Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Ngắm mây từ Anh Vũ sơn


Núi Két - Nơi lưu dấu cao nhân

Thứ bảy, 26/09/2015 07:40
Có một ngọn núi thơ mộng mang tên một loài chim, gắn với nhiều truyền thuyết xa xưa ly kỳ, hấp dẫn. Ngọn núi này cũng là nơi lưu dấu không ít những bậc cao nhân.
Núi Anh Vũ
Anh Vũ sơn có tên dân gian là núi Két hay núi Ông Két. Đây là ngọn núi nhỏ cao 225m, nằm trong hệ thống dải Thất Sơn hùng vĩ thuộc địa phận xã Thới Sơn huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Du khách có thể đến Anh Vũ sơn theo quốc lộ 91 từ Long Xuyên đi Châu Đốc, Tịnh Biên rồi rẽ qua đường 948 hướng về núi Cấm, Tri Tôn. Cũng có thể từ Long Xuyên đi theo đường 941 đến thị trấn Tri Tôn, sau đó rẽ qua đường 948 đi núi Cấm, Tịnh Biên. Con đường núi một bên là đồng bằng, một bên là vùng đất cao, chạy dài theo trục chính của Thất Sơn. Ta sẽ lần lượt gặp núi Dài, núi Cấm, núi Bà Đội Om xanh mơ hùng vĩ với mây mù, khói sương la đà trên đỉnh…

Xe chạy qua những xóm làng yên bình nhuốm chút hoang sơ của miền sơn cước rồi đến núi Két. Khu du lịch này do doanh nghiệp Sơn Đào quản lý, có quy mô nhỏ gọn nhưng tươm tất với nhiều công trình phục vụ khách tham quan, mua vé vào cửa với giá 8.000đ. Từ ngay cổng chính ngước nhìn lên đã thấy đầu “Ông Két” khổng lồ ở gần đỉnh. Đá núi đã cấu tạo nên dáng hình kỳ vĩ cho Anh Vũ sơn. Theo những bậc tam cấp đá quanh co, uốn lượn, du khách bắt đầu chinh phục ngọn núi có nhiều huyền thoại này. Núi Anh Vũ có trên chục địa điểm tham quan hấp dẫn. Từ dưới lên, và vòng quanh núi, ta sẽ lần lượt viếng các điểm như: mỏ Ông Két, điện chư vị Năm non bảy núi, điện Trúc Lâm, sân Tiên, giếng Tiên, điện Ngọc Hoàng, điện Phật thầy, điện Chiến sĩ, điện Ba cô, điện Huỳnh Long, điện U minh, điện Phật mẫu...

Mỏ Ông Két nằm ở độ cao khoảng chừng hơn trăm mét, đi bộ khoảng 20 phút. Đứng trên mỏ Ông Két giữa trời xanh bao la lộng gió, ta sẽ có cảm giác như núi Anh Vũ đang bồng bềnh trôi, bởi những đám mây sương luôn bay lướt qua với thiên hình vạn trạng. Phía trước mặt theo hướng mỏ Ông Két là núi Dài hùng vĩ. Phía sau lưng mỏ Ông Két là điện thờ chư vị “Năm non bảy núi”, được hiểu như là những bậc tiền nhân đã có công khai mở Thất Sơn, từ buổi nơi đây còn là một vùng rừng núi hoang vu với nhiều thú dữ và lam sơn chướng khí.

Đầu Ông KétTheo tư liệu lịch sử, xưa kia Thất Sơn thuộc về xứ Đàng Trong từ năm 1759. Cũng từ đó, nhiều đạo sĩ đã đến nương náu ở núi Két để tu luyện, trong các vị ấy, có ngài Đoàn Minh Huyên được tín đồ tôn xưng là Đức Phật Thầy Tây An, người khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Lên đến mỏ Ông Két, bạn sẽ cảm thấy hưng phấn và tan đi những mệt nhọc, dù đã phải qua một chặng leo dốc quanh co, khúc khuỷu. Nhiệt độ ở đây thường vào khoảng 18 đến 24oC, mặc dù giữa trưa trời nắng gắt, ta vẫn cảm thấy mát lạnh.

Một điều kỳ thú là trên đỉnh núi Két lại có “giếng”. Người ta gọi giếng ấy là “Giếng Tiên”. Giếng giống như một cái hang ăn sâu vào lòng đá. Nước ở giếng trong vắt, mát lạnh. Cho đến giờ, người ta vẫn chưa biết được vì sao mà có giếng này, và nước trong giếng có từ đâu?

Một điểm tham quan gây ấn tượng mạnh cho du khách là điện U Minh, đây là nơi thờ Diêm Vương, vị chúa tể của cõi âm. Đường vào điện U Minh hiểm trở, men theo các triền đá ven vực thẳm, luồn qua những ngõ ngách thâm u sâu trong lòng núi. Bước vào cửa hang, du khách giật mình khi thấy hai con mảng xà đá khổng lồ đang giương mắt, phùng mang trông rất dữ tợn. Qua một đoạn ngắn có bậc đá dốc xuống trung tâm điện U Minh. Điện rộng chừng 40m2, sáng mờ mờ. Giữa điện, có tượng Địa Tạng Vương (Diêm Chúa) ngồi chễm chệ, phía dưới, bên trái ông là Phán Quan đang tra sổ sinh tử, thấp dưới bệ là Ngưu Đầu, Mã Diện cầm binh khí đứng hầu, chờ lệnh. Có vài bức tranh màu vẽ, mô tả cảnh âm phủ trên vách đá như tranh cầu Nại Hà (cầu qua cõi âm). Tranh người bị quỷ sứ cưa đôi. Tranh ngài Mục Liên đi tìm mẹ… Ở điện U Minh còn có một cái hang rất sâu khoá kín, tương truyền có thể thông qua núi Tà Lơn bên Campuchia!

Lịch sử và những huyền thoại, truyền thuyết về núi Anh Vũ, cùng với những cảnh quan kỳ vĩ, tươi đẹp có một sức hút đặc biệt đối với những ai muốn tìm hiểu về văn hoá, con người của vùng bán sơn địa phía tây nam tổ quốc.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Thanh Hùng(ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét