Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Đình Thới Sơn - Di tích lịch sử cách mạng ở An Giang

Đình Thới Sơn được xây dựng vào năm 1851, do ông Đoàn Minh Huyên, một nhà yêu nước núp dưới chiếc áo nhà tu cùng với tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đến làng Xuân Sơn và Hưng Thới, nay là ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên (An Giang) khai sơn lập đình, khai hoang, phá rừng, chống muôn loài thú dữ... để làm ruộng tập thể còn gọi là trại ruộng Thới Sơn, một hình thức như hợp tác xã nông nghiệp bây giờ.

Đình được xây cất bằng cây rừng, vách lá, mái tranh, nền đất. Năm 1945 bị giặc Pháp đốt phá. Năm 1956, đình dựng lại khung sườn bằng gỗ, lợp ngói, nhưng bị bom đạn đánh sập.

Sau năm 1975, dân làng vận động đóng góp kẻ công, người của, xây dựng lại theo kiến trúc cổ lầu, ba bộ nóc, mái nhị cấp, lợp ngói Phú Hữu, tường xây, nền gạch men, bốn cột chính bằng bê tông cốt sắt biểu trưng cho tứ chúng, đường kính 60cm, xung quanh đình còn có các công trình nhà khách, nhà bếp, bồn chứa cả 200m3 nước... Trước đình là tường rào và cổng tam quan có mái che cổ kính. Sân đình có bàn thờ Tổ quốc, Thần Nông và các miếu thờ Sơn Quân - Bạch Mã - Chiến sĩ trận vong.

Đình Thới Sơn thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh. Các khánh thờ chạm khắc công phu, sắc nét với các đề tài: Bát Tiên - Cuốn Thư - Triền chi, hoa, điểu thú. Nội thất đình trang trí rực rỡ, mỹ quan, trước hương án có cặp hạc đứng trên lưng qui chầu thần. Hai bên tả - hữu bàn thờ đối xứng: Tiền hiền - Hậu hiền. Có võ ca làm chỗ diễn tuồng hát bội trình thần vào các ngày đại lễ Kỳ Yên.

Nhìn tổng thể đình Thới Sơn với lối kiến trúc bề thế, tuy đã nhiều lần sửa chữa, tôn tạo. Diện mạo, bố cục bài trí vẫn giữ được bản sắc kiến trúc văn hóa vật thể của dân tộc. Vào các ngày lễ hội, nhân dân các nơi về lễ bái đông đảo.

Nối tiếp truyền thống yêu nước của ông Đoàn Minh Huyên, các đệ tử kế tục làm từ, hướng dẫn bổn đạo không hợp tác với chính quyền tay sai. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, các tín đồ đã sớm giác ngộ cách mạng, một lòng theo Đảng. Đình là cơ sở vững chắc từ lúc mới xây dựng trong những năm cách mạng còn hoạt động bí mật, nuôi chứa bảo bọc nhiều cán bộ hoạt động cách mạng, bảo đảm an toàn các cuộc hội họp, học tập, tuyên truyền đường lối cách mạng... góp phần cùng chi bộ xã địa phương xây dựng và phát triển thực lực cách mạng, chiến đấu mạnh mẽ và toàn diện.

Trong nhiều năm liền, đình Thới Sơn là trụ sở làm việc và hoạt động của Ủy ban Kháng chiến xã. Lực lượng vũ trang thường xuyên đóng quân, luyện tập quân sự tại sân đình, sẵn sàng bảo vệ các cuộc họp mật, bảo vệ chính quyền cách mạng tại địa phương. Biết đình là cơ sở cách mạng, ngoài lực lượng tại chỗ, bọn Pháp huy động hỏa lực có phi pháo yểm trợ đánh chiếm đình Thới Sơn, đốt cháy đình, giết chết ông từ quản thủ đình. Dù vậy, ngọn lửa yêu nước vẫn âm ỉ cháy suốt, đình lại được dựng lên và là cơ sở cách mạng suốt 20 năm chống Mỹ và tay sai. Với nhiệm vụ làm vòng đai bảo vệ các lực lượng cách mạng, ngôi đình và núi Két là những cơ sở nằm dọc lộ xe, có vai trò theo dõi sự di chuyển qua lại của địch từ Nhà Bàng đi Chi Lăng, Tri Tôn, đồng thời án ngữ, ngăn chặn địch đưa quân vào căn cứ Thới Sơn. Trước đình là con đường đất vào trung tâm xã, được bố trí ấp chiến đấu, với những chiến hào, bãi chông, gài chất nổ tạo gọng kìm không cho bọn lính hành quân vào căn cứ và bắt bớ cán bộ ẩn trú tại đình.

Năm 1962, Mặt trận Dân tộc Giải phóng xã Thới Sơn được thành lập, ông từ quản thủ Đình được phân công là thành viên, tổ chức tốt các đoàn thể, cất giấu và chuyển nhiều truyền đơn, tài liệu đến các địa điểm cách mạng trong vùng, lôi kéo mọi thành phần yêu nước vào tổ chức bám đất giữ làng, kêu gọi thân nhân không đi lính làm bia đỡ đạn cho giặc.

Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, đình Thới Sơn luôn được cư dân tôn trọng, không ngừng tu bổ, tôn tạo. Hiện nay, đình là công trình kiến trúc đồ sộ của xã Thới Sơn, mang ý nghĩa lớn lao trong cuộc khai hoang lập làng, gắn liền với sự hình thành và phát triển của địa phương. Qua các thời kỳ kháng chiến giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, đình đã cống hiến nhiều công sức, nuôi chứa và ủng hộ cán bộ cách mạng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước thống nhất Tổ quốc, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đình Thới Sơn được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1999. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét