Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Nơi thời gian ngừng lại


(Toquoc)-Cách Hà Nội 90 km về phía đông bắc, vùng đất này là một trong ba trung tâm lưu giữ văn hoá thời Trần cùng với Hoàng thành Thăng Long và Thiên Trường (Nam Định). Đó là Đông Triều - miền đất cửa ngõ phía Tây tỉnh Quảng Ninh, nơi mà những di tích tạo thành một quần thể đậm đặc lịch sử đến nỗi có cảm giác thời gian không chảy trôi qua đây.
Những dấu ấn lịch sử!
Sự kiện lịch sử đầu tiên được ghi dấu trên mảnh đất này là cuộc khởi nghĩa của Lê Chân năm 39 sau Công nguyên - một trong những vị nữ tướng tâm phúc của Hai Bà Trưng. Lê Chân hồi đó mới 20 tuổi, là người tài sắc vẹn toàn, nhưng vì không chịu làm tì thiếp của viên Thái Thú nhà Hán nên đã bỏ trốn sang đất Hải Phòng, chiêu mộ binh sỹ theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, được phong chức Chưởng quan binh quyền nội bộ và hy sinh tại Kim Bảng – Hà Nam năm 43. Hiện đền thờ bà Lê Chân ở quê nhà làng Vẻn, thôn An Biên, xã Thuỷ An, huyện Đông Triều vẫn được người dân thờ phụng và mở hai hội lớn hàng năm vào ngày rằm tháng Tám và ngày 25 tháng Chạp Âm lịch.
Am Ngoạ vân
Trải qua suốt thời kỳ Bắc thuộc, nhiều dấu ấn lịch sử vẫn còn lưu lại đến ngày nay nằm rải rác trên cánh cung Đông Triều thuộc địa bàn huyện như chùa Bắc Mã thờ ba anh em họ Trương, đền thờ bà Vĩnh Huy, Thánh Thiên, chị em Nguyệt Thai-Nguyệt Độ-là những người đã chiến đấu chống lại ách thống trị của giặc phương Bắc.
Hơn một trăm ngôi chùa, đình, đền thờ, nghè, miếu được các nhà khảo cổ xác định có niên đại trên 1000 năm, trong đó nhiều nhất là các di vật từ thời nhà Trần.
Các cuộc phát tích khảo cổ trong khoảng chục năm gần đây cho thấy: Đông Triều chính là mảnh đất gốc gác của nhà Trần, nơi yên nghỉ của 8 vị hoàng đế. Thời nhà Trần, Đạo Phật là quốc đạo, vì thế các chùa Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Bắc Mã khi đó rất nổi tiếng. Riêng chùa Quỳnh Lâm là nơi Trần Nhân Tông, sư Pháp Loa, sư Huyền Quang – các vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm – trụ trì và mở rộng chùa. Những chuyến khảo sát của Viện khảo cổ từ năm 2007 đến nay cũng chứng minh được phần nào những gì sử sách ghi chép về chùa Quỳnh Lâm như chùa từng rộng hàng trăm gian, là trung tâm truyền kinh giảng đạo, có hệ thống vườn tháp nguy nga cùng nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Chùa còn có Quỳnh Lâm viện và thi xã Bích Động là nơi gặp gỡ đàm đạo văn chương của các văn nhân thời bấy giờ. Chuông đồng và tượng Phật Di Lặc của chùa Quỳnh Lâm cũng là một trong những báu vật quốc gia, nhưng rất tiếc đã bị mất mát và tàn phá trong những năm chiến tranh. Hiện chùa còn lưu giữ tấm bia đá lớn từ thời Lý, khánh đá và một vài toà tháp nhỏ.
Cách chùa Quỳnh Lâm khoảng 1km vào thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh là đền An Sinh - nơi thờ chung 8 vị vua Nhà Trần, nằm ở trung tâm khu lăng mộ các vua Trần, bao gồm lăng mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Giản Định Đế (trong đền), lăng mộ Trần Anh Tông ở khu trại Lốc, lăng Trần Minh Tông ở khu Khe Gạch, lăng Trần Hiến Tông ở khu Ao Bèo, lăng Trần Dụ Tông ở khu Đống Tròn, lăng Trần Nghệ Tông ở khu Khe Nghệ. Các lăng mộ được xây dựng cách xa nhau nhưng đều quay đầu về phía ngôi đền thiêng.
Các chân đá tảng chạm trổ hình hoa sen
Từ đền An Sinh ngược đến Trại Lốc, men theo suối phủ Am Trà, rẽ phải lên Thông Đàn là tới am Ngoạ Vân – nơi vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Sử sách ghi Đức Ngài cũng theo đường này để lên Yên Tử. Đó cũng là con đường mà dân du lịch bụi Hà Nội yêu thích khi hành hương về đất Phật.
Dấu ấn của nhà Trần còn để lại ở chùa Non Đông (Mạo Khê) với tấm bia khắc có biểu tượng con rồng uy nghi lưng võng hình yên ngựa, ở những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm khắc trong hang núi Con Mèo, trong chùa Cảnh Huống, ở tấm bia đá trên khoảnh đồi có thế rồng ngồi hổ phục tương truyền là vườn thượng uyển nơi các vua Trần dừng chân trên đường đánh giặc thuộc xã Yên Đức ngày nay.
Trở trăn con đường du lịch
Theo số liệu thông kê từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, lượng khách du lịch đến vùng du lịch Uông Bí-Đông Triều năm 2009 đạt gần 1,5 triệu lượt người. Tuy nhiên phần lớn lượng khách tham quan mới chỉ dừng chân ở các cơ sở sản xuất gốm sứ Đông Triều bên đường quốc lộ trên hành trình về Yên Tử chứ chưa có tour du lịch chính thức nào khai thác khu di tích lịch sử nhà Trần. Thậm chí, chủ trương của tỉnh cũng lồng ghép ba huyện Yên Hưng, Uông Bí, Đông Triều vào một vùng du lịch lịch sử - tôn giáo – sinh thái chứ không phát triển riêng theo địa bàn huyện.
Các chuyến khảo cổ gần đây giúp khách thập phương biết đến mảnh đất Đông Triều nhiều hơn, song những thông tin trên báo chí phần nhiều mang tính giới thiệu sơ qua còn những gì hấp dẫn nhất lại nằm trong tài liệu của các nhà khảo cổ học.
Hiện chưa có tour du lịch chính thức nào khai thác khu di tích lịch sử nhà Trần
Trong khi đó, hằng ngày hằng giờ, bao di tích quý đang bị xuống cấp và có nguy cơ thành phế tích như chùa Bình Lục, chùa Cảnh Huống, am Ngoạ Vân, Thông Đàn, Ba Bậc, Núi Thung – nơi lưu giữ toàn bộ văn bia chữ Hán ghi dấu nhiều sự kiện của quá trình dựng nước và giữ nước…
Sức hấp dẫn của quần thể di tích Đông Triều đã được khẳng định trên các diễn đàn du lịch của giới trẻ khi ngày càng nhiều dân du lịch bụi chọn nơi này làm điểm khám phá mới. Du lịch Đông Triều có nhiều điểm đặc biệt độc đáo như: có thể kết hợp du lịch lịch sử với du lịch tôn giáo – tâm linh bởi các đình chùa miếu cổ đều gắn liền với con đường đắc đạo của Đức Trần Nhân Tông – ông tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm. Bên cạnh đó, lại có thể kết hợp với du lịch sinh thái bởi đặc điểm địa hình 3/4 là đồi núi, nhiều hồ nước tự nhiên nằm lưng chừng núi giữa phong cảnh hoang sơ bên cạnh những di tích cổ như đập Khe Chè, đập Bến Châu, hồ Thiên, hồ Lao và bao quanh những đồi thông, đồi vải, đồi na mênh mông. Chưa kể du lịch làng nghề của Đông Triều cũng đầy tiềm năng, điển hình là nghề làm gốm sứ. Gốm sứ Đông Triều luôn được đánh giá là một trong những vùng sản xuất gốm nổi tiếng của Đông Bắc Bộ trong các cuộc triển lãm, trưng bày gốm toàn quốc.
Mới đây, chính quyền huyện Đông Triều đã lên quy hoạch tổng thể nhằm phát triển du lịch của huyện một cách bài bản, khoa học, hiệu quả và bền vững. Ông Bùi Tiến – Phó chủ tịch UBND huyện Đông Triều cho biết: “Bản quy hoạch còn chờ được UBND tỉnh xem xét phê duyệt vào tháng 3 tới. Ngay khi có chủ trương của tỉnh, huyện sẽ bắt tay ngay vào công tác đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các di tích. Hiện tại, huyện vẫn đang tiếp tục làm hợp đồng với Viện Khảo cổ để tiến hành các chuyến thám sát khảo cổ nhằm đánh giá đúng giá trị của di tích, đồng thời có hướng bảo tồn đúng, tránh phá cũ làm mới như nhiều địa phương phạm phải”.
Các tuyến đường giao thông nối từ quốc lộ 18A vào khu di tích nhà Trần thuộc huyện Đông Triều cũng đang trong thời gian sửa sang, làm mới. Chính quyền địa phương tin rằng sự thuận lợi trong giao thông sẽ giúp cái nôi văn hoá - lịch sử này được biết đến nhiều hơn, xây dựng được những tour du lịch chính thức và ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch trong thập kỷ mới, chứ không chỉ là những chuyến đi lặng thầm của dân du lịch ‘bụi’.
Tùng Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét