Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Làng Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là một làng nhỏ (năm 1926 chỉ có 260 nhân khẩu) trải dài theo cong Đường Thành (tức đường Hoàng Hoa Thám hiện nay) ở phía Bắc khu “Thập tam trại” (13 trại ở phía Tây Kinh thành Thăng Long) được lập nên do một vị dũng sĩ họ Hoàng người làng Lệ Mật (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên), có công trị các loài thủy tặc, tìm được xác công chúa con Vua Lý Nhân Tông (1066- 1128) bị đắm thuyền khi đi chơi thuyền trên sông Thiên Đức (một nhánh của sông Đuống), được Vua ban thưởng rất hậu, cho khai phá vùng đất này. Tên gốc của làng là Cống Yên, năm 1866 đổi Cống Trại, đầu thế kỷ XX mới đổi thành tên hiện nay
 
Trước đây, làng Vĩnh Phúc có ba xóm phân tán tại ba khu vực, với đồng ruộng riêng biệt, làm cho người ta có cảm giác là ba làng riêng biệt. Xóm Thượng (hay Cống Yên) - là xóm gốc của làng, tiếp giáp với vùng Bưởi và Nghĩa Đô, tập trung người của họ Nguyễn và họ Trương, tục truyền từ làng Lệ Mật chuyển sang từ thời Lý. Xóm Trung (xóm ở giữa), là nơi tập trung đông dân cư nhất, chủ yếu là người họ Phạm và họ Nguyễn ở huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) di cư ra vào giữa thời Lê Trung Hưng (1593 - 1789). Xóm Hạ ở giáp làng Đại Yên. Đầu thế kỷ XIX, Vĩnh Phúc là một trại thuộc tổng Nội huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức (từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội), đến năm 1915 tuy nhỏ về diện tích và dân số, nhưng Vĩnh Phúc được nâng lên thành một xã thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1941 đổi làm Đại lý đặc biệt Hà Nội), với 1 lý trưởng, 2 phó lý cùng đầy đủ bộ máy giúp việc.
 
Làng Vĩnh Phúc xưa có rất ít ruộng, trong đó chủ yếu là ruộng công. Đến năm 1901, thực dân Pháp cho xây bãi đua ngựa, dân gian gọi nôm là bãi Quần Ngựa hoặc sân Quần Ngựa (nay là Cung thể thao Quần Ngựa nằm giữ đường Liễu Gia kéo dài và phố Đốc Ngữ), phần lớn đất của làng (và của làng Cống Vị bên cạnh) bị thu mất; sau đó, đến năm 1927, Nhà chung Hà Nội lại lấy đất để xây nhà phục vụ cho Giáo xứ nên làng chỉ còn 41 mẫu ruộng công. Tuy nhiên, do làng ít đinh nên số ruộng này đủ chia cho mỗi suất được 2 sào để trồng lúa, lạc, mía, ươm các loại cây con để bán. Tuy nhiên, việc làm ruộng không đủ nuôi sống, nên nam giới phải đi vào các nhà máy để làm các công việc tạp dịch với thu nhập thấp, phụ nữ thì sang các làng Bưởi lột vỏ dó để làm giấy. Nhìn chung, làng Vĩnh Phúc nghèo hơn so với các làng bên.
 
Do ba khu dân cư ở cách biệt nhau nên làng Vĩnh Phúc có hai đình, một đình ở xóm Hạ, vốn là đình của giáp Đông của xóm này; một đình ở xóm Giữa vốn là đình của giáp Bắc. Xóm Cống Yên không có đình, thường sang lễ ở đình xóm Giữa. Cả hai đình đều thờ ông Hoàng Lệ Mật. Hội làng diễn ra vào 21 tháng Ba. Vào những năm phong đăng hòa cốc, mở đại đám, làng cùng với các làng trong khu “Thập tam trại” và đoàn đại biểu làng Lệ Mật làm lễ chung, tổ chức các nghi thức và trò diễn như hội làng Lệ Mật. Làng còn có hai chùa : chùa Trên ở sát địa phận làng Đại Yên và chùa Dưới ở giáp làng Liễu Giai (chùa này đã bị thực dân Pháp phá năm 1947).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét