Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Ốm như con cá cơm mồm

SGTT.VN - Con cá cơm có thân mình màu trắng, ốm tong teo như cây tăm xỉa răng, ăn không dính kẽ răng, vậy mà vai vế của nó thuộc vào hàng “chú bác” trong dòng họ cá cơm.
Con cá xuất khẩu
Dù ốm tong teo nhưng con cá cơm mồm này thuộc vào hàng “chú bác” của các con cá cơm thường thấy. Ảnh: Như Thuần
Cá cơm ruồi, cá cơm trắng, cá cơm săn, cá cơm nước ngọt, cá cơm sọc,… ngay cả dân xứ biển cũng khó mà xác định được còn bao nhiêu loại nữa sẽ thêm đằng sau hai chữ “cá cơm”. Con cá cơm thân hình “tăm xỉa răng” dài khoảng ba phân, có phần đầu to, hai mắt to, có lẽ vì vậy mà nhiều người cho rằng đó là “xuất xứ” của cái tên cá cơm mồm. Con cá cơm trắng thông thường ở Phú Quốc hay Nha Trang đã quá nổi tiếng khi trở thành nguyên liệu làm nước mắm. Riêng con cá cơm mồm thì ít được làm nước mắm vì… uổng. Nguyên do là loại cá này có hàm lượng đạm cao, chứa nhiều vitamin tốt cho mắt, giúp mắt sáng. Cá cơm mồm có quanh năm nhưng hiếm. Ngay cả vào mùa cá cơm mồm vào khoảng tháng 4 đến tháng 9, tại chợ Quy Nhơn cũng chỉ có một vài chỗ bán chừng dăm ba ký, đi trễ mua không có. Cá cơm thường được bán theo mớ, theo vại, giỏ hay ký nhưng con cá cơm mồm được bán theo lạng. Giá cá cơm mồm mắc gấp đôi, gấp ba con cá cơm thường. Nhiều người cho rằng cá cơm mồm không có xương, thực sự là do con cá quá nhỏ nên không thể cảm nhận được xương, ăn vào thấy mềm và dẻo.
Thông thường, hễ thứ gì ngon, tốt là được xuất khẩu, con cá cơm mồm cũng không ngoại lệ. Đa phần cá sẽ được sấy khô rồi xuất khẩu. Cá cơm mồm từ các vùng biển miền Trung thường được đưa vào Nha Trang để chế biến xuất khẩu vì có kỹ thuật sấy cao. Nha Trang, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi được xem là những vùng biển có luồng cá nhiều, vùng nước ấm hơn nên cung cấp con cá cơm đẹp, hương vị tự nhiên. Cá cơm mồm sau khi sơ chế có thể bảo quản trong ngăn đá khoảng sáu tháng, thường được mua làm quà biếu đi nước ngoài. Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… rất ưa chuộng loại cá nhỏ xíu này.
Con cá lạ?
Cá cơm mồm là đặc sản của vùng đất Bình Định vốn được ví như một bức tranh thuỷ mạc với ruộng đồng, sông suối, biển, hồ… Có lẽ sự hiện diện hiếm hoi và cái chữ “mồm” đằng sau hai chữ cá cơm khiến con cá trở nên lạ hoắc mà một số bạn trẻ Bình Định cũng không hình dung được con cá cơm mồm dài ngắn ra sao, huống chi người Sài Gòn. Số là, trong một ngày nắng đẹp lang thang mua sắm, tôi “phát hiện” ra con cá nhỏ xíu này. Hỏi cô nhân viên bán hàng “Cá này nấu sao?” thì nhận được câu trả lời gợi tò mò hết sức: “Con cá này “mới” quá! Chị vui lòng lên mạng “sợt” thử cách nấu”. Tò mò “google” thử chỉ toàn nhận được kết quả cá cơm mồm với xuất khẩu. Gọi điện hỏi vài người bạn Bình Định, thỉnh giáo ông chủ quán chuyên bán đặc sản Bình Định, cuối cùng tôi cũng có thể đàng hoàng thưởng thức con cá đặc sản này tại Sài Gòn.
Khác với cá cơm thường là nấu canh chua với lá giang, rau má, mã đề hoặc thơm, cá cơm mồm được nấu với canh rau đay, canh cải bẹ xanh, tần ô vì độ ngọt tự nhiên của nó. Đặc biệt, người Bình Định nấu cá cơm mồm với bầu để có một món canh ngon ngọt hết cỡ.
Cá cơm mồm được ướp một chút ớt bột Huế, hạt tiêu, nước mắm ngon, một chút đường, bột ngọt, dầu ăn, nước màu, vài trái ớt sim rồi kho trong cái trách bằng đất nhỏ xíu để lửa liu riu. Khi nước trong trách cạn rút hết nước thì mùi cá kho thơm lựng cũng đã bay khắp nhà. Cá kho như vậy ăn với cháo trắng là hết ý.
Món ăn chơi nổi tiếng cá sấy giòn, tẩm gia vị ngọt ngọt mặn mặn. Hoặc khử dầu nóng, thả cá vô, vớt ra bóp gỏi xoài lai rai.
MINH CÚC
Đặc sản cá cơm mồm bán tại siêu thị Sài Gòn Tiếp Thị số 25 Ngô Thời Nhiệm, quận 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét