Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Lên núi săn... cua

Lên núi săn... cua (17/11/2009)
Để duy trì cua núi, du khách đừng nên săn cua con và cua trứng - Ảnh: Hoài Phương
Núi Cấm hiện là một trong những nơi thu hút khách nhất ở An Giang nhờ khí hậu mát mẻ. Đến đây, du khách sẽ có dịp săn cua núi thật thú vị và tổ chức tiệc vui ngay giữa chốn thủy tú sơn kỳ. 
Lần đầu tiên đặt chân lên núi Cấm, chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ diệu của núi rừng. Cảnh vật ở đây thật êm đềm hoang sơ, vừa ngân nga tiếng chuông chùa huyền diệu, vừa xào xạc gió rừng hòa ca.
Theo chân thợ săn cua núi
 Tại đây, bạn có thể dạo quanh hồ Thủy Liêm xem cá bơi lội thành đàn và tham quan các chùa chiền, miếu mạo tại trung tâm hành hương hoặc các khu di tích nằm rải rác ở các vồ (mỏm) Thiên Tuế, vồ Đầu, vồ Bò Hông…Nhưng trước hết, bạn có thể tìm một “thổ địa” vùng Thất Sơn đưa đi săn cua núi. Tuyệt lắm!   
Anh Sơn, một tay săn cua núi có tiếng, đã hết sức nhiệt tình dẫn chúng tôi băng rừng lội suối, mò cua. Tất cả đều xắn quần lội bộ dọc theo những con suối ngoằn ngoèo. Anh Sơn cho biết loài cua núi thường ẩn trú trong các hang hốc, kẹt đá nên muốn bắt phải nhào xuống nước hoặc tìm cho ra miệng hang. Thời gian săn cua thích hợp nhất là sau những đêm mưa. Vào buổi sáng, các đàn cua thường mò ra suối kiếm ăn. Nhiều người dân vùng Thất Sơn bảo càng lên cao, cua càng ngon, thịt chắc và ngọt. Anh Sơn bắt đầu hướng dẫn mọi người buộc một chùm dây thun vào đầu cần câu rồi tìm miệng hang thả xuống, nhấp nhấp vài cái. 
Giống cua núi hung hăng gấp bội so với cua đồng, lại vừa háu ăn, nên khi thấy dây thun tưởng đâu là mồi nên vội dùng đôi càng to khỏe kẹp lại. Càng của chúng sắc nhọn, có thể kẹp đứt đầu chiếc cần vót bằng tầm vông, thế nên người ta thường bao bọc miếng inox quanh đầu cần. Khi cua đã kẹp mớ dây thun, khách săn cua chỉ cần giở nhẹ cần lên bỏ vào túi ni-lông là xong.
Đi một đoạn, cả nhóm lại phát hiện có một chú cua thật to đang luồn lách dưới dòng nước trong như mắt mèo. Mọi người mừng húm nhưng không ai dám động thủ, vì thấy nó giương càng tấn công, đúng là cua ở vùng Thất Sơn dữ tợn thật.
Ban ngày câu, ban đêm dùng đèn để soi vì loại cua núi cũng thường đi ăn vào ban đêm. Thức ăn chính của cua núi là trùn và lá cây. Lúc đói chúng bò lên hai bên bờ suối để tìm mồi. Anh Sơn nhìn tôi phân bua: “Để bảo vệ và duy trì nòi giống của đàn cua núi, anh em tụi tui tuyệt đối không bao giờ săn cua con và cua trứng”.
Sau hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi quay về với một giỏ cua khá nặng. Anh Sơn mời chúng tôi đến quán ăn của anh bên cạnh bờ hồ Thủy Liêm để thưởng thức món cua rang me do chính anh trổ tài làm bếp.
Vui tuyệt đỉnh
Anh Dương Hóa, tổ trưởng tổ bảo vệ khu du lịch trên đỉnh núi cho biết, cua núi là một loài quý hiếm, một thứ “đặc sản” trên núi Cấm. Mình nó to như cua đồng nhưng càng "cái" to hơn, yếm cua màu tím rất đẹp. Bà con ở địa phương cho biết cua núi không những ngon mà còn chứa nhiều vị thuốc vì chúng sống trong môi trường tinh khiết, ăn lá rừng và... hấp thụ linh khí vùng thủy tú sơn kỳ. 
Cua núi Cấm rất dữ, vì vậy phải có kinh nghiệm mới bắt đượcCách chế biến cua ngon nhất hiện nay là rang me, hấp cách thủy và nấu canh hẹ. 
Chính vì vậy nhiều du khách sành ẩm thực mỗi khi lên núi Cấm đều tìm mua một hai ký cua núi để mang về làm quà. Nhưng, đâu phải có tiền là mua được. Trên núi Cấm hiện nay chỉ có vài ba thanh niên biết cách khai thác. Người không quen đi suốt ngày cũng chưa chắc được con nào. Do đó, muốn ăn, du khách phải gọi điện đặt hàng trước khi đến.
 Đúng như nhiều người ca ngợi, thịt cua núi rất đặc biệt, nó vừa thơm, vừa béo, nhất là yếm cua ngon hết chỗ chê. Cua núi chắc thịt, giòn và mềm, mùi vị thơm béo đặc trưng, ngọt đậm, không hôi cỏ như cua đồng. 
Thịt cua đã ngon lại nhờ bàn tay khéo léo của đầu bếp bằng cách ướp thêm các thứ gia vị như me, đường, hành, tỏi, muối, ớt và đậu phộng, càng làm món ăn trở nên tuyệt hảo. 
Hấp dẫn nhất là mùi vị của nó vừa có đủ chua, cay, mặn, ngọt khiến cho ngũ quan người thưởng thức dễ bị kích thích. Nếu thực khách nào dùng được rượu mạnh chắc chắn sẽ có cảm giác ngất ngây khi nhâm nhi với thịt cua núi.

Hoài Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét