưng tiếp tục mở rộng từ tuyến Sông Đốc đến sông Gành Hào qua kinh xáng Mương Điều, đến binh xáng Đội Cường và bố trí lực lượng chiến đấu từ Tân Hưng đến Cái Rắn (xã Phú Hưng) và Sở chỉ huy Mặt trận chuyển về Cái Rắn.
 
  Khu di tích Đình Tân Hưng, tọa lạc tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.             Ảnh: TRẦM NGHĨ
Ngày 30/4/1946, thực dân Pháp tăng cường quân về thị trấn Cà Mau rất đông, chúng chia làm 3 mũi đánh vào Mặt trận Tân Hưng bằng 3 hướng: Gành Hào, Đội Cường - Lộ xe Cà Mau, Năm Căn - Tắc Thủ... Do ta chủ động, đối phó nên khi các cánh quân giặc vừa kéo đến ta chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt tấn công của giặc, giữ vững trận địa. Trận chiến đấu ác liệt nhất là cộng hòa vệ binh tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng, thị trấn Cà Mau chận đánh cánh quân giặc Pháp từ Tắc Thủ đánh qua gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc chúng phải rút quân về thị trấn Cà Mau.
Sau trận đánh này, Quân khu 9 và Tỉnh ủy chỉ đạo tăng quân, làm thêm chướng ngại vật, bố trí thêm các trạm gác, tổ chức trinh sát theo dõi nắm tình hình địch, xây dựng đường dây liên lạc từ Mặt trận về Sở chỉ huy Mặt trận ở Cái Rắn.
Ngày 2/5/1946, địch tăng cường quân số với sự yểm trợ của máy bay, tàu chiến, trọng pháo, chia làm nhiều mũi tấn công vào Mặt trận Tân Hưng. 8 giờ sáng, qua nhiều đợt máy bay oanh kích và trọng pháo dội vào khoảng lộ xe cống Bà Điều, xóm Phước Kiến, Đình Tân Hưng... làng mạc, nhà cửa bị tàn phá. Bộ binh của chúng long theo mé sông, dưới mương, đồng loạt nổ súng vào trận địa của ta.

Quân ta được lệnh bám chặt công sự, chờ địch đến gần nổ súng bất ngờ tiêu diệt nhiều tên địch. Cánh quân của địch ở Phước Kiến bị ta chận đánh ở kinh xáng Đội Cường. Địch cho tàu sắt bắn trọng pháo dọn đường cho bộ binh băng đường đồng tiến vào Mặt trận Tân Hưng...

Qua 4 giờ đồng hồ chiến đấu rất ngoan cường của lực lượng cộng hòa vệ binh và lực lượng du kích đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Do chiến đấu  lâu ngày, thiếu đạn và trước thế áp đảo của quân địch... nên Sở chỉ huy Mặt trận Tân Hưng chỉ thị cho tất cả lực lượng trên toàn tuyến Mặt trận Tân Hưng rút về vùng Đầm Dơi, vùng Năm Căn và vùng U Minh Hạ để bảo toàn lực lượng tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài.
Mặt trận Tân Hưng tuy tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cầm chân địch tại thị trấn Cà Mau để có thời gian chúng ta củng cố lực lượng, xây dựng vùng căn cứ kháng chiến và gây cho địch những tổn thất to lớn.

Mặt trận Tân Hưng còn chứng minh sự lãnh đạo kỳ quyết và thống nhất của các cấp đảng bộ, sự đoàn kết và quyết tâm chiến đấu với quân thù của đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Mặt trận Tân Hưng là sự kiện nổi bật của hình thức chiến tranh nhân dân diễn ra ngay những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp của Đảng bộ và nhân dân Cà Mau rất dũng cảm - rất oai hùng!
Mặt trận Tân Hưng được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ngày 25/9/1992./
.Vị trí: Đình Tân Hưng thuộc ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm Tp. Cà Mau 4km về phía nam, trên tuyến kênh rạch Rập, đường đi huyện Cái Nước.
Đình được xây dựng năm 1907, trải qua thời gian chiến tranh, đình bị hư hỏng toàn bộ. Trên nền đó, người dân địa phương cho dựng một ngôi đình khác nhỏ hơn gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc đúc hai rồng chầu. Phía trước đình có bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hình hai bông sen. Hai bên sân có hai miếu thờ nhỏ.
Phạm Văn Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét