Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Lên đỉnh Thất Sơn


Nhìn từ núi Ông Cấm - Ảnh: T.Thế Dũng
Thất Sơn, cái tên rất quen mà rất lạ. Quen bởi bất cứ ai sống ở Nam bộ đều biết đó là bảy ngọn núi huyền thoại ở tỉnh An Giang. Lạ vì mấy ai đã thật sự đặt chân tới ngần ấy đỉnh núi.
Sáu giờ sáng khởi hành từ bến xe miền Tây thì đúng 2 giờ chiều tôi đặt chân lên những bậc thang đầu tiên của núi Ông Két hay còn gọi Anh Vũ Sơn. Bước thêm vài trăm bậc thì đến khối đá tròn, có nhiều phiến đá xếp chồng phía trên tạo thành hình đầu chim két trông rất ngoạn mục. Từ đây muốn lên chóp đỉnh phải vượt hàng loạt con dốc toàn đá hòn lớn nhỏ dưới tán lá rừng tái sinh.
Tôi mở máy khởi động GPS thiết bị định vị toàn cầu, sau vài phút chờ dò sóng vệ tinh, trên màn hình hiển thị 252m so với mặt nước biển. Không thể tin nổi vì nhiều tài liệu xác định núi cao 225m.
Chinh phục Cô Tô
Qua đêm tại thị trấn Tri Tôn, rạng sáng chúng tôi phóng xe máy rong ruổi đến khu du lịch Soài So, cửa ngõ duy nhất để chinh phục núi Cô Tô - Phụng Hoàng Sơn. Kế tiếp là thuê xe “đặc chủng” lên Sân Tiên cao điểm 298m. Đây là loại xe gắn máy bình thường song gắn nhông 13 răng và đĩa 47 răng cùng bánh xe đặc biệt nhằm vượt dốc có độ nghiêng gần 40%. Hành trình từ Sân Tiên lên Cấp Nhất địa danh chóp đỉnh Cô Tô qua lối mòn dẫn bước đến nhiều triền núi gối lên nhau dưới vườn cây ăn trái chen lẫn rừng trúc, rừng tre mạnh tông tạo cảm giác bình yên, thanh thản. Và cứ thế cho đến khi chúng tôi chạm tay vào cột mốc bằng bêtông được đúc trên tảng đá giữa bốn bề là nắng gió, đồng thời máy GPS báo kết quả 614m.
Sau hàng giờ lòng vòng thăm hỏi tại thị trấn Ba Chúc, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đường lên núi Tượng qua những vách núi cheo leo, đầy gai rừng. Song dù sao vẫn không đáng ngại bởi từ chân núi đến chóp đỉnh vốn là hai tảng đá chồng chất cao 145m. Duy có điều xung quanh trống trải tiêu điều, ngoài một miếu thờ cụ Thượng đẳng đại thần Nguyễn Trung Trực. Người ta kể vào tháng 4-1978 khi Khmer Đỏ vượt biên giới tàn sát dân làng Ba Chúc, đông đảo người dân kéo nhau lên núi tìm hang đá để ẩn nấp hàng tháng ròng.
Khám phá Thiên Cấm Sơn
Theo lối mòn về phía tây, chúng tôi lần bước qua nhiều nương rẫy và tìm về núi Nước. Gọi là núi nhưng thật ra chỉ cao 17m và được cấu tạo từ những tảng đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau giữa hồ nước mênh mông, chẳng khác hòn non bộ khổng lồ. Tuy nhiên, điều dễ nhận ra nơi đây rất lý tưởng để những ai muốn tìm đến không gian thanh tịnh, chiêm ngưỡng cảnh đẹp xung quanh. Nhìn về đằng tây, mặt trời tựa khối cầu lửa đang xuống dần sau rặng núi.
Núi Ông Cấm tên chữ là Thiên Cấm Sơn, được tôn vinh là ngọn núi hùng vĩ, linh thiêng và kỳ tích nhất bảy núi. Kỳ thực, đứng trên Vồ Bồ Hong, chóp đỉnh Cấm Sơn, ở độ cao 710m người ta có thể ngắm nhìn cả một vùng không gian bao la rộng lớn. Gần thì năm non: Vồ Đầu, Vồ Bò Hong, Vồ Thiên Tuế, Vồ Bà, Vồ Ong Bướm tọa lạc ngay trên núi Cấm, xa hơn một chút là quần thể núi đá xung quanh, xa hơn nữa là khu vực Hà Tiên, miệt Châu Đốc, lãnh thổ Campuchia... Cấm Sơn còn mang trong mình biết bao truyền thuyết kỳ bí: chuyện các vị đạo sĩ tu đắc đạo thành tiên, chuyện những người ngậm ngải tìm trầm, kho báu biến thành “xà niêng” điên dại..
Ở núi Dài Nhỏ - Năm Giếng, do vách núi chia cắt hiểm trở, khó xác định vị trí chóp đỉnh nên sau hơn một giờ hì hục leo trèo, nhìn xa xa nổi bật trên bầu trời chênh vênh mỏm đá khổng lồ ai cũng ngỡ đã đi đúng hướng. Tuy nhiên khi tới nơi, chúng tôi phát hiện thêm cụm đá chồng cao hơn nằm sâu trong rừng và khuất giữa đám rễ cây cổ thụ bám chằng chịt. Và thế là lại tái diễn cảnh chặt cây mở đường và tiếp tục trườn mình trên mặt đá như làm xiếc cho đến tận chóp đỉnh. Trong không gian tĩnh mịch, tranh tối tranh sáng của thời khắc cuối ngày, tôi vẫn thấy GPS định vị 268m.

TRẦN THẾ DŨNG

Vãn cảnh Thất Sơn

Hồ Thủy Liêm trên đỉnh Thiên Cấm Sơn.
Thất Sơn có hàng chục núi, đồi lớn nhỏ nằm rải rác ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; với 7 địa danh nổi tiếng như: Anh Vũ Sơn, Ngũ Hồ Sơn, Thiên Cấm Sơn, Phụng Hoàng Sơn, Ngọa Long Sơn, Thủy Đài Sơn và Liên Hoa Sơn; luôn hấp dẫn người hành hương và du khách gần xa bởi có những danh lam thắng cảnh, giai thoại về con người và vùng đất chứa đựng nhiều huyền bí!
Mùa khô đến sớm, các vùng núi, đồi ở Thất Sơn hầu như đều ngã màu, cây rừng khô héo rồi úa vàng, để lộ ra những vồ đá nhấp nhô và chơi vơi khắp đó đây. Thế nhưng, cũng xung quanh vùng núi, đồi này lại xuất hiện hình ảnh khá sinh động khiến cho người hành hương, du khách chú ý theo dõi và tò mò tìm hiểu; đó là hoạt động nghề khai thác và chế biến đường thốt lốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khơ-me; bà con cho ra một loại sản phẩm đặc sản độc đáo ở An Giang, khó có loại đường nào sánh bằng và không tìm đâu ra địa phương thứ hai có được. Do vậy, dân từ miền Đông vào, người ở Sài Gòn xuống Thất Sơn tất cả cảm thấy thích thú. Bởi mùa mưa có vẻ đẹp riêng của nó, còn mùa khô lại trở nên đặc sắc hơn. Con người Thất Sơn rất chất phác, cần cù, siêng năng lao động, hiếu khách từ bao đời nay đã chung tay xây dựng và bảo vệ dải đất hùng vĩ phía Tây Nam của Tổ quốc giàu tiềm năng về khoán sản, du lịch do thiên nhiên ưu đãi.
Thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, ngày rằm và ba mươi hàng tháng, Phụng Hoàng Sơn đón lượng khách đến vãn cảnh hồ Soài So rồi leo lên mũi Nam Hải, vồ Hội, sân Tiên, Bồng Lai Tự… với không khí mát mẻ còn tương đối nguyên sơ của rừng phòng hộ đồi núi, thưởng thức vú sữa, mít, chuối phơi khô… và cũng không quên dùng bữa cơm chay để thay đổi thực đơn thường ngày ở đồng bằng. Đón Tết Dương lịch – 2010 năm nay trùng hợp với dịp rằm tháng mười một âm lịch, Khu du lịch núi Két – Anh Vũ Sơn trông thật hấp dẫn, du khách cứ xuất hiện lai rai và đều chứ không tập trung như mọi khi. Đây là khu du lịch đầu tiên ở Thất Sơn do doanh nghiệp tư nhân – người địa phương đứng ra đầu tư phát triển và gắn liền với cụm Di tích Lịch sử - Văn hóa Thới Sơn, theo lời kêu gọi của UBND huyện Tịnh Biên và áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh An Giang ban hành.
Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Tức Dụp phát huy thế mạnh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, giới thiệu với người hành hương và du khách gần xa về thành trì trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân, dân vùng đất Thất Sơn Anh hùng và là một biểu tượng của tình đoàn kết 2 dân tộc Khơ-me - Kinh, không gì lay chuyển. Gần đây, căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc – Lương Phi ở Ngọa Long Sơn cũng được nhiều người biết đến, với những địa danh như Bụng ông Địa, điện Tàu Cau, hang Quân y và Văn phòng Tỉnh ủy An Giang. Đặc biệt, đồi Ma Thiên Lãnh là nơi 7 chiến sĩ Trung đoàn 101 Sông Lam– miền Bắc chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh tại đây. Quân và dân An Giang luôn quý trọng các anh, Đội Chuyên trách K93 đã khai quật và đưa hài cốt các anh về quê nhà. Tên tuổi đồi Ma Thiên Lãnh đã đi vào lịch sử và thơ ca.
Sau một năm lao động, sản xuất và học tập, mặc dù công việc vẫn còn nhiều bề bộn, nhưng có nhiều người vẫn tranh thủ vãn cảnh Thiên Cấm Sơn, thưởng ngoạn khí hậu trong lành của ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn và được mệnh danh là Đà Lạt 2. Con đường láng nghựa, đổ bê-tông phẳng phiu, với những chuyến xe lữ hành và xe Honda ôm đưa họ lên đỉnh rất dễ dàng. Từ đây, đến các vồ, đồi, điện, hang cũng bằng xe Honda ôm rất thuận tiện. Cuối năm 2009, có khoảng 70 đến 80% hộ dân ở dưới đường dây trung thế và hạ thế đã được gắn đồng hồ, sử dụng điện thắp sáng và sinh hoạt, dịch vụ. Điện làm sáng rực chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh và hàng quán giải khát ven bờ hồ Thủy Liêm, tô thắm thêm sức sống cho ngọn núi đầy huyền thoại.
Ngày nay, chinh phục vồ Bồ Hong – đỉnh cao nhất Thiên Cấm Sơn, vừa là ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn không mấy gì khó khăn; bởi có xe Honda ôm đưa đến chân vồ và tiếp tục lội thêm ít phút nữa thì tới nơi. Từ đây, phóng tầm nhìn sang Phụng Hoàng Sơn, Ngọa Long Sơn, Liên Hoa Sơn… chắc chắn chúng ta sẽ có cảm giác như… đi trên mây, còn ngó xuống đồng bằng ruộng lúa và rau màu, vườn tược trông như bức tranh nhiều màu sắc. Đặc biệt vào những ngày trời trong, ít sương mù du khách đứng ở đây còn thấy cả Ba Hòn, Hà Tiên và Rạch Giá. Bây giờ, điện lưới quốc gia đã tới chân vồ Bồ Hong, công trình xây dựng Trạm Truyền hình phát lại đang trong giai đoạn hoàn thiện và trong nay mai sẽ được đưa vào hoạt động; tất cả các vùng lõm, khu vực đồi núi ở Thất Sơn đều được xem Đài Truyền hình An Giang, Đài Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ và Đài Truyền hình Việt Nam.
Bài, ảnh: TRỌNG ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét