Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Lòng thả

Lòng thả, tên ai đặt mà sao không “hình tượng”, “hấp dẫn” chút nào? Tên món ăn, tên trò chơi hay tên vật dụng? Dù vô nghĩa hoặc không gợi hình, món ăn xưa ở miền Trung này rất đáng để chúng ta biết đến.
Cháo lòng thả Ảnh: internet
Trong những đêm lạnh, khi thức khuya làm việc nặng nhọc, học thì, lúc ma chay hiếu hỉ hay lúc thức xem… đá banh trên TV, có chén lòng thả ăn vào ấm bụng ấm người thật tuyệt vời. Lòng thả có tác dụng giải cảm như cháo cảm, ăn vào tỉnh cả người sau khi lao tâm lao lực mệt nhọc.
Dùng thịt ở ức gà xắt thật mỏng và nhỏ khổ, ướp với hành, tiêu, nước mắm. Bánh đa nướng đem giã hoặc xay cho nát nhuyễn rồi đem trộn với thịt ướp. Để khoảng 4 giờ để tạo vị chua do bột trong bánh đa lên men. Lấy ít gạo rang sơ với mỡ gà, nấu cùng xương gà thành cháo loãng với những hạt gạo vừa nở lúp búp. Đặt bột bánh đã ướp với thịt gà vào chén, múc cháo đang sôi chan lên. Ta đã có món cháo tái với vị thịt ngọt đậm do còn tươi nguyên.
Điểm đặc sắc của lòng thả: đây là món cháo chua duy nhất trong thực đơn phong phú của dân tộc ta. Vị riêng biệt do bột lên men làm cho món chua nhẹ nhàng, dễ ăn và ăn ngon. Lòng thả ăn thật nóng, thêm nhiều tiêu cùng ngò rí ăn đổ mồ hôi mới đã. Cháo chua lòng thả với cách làm cơ bản như trên, bạn có thể thay thịt gà bằng loại thịt hoặc bộ lòng theo sở thích.
Thức đêm lao động, thay vì các món cháo gà cháo vịt xưa nay, bạn hãy thử món cháo chua xem sao. Đó là sự phối hợp tuyệt hảo giữa cái nóng toả thơm, vị cay ấm bụng, chua thanh kích thích vị giác cùng chất ngọt đậm của thịt tái vừa chín tới… Đêm hôm đói lòng, chén lòng thả đem lại sảng khoái thể chất và tinh thần tỉnh táo vô cùng.
LÂM PHƯƠNG
(Trích từ tập Hương vị quê nhà, Sài Gòn Tiếp Thị Xuân 1996)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét