Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Khám phá hang động ở Kiên Giang

Vách núi đá vôi dựng đứng như bức tường thành vững chải, che chắn.

Hang động núi đá vôi đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của Kiên Giang. Bước vào mỗi hang động, du khách như đang bước vào một thế giới khác lạ...

Hệ thống hang động Kiên Giang tập trung chủ yếu ở Kiên Lương và Hà Tiên. Nơi đây, có rất nhiều núi đá vôi trên cạn lẫn dưới nước đã tạo nên một hệ sinh thái đa dạng và phong phú, luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà khoa học. Còn hang động lại là địa điểm hấp dẫn để du khách khám phá và... tưởng tượng!

Hai hang động nổi tiếng tại Hà Tiên là Đá Dựng và Thạch Động. Cách đây gần 300 năm, hai danh thắng này được biết đến qua hai bài thơ “Châu nham lạc lộ” và “Thạch Động thôn vân” trong tập “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” của Mạc Thiên Tứ - người sáng lập Tao đàn Chiêu Anh Các nổi tiếng. Thạch Động được biết đến gắn với cổ tích Thạch Sanh chém chằn tinh. Là chuyện thiếu nhi nhưng khi đến đây, du khách người lớn vẫn bị lôi cuốn và muốn tận mắt chứng kiến Thạch Sanh hóa đá qua những thạch nhủ tạo hình trong hang động này. Thạch Động có cửa đi vào phía sườn núi nhưng có nhiều “cửa sổ” trông ra nhiều hướng. Các “cửa sổ” này gió lồng lộng thổi. Khách có thể đứng trên bệ đá cửa sổ ngắm cảnh trời đất, mơn trớn với những cơn gió. Chỉ là một hang động vừa nhưng Thạch Động tạo sự hấp dẫn bởi vẻ huyền bí. Trong động, có một giếng nước sâu. Nhiều người cho rằng, giếng này thông ra tận biển. Tương truyền, có người cho khắc trái dừa làm dấu rồi thả vào giếng. Không lâu sau đó, người ta nhìn thấy trái dừa này ở tận biển Mũi Nai, cách đó hơn 5km. Do đảm bảo sự an toàn cho du khách, miệng giếng hiện đã được bít lại. Ngay tại cửa ra vào, có một phiến đá thòng xuống với đầu nhọn, ngày đêm rỏ những giọt nước trong lành xuống đất. Người ta gọi đó là “bầu vú mẹ”, nước rỏ ra là “sữa”. Bên dưới, có đặt cái lu nhỏ hứng nước để du khách rửa tay, rửa mặt xua đi những mệt mỏi và xem như hưởng chút lộc từ “bầu vú mẹ”. Vì những điều kỳ bí, hang này gắn với tín ngưỡng, thu hút nhiều du khách đến chiêm bái. Giữa hàng có một ngôi chùa thờ Phật ngày đêm hương khói. Không khí trong hang mát lạnh và yên tĩnh. Nhiều du khách vào đây hàng giờ nhưng vẫn không muốn ra khỏi động.

Bên hông Thạch Động, có đường rẽ vào Đá Dựng khoảng hơn 1km. Đá Dựng càng kỳ bí khi có hơn 10 hang động bao quanh núi. Mỗi hang động mang một vẻ khác nhau bởi sự hình thành của thạch nhủ. Dù phải đi bộ lên xuống quanh sườn núi nhưng khách không có cảm giác mệt nhọc khi các hang động chỉ cách nhau vài trăm mét. Vào trong hang, không khí mát lạnh. Thạch nhủ tạo nên những hoa văn độc đáo, tô điểm cho vách đá thêm những nét duyên. Hang Bồng Lai rộng lớn với vô số thạch nhủ. Trong đó, có những khối thạch nhủ lớn bị đổ nát do chiến tranh và sự xâm hại của con người. Tuy nhiên, thạch nhủ ở đây còn rất nhiều nhưng tiếc là không có ánh sáng đèn chiếu nghệ thuật nên hang động kém phần hấp dẫn. Cách đó không xa là hang Kim Quy, có khối đá vôi hình con quy nằm trên mặt đất. Vào hang Trống Ngực, khách ngỡ ngàng khi có những âm thanh vọng lại. Quay mặt vào vách đá, khách vỗ ngực thình thịch thì có âm thanh tương tự vọng lại và ngân dài. Vào những hang động này, nếu khi một mình khách dễ bị hốt hoảng bởi trí tưởng tượng. Có những hang đi vào sâu hun hút. Xung quanh đầy những phiến đá nhọn trông như hàm cá mập khổng lồ hay những chiếc răng của con quái vật trong phim kinh dị. Đó là quá trình hình thành và phát triển của núi đá vôi. Loại đá này dễ bị xâm thực nên rễ cây mọc len lõi trong đá, dẫn theo nước mưa “khắc” nên những ngõ ngách, hình thù kỳ quái. Thạch nhủ ở đây muôn hình vạn trạng với nhiều kích thước, hình thù khác nhau. Trong hang Khổ Qua, thạch nhủ tạo hình những trái khổ qua khổng lồ treo từ đỉnh hang đưa xuống đất...

Hệ thống núi đá vôi ở Kiên Giang nằm trong hệ núi đá vôi kéo dài đến Kampot-Vương quốc Campuchia. Các đợt khảo cổ cho thấy, dấu tích sự sống của người cổ với những vật dụng bằng đá còn sót lại. Theo các nhà nghiên cứu về núi đá vôi, nhờ hệ thống núi và hang động này nằm dọc bờ biển và án ngữ nhiều vị trí trên biển nên vùng biển này rất bình yên. Kể cả khi xảy ra sóng thần, vùng đất liền cũng ít bị ảnh hưởng nhờ những rào chắn này. Đặc biệt núi đá vôi khu vực này có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật đặc chủng; có nhiều loài mới được phát hiện bổ sung vào danh mục loài mới cho thế giới. Trong chiến tranh, hang động núi đá vôi là nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng. Mo So ở Kiên Lương là một trong những hang động như thế. Núi Mo So không lớn nhưng hang động lại có nhiều ngóc ngách che chở cho các chiến sĩ cách mạng. Ngày nay, Mo So trở thành di tích lịch sử, được bảo vệ tốt, giữ lại hệ sinh thái phong phú vốn có. Chỉ tốn 50.000 đ, khách được một hướng dẫn viên địa phương bật máy phát điện thắp sáng hệ thống hang. Những phiến đá, thạch nhủ trong hang càng thêm lung linh, huyền ảo dưới ánh đèn vàng. Nhờ người hướng dẫn, khách được tận tay sờ vào bàn tay Phật, nải chuối vàng... được hình thành từ thạch nhủ. Thích thú nhất là bệ đá to có những ánh chớp lấp lánh như vàng non. Có ánh sáng đèn, khối đá này càng thêm lấp lánh, khách đứng nhìn mãi, quên thôi. Trong hang động này, mỗi ngóc ngách đều tạo mỗi cảm giác khác biệt cho du khách. Hết cung đường này đến cung đường khác, khung cảnh trước mắt luôn mới lạ, thích thú. Dù chưa được khai thác đúng mức nhưng Mo So là điểm đến hấp dẫn. Du khách đã từng đến Phong Nha - Quảng Bình khi đến Mo So vẫn trầm trồ khen ngợi bởi nét đẹp của hang động này. Không rộng lớn bằng động Phong Nha nhưng hang Mo So có nét hấp dẫn riêng bởi sự kiến tạo của tự nhiên với những thạch nhủ kỳ dị, nhiều rễ cây mọc xuyên đá từ đỉnh núi xuống, tạo sự lôi cuốn bởi trí tưởng tượng phong phú của du khách.

Và còn nhiều điều hấp dẫn đang chờ bạn khám phá khi đến với vùng đất nhiều núi đá vôi ở Kiên Giang. Mỗi hang động là một thế giới khác lạ đến kỳ bí và huyền hoặc. Khi bước ra khỏi cửa hang, mọi thứ như khép lại để lại sự nuối tiếc cho du khách...

Bài, ảnh: DU MIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét