Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Lăng Ông Nam Hải

Lăng thờ Cá Ông ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, gần ngã đường vào thị trấn Gành Hào và đường đê ra biển. Lăng được cất từ lâu, ban đầu ở vàm sông Gành Hào, sau đó do vàm sông sạt lở, người dân địa phương di dời vào vị trí hiện nay. Đối với người hành nghề đánh bắt hải sản, Cá Ông là một sinh vật linh thiêng luôn phù trợ cho người đi biển, không những giúp cho người đi biển đánh bắt nhiều cá tôm mà còn cứu nạn mỗi khi bị bão giông.
Lăng Ông Nam Hải - Ảnh: Hoàng Chí Hùng
Tại mỗi lăng thờ Cá Ông, hàng năm đều tổ chức lễ hội Nghinh Ông rất long trọng. Tùy vào ngày ông lụy ở mỗi nơi mà lễ Nghinh Ông được tiến hành vào những thời đểm khác nhau. Đây là loại lễ hội quan trọng và lớn nhất của ngư dân và từ lâu đã trở thành một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc. Lễ Nghinh Ông còn có nhiều tên gọi khác nhau như: lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh ông Thủy tướng, lễ cúng biển… Thời Nguyễn, các vua suy tôn cá ông là Nam Hải đại tướng quân. Riêng vua Gia Long phong cho cá Ông tước hiệu: "南海巨族玉麟上等神 - Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần".
Lăng Ông ở Gành Hào hiện nay có tới 4 cốt (sọ đầu) cá Ông, 9 xương sườn và khoảng mười đốt xương sống. Xương sọ cái lớn nhất có chiều ngang trên 1 m; xương sườn cái dài nhất từ 2,5 - 2,6 m. Hiện nay, chưa có một kết quả khoa học nào xác định những chiếc xương này có từ khi nào, nhưng theo lời những người già ở đây thì chí ít cũng khoảng 100 năm.
Lễ Nghinh Ông ở Gành Hào được tổ chức vào ngày 09 - 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội dân gian truyền thống được lưu truyền gìn giữ hàng năm, do vậy mà không ai bảo ai, hễ đến ngày lễ, hàng vạn người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về Gành Hào tham gia lễ hội. Lễ được tổ chức dưới hình thức học trò lễ dâng rượu, cúng tế, sau đó khách đến ăn uống và xem hát tuồng kéo dài đến khuya.
Nghi thức quan trọng nhất là lễ rước Ông. Từ sáng sớm, có không dưới 100 tàu thuyền trong huyện và khắp nơi về tham gia lễ hội. Các chủ ghe tàu trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu, như một thuyền hoa, mọi người vô tư lên tàu ra biển Nghinh Ông. Trong đó, có một cụm tàu chính gồm 2 chiếc kết lại thành đoàn. Tàu này có nhiệm vụ chở Ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ. Lễ được khởi hành tại lăng ông, đi đầu là đội múa lân, kế đến là đội kèn Tây, theo sau là học trò lễ, các đoàn binh sĩ (mặc trang phục binh sĩ thời Gia Long), nữ thanh lịch…Dân chúng đứng hai bên đường, hò reo cổ vũ, tạo nên không khi lễ hội thật náo nhiệt. Đoàn diễu hành qua thị trấn Gành Hào rồi xuống tàu và chạy ra biển tiến hành làm lễ cúng bái, xin keo cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng thuận lợi. Cuối cùng là nghi thức thả tôm giống xuống biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, đây là một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Nghinh Ông hàng năm của ngư dân Gành Hào - Đông Hải.
Vài điểm đặc biệt về văn hoá thờ Cá Ông ở vùng Bạc Liêu - Cà Mau
 
- Vật hiến sinh: gồm heo quay và heo sống (giết thịt, để cả con) cùng hương hoa, trà, rượu. Một nghi thức đặc biệt quan trọng là khi cúng phải làm thủ tục chia phần hiến tế. Ông chủ tế lật bụng vật hiến sinh lên, dùng dao lướt dọc, ngang trên thân con vật, biểu thị là đang phân chia vật phẩm hiến tế cho các thần linh, thực hiện 3 lần để chia cho đủ, nếu không thì linh thần quở trách suốt năm, làm ăn không khấm khá. Thủ tục này được thực hiện rất cẩn trọng với tâm tưởng “ăn đồng, chia đủ”, thật công bằng.
- Lễ diễu hành Nghinh Ông: ngư dân cho rằng hướng Tây - Nam là hướng Thần Nam Hải đang ngự trị - hướng Phúc. Theo những nghiên cứu về khí tượng thủy văn thì hướng Tây của biển Đông là lục địa, tại vùng biển Bạc Liêu hướng Đông thuộc hướng của những cơn bão hình thành và đổ bộ vào bờ - hướng Họa. Dân gian cho rằng hướng Tây - Nam là hướng trời yên biển lặng. Vì thế, đoàn diễu hành lễ Nghinh Ông thường đi về hướng Tây - Nam. Đây là điểm khác biệt so với vùng ven biển miền Trung.
- Các điều kiêng cữ: trong ngôn ngữ, kiêng không được gọi cá Voi là con cá mà phải gọi là Ân ngư, là Ông cá. Cá Ông chết gọi là Ông lụy, xương cá Ông gọi là Ngọc cốt, khi hành lễ phải xưng Ông là Đại Càn Nam Hải Đại Tướng Quân, khi cúng tế phải gọi Cung nghinh, thỉnh Ông; trong hành vi, chánh tế phải là đàn ông lớn tuổi, kiêng đàn bà con gái ngồi trên mòi tàu đánh cá, mỏ neo tàu, hoặc bước ngang chân qua ụ tàu; kiêng phụ nữ đang “dơ mình” bước vào chánh điện thờ Ông; kiêng việc nam nữ giao phối trên tàu lúc neo đậu cũng như ra khơi, không được tự ý xê dịch bàn thờ trên tàu; kiêng cho súc vật như kỳ đà, mèo, rùa xuống tàu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét