Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Nhà tù Sơn La: Một di tích lịch sử cách mạng

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2, chủ yếu dùng để giam cầm tù thường phạm. Hiện nơi đây hàng năm đón hàng lượt du khách tham quan, tìm hiểu về truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc.
Ngày 3/2/1930 Đảng cộng sản Đông Dương ra đời và lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.  
Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của Cách mạng Việt Nam ngày một dâng cao; thực dân Pháp đã mở rộng nhà tù Sơn La thêm 1500 m2 và 170 m2 vào năm 1940.  
Di tích lịch sử - nhà tù Sơn La.                                            Ảnh: Internet
Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng chính nơi tù đầy tăm tối này, hơn bao giờ hết khí tiết của người chiến sĩ cộng sản đã toả sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ xung cho Đảng, cho Cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản xuất sắc như các đồng chí Tô Hiệu, Lê Quẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân và bao đồng chí trung kiên khác. 
Từ năm 1930 đến năm 1945, 1007 lượt chiến sĩ cách mạng của đảng, của dân tộc đã bị thực dân Pháp giam cầm, đầy ải ở chốn ngục tù này.  
Mỗi năm di tích đã đón tiếp hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan nghiên cứu, học tập. Di tích lịch sử cách mạng nhà tù Sơn La nằm trên đồi Khau Cả, tổ 8, phường Tô Hiệu, thị xã Sơn La.  

Theo website Sơn La

Nhà tù Sơn La - Nơi ươm mầm “Hạt giống đỏ”

(Dân trí) - Dù bị thực dân Pháp giam giữ và tra tấn hà khắc tại nhà tù Sơn La nhưng các chiến sĩ cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Nhà tù Sơn La nay trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908 trên ngọn đồi Khau Cả nằm bên dòng suối Nậm La thuộc tỉnh Sơn La.

Với diện tích ban đầu là 500 m2, nhà tù Sơn La được xây dựng khá kiên cố bằng đá lẫn gạch, hệ thống giường nằm cho tù nhân được mặt láng xi măng, mép ngoài gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn.

Nhà tù Sơn La - Nơi ươm mầm “Hạt giống đỏ”

Vào mùa hè, các phòng giam nơi đây giống như một cái lò nung bởi gió Lào tràn về, còn mùa đông, lại biến thành một... ngăn tủ lạnh vì khí hậu giá rét nơi miền biên ải.

Giống như địa ngục trần gian tại vùng Tây Bắc, nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng một mặt với mục đích tách rời mối quan hệ giữa tù chính trị với nhân dân. Mặt khác, chúng lợi dụng khí hậu khắc nghiệt, cùng chế độ nhà tù đầy hà khắc dễ gây ra bệnh tật hiểm nghèo để giết dần, giết mòn các chiến sĩ cộng sản, những người Việt Nam yêu nước.

Nhưng một điều mà chúng không thể ngờ rằng, chính nơi đây, các chiến sĩ cộng sản đã tổ chức biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, là nơi ươm những hạt giống đỏ để phong trào cách mạng ở Tây Bắc đơm hoa, kết trái sau này.

Nhà tù Sơn La - Nơi ươm mầm “Hạt giống đỏ”

Được biết nhà tù Sơn La từng giam giữ gần 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương ủy viên như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng. Đặc biệt, nhà tù Sơn La chính là nơi yên nghỉ của đồng chí Tô Hiệu, người lãnh tụ kiên cường và bất khuất của cách mạng Việt Nam trong thời gian bị giam cầm ở đây.

Chị Lò Thị Tuyết – Hướng dẫn viên tại nhà tù kiêm cán bộ phòng tuyên truyền giáo dục bảo tàng tỉnh Sơn La cho biết thêm: Hiện nay, khi di tích nhà tù Sơn La không còn giữ được như trước đây vì đã trải qua những trận bom bắn phá. Năm 1952 thực dân Pháp đã ném bom để xóa đi tội ác của chúng trước khi rút khỏi Sơn La. Khi quay lại tái chiếm năm 1965, đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, toàn cảnh nhà tù Sơn La gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Với mong muốn giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau này nên sau ngày nước nhà thống nhất, một phần nhà tù Sơn La đã được phục chế lại.

Nhà tù Sơn La - Nơi ươm mầm “Hạt giống đỏ”

Hiện nay, nhà tù vẫn còn để nguyên trạng các xà lim ngầm, xà lim chéo, trại hai giam, trại ba giam cùng những phòng giam đặc biệt chỉ rộng 1,2m2, nơi từng giam hãm những người cách mạng.

Giờ đây, đến với nhà tù Sơn La, khách du lịch sẽ được chứng kiến hàng trăm hiện vật, những công cụ tra tấn - những chứng tích sống về tội ác dã man của kẻ thù như còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn… Ngoài ra, khách du lịch không khỏi xúc động khi đứng trước cây đào mang tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung Tô Hiệu.

Nhà tù Sơn La - Nơi ươm mầm “Hạt giống đỏ”

Là giáo viên đến từ một trường THPT của tỉnh Lai Châu, Anh Dương Thế Ngọc cho biết: Chúng tôi tổ chức chuyến thăm tù Sơn La để cho các em học sinh biết và thấu hiểu hơn nỗi gian khổ khó khăn, ý chí kiên cường chiến đấu của ông cha ta trước đây. Tù đó giúp các em học sinh có ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cần phải làm gì, phấn đấu như thế nào để trở thành một người công dân có ích cho xã hội phù hợp trong thời đại mới ngày nay.

Bởi những ý nghĩa lịch sử lớn lao đó mà khu di tích nhà tù Sơn La đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1962. Hàng năm, nơi đây còn đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Nhữ Trang – Duy Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét