Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Phiên chợ bên suối Mường Hum

TTO - Nằm yên bình bên con suối Mường Hum ngày ngày vẫn tấu lên những bản nhạc mang âm hưởng núi rừng, phiên chợ mang đậm “bản sắc suối nguồn” ấy đang là điểm đến hấp dẫn của không ít du khách trong hành trình khám phá vùng cao Bát Xát (Lào Cai).
Đi chợ vui như đi hội (vì cả tuần mới có một lần vào thứ bảy)

8g sáng chợ đã đông nghịt người. Đông nhất vẫn là khu ẩm thực. Hàng phở chật kín người đang xì xụp. Quan sát kỹ chỉ thấy có phở gà và phở heo. Bánh phở do người dân địa phương tự tráng lấy được thái to bản và dày hơn sợi phở thông thường. Nước phở trong veo và thịt heo thái nhỏ...
Không nổi tiếng như chợ tình Sa Pa hay chợ phiên Bắc Hà, song chợ phiên Mường Hum được xem như một trong những chợ phiên ở Lào Cai còn lưu giữ được khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa của một phiên chợ vùng cao.

Bên cạnh hàng phở, hàng bánh rán nóng và bánh tẻ lúc nào cũng đông phụ nữ và trẻ em. Hàng thắng cố bên trong thì chủ yếu đàn ông đang nhâm nhi cùng chén rượu thóc. Vào sâu phía bên trong chợ là hàng thổ cẩm của người Mông.
Hàng thổ cẩm ở Mường Hum chủ yếu là đăngten dệt sẵn. Hạt cườm trang trí trên váy áo người Mông Trắng khác với thổ cẩm nhiều màu sắc của người Mông Hoa. Ở đây cũng bán rất nhiều mũ đội đầu của phụ nữ Mông Trắng được trang trí từ đăngten thổ cẩm.
Ngoài cổng chợ, gần đường đi là dãy hàng của các bà, các chị người Hà Nhì từ vùng cao Y Tý xuống chợ, góp thêm những mặt hàng làm phong phú sắc màu chợ phiên. Hàng hóa của họ là những cuộn chỉ len nhiều màu và vài thứ lặt vặt kim chỉ…
Đặc biệt, chợ phiên Mường Hum không có hàng bán những mặt hàng thổ cẩm lưu niệm như chợ Bắc Hà, Sa Pa... mà chỉ có hàng thổ cẩm để bà con mua về dùng.
Nhiều gia đình người Dao giờ đã có điều kiện đi xe máy xuống chợ, không còn vất vả đi bộ như trước

Một góc chợ Mường Hum
Ăn phở
Một thứ quà không thể thiếu đối với đồng bào khi đến chợ là ăn kem

Quá khứ và hiện tại

Du khách nước ngoài chọn mua sản phẩm thổ cẩm của đồng bào

Vật dụng quen thuộc với người vùng cao là những chiếc gùi. Họ gùi hàng xuống chợ bán, họ dùng gùi để làm nơi bán hàng. Hàng hóa mang xuống chợ gần như để cả trong chiếc gùi. Những gùi ớt chín đỏ, những xâu gừng tươi vừa mới dỡ hay những gùi cải mèo xanh mướt, những gùi đỗ xanh nâu và có cả những bó măng trúc rất ngon...
Giữa mênh mông núi rừng, bây giờ cũng dễ gặp những cặp vợ chồng xuống chợ bằng xe máy, chồng đèo vợ nhưng vẫn có chiếc gùi sau lưng.
Ấn tượng nhất là những chàng trai người Mông đang vây quanh một cụ già bán khèn… Họ vừa thử vừa ngắm và chọn mua cho mình một chiếc khèn ưng ý nhất. Chốc chốc lại vang lên một giai điệu trầm bổng từ những chiếc khèn giữa phố chợ tấp nập người qua lại. Chính điều này làm nên một nét độc đáo của chợ phiên Mường Hum…
Tan chợ qua ngầm về nhà

NGỌC BẰNG


Vẻ đẹp suối hồ bên phố núi Mường Hum


Khởi nguyên từ ngút ngàn núi non huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đến Pờ Giàng Sáng (xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát), dòng suối chia làm hai nhánh, một nhánh không nỡ chia tay đất Phong Thổ mà rẽ rừng tìm đường quay trở lại, một nhánh như chàng trai núi ưa tự do, phóng khoáng, làm cuộc hành trình vượt rừng già Pờ Hồ, tung bọt trắng dưới chân núi Ky Quan San hùng vĩ, dạo chơi êm đềm qua cánh đồng Piềng Láo, hợp lưu với nhiều suối nhỏ khác rồi chảy về trung tâm phố núi Mường Hum.

                   
 Thượng nguồn suối Mường Hum.
 
Tại đây, sự “bất kham” của dòng suối hoang dại đã bị chinh phục bởi bàn tay và tình yêu lao động của con người. Công trình thủy điện Mường Hum với tổng công suất 32MW được xây dựng từ năm 2008 và chính thức phát điện từ đầu năm 2011, trở thành công trình thủy điện lớn thứ hai huyện Bát Xát (sau thủy điện Ngòi Phát phía hạ nguồn với công suất 57MW), đã biến sức nước thành dòng điện hòa vào lưới điện quốc gia.
                 Suối hồ đẹp như bức tranh thủy mặc.

Hôm nay đến với Mường Hum, nhiều du khách không chỉ ngỡ ngàng về vẻ đẹp của “suối Mường Hum còn chảy mãi” trên thượng nguồn Bát Xát như ca từ trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, mà còn bị mê hoặc bởi suối hồ trong xanh bên phố núi. Buổi sớm, mặt hồ phẳng lặng phủ sương mờ ảo; Buổi trưa, khi nắng ấm đã lên, hồ trong xanh in bóng các tràn ruộng bậc thang, nương ngô, nương chè bát ngát và núi non ngút ngàn. Thời khắc hoàng hôn và về đêm, suối hồ lung linh ánh điện, đẹp như một bức tranh thủy mạc.
 
              Đập thủy điện Mường Hum nhìn từ trên cao.  

                  Phố núi Mường Hum bình yên bên suối.
Ông Tẩn Kim Vảng, Chủ tịch UBND xã Mường Hum cho biết: Suối hồ Mường Hum không chỉ có giá trị thủy điện, thủy sản, thủy lợi, mà đã góp phần tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình cho phố núi Mường Hum, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nhất là vào buổi chợ phiên cuối tuần. Trong tương lai không xa, việc đẩy mạnh khai thác các tiềm năng gắn với phát triển du lịch sinh thái trên suối Mường Hum sẽ góp phần đem lại cuộc sống no ấm hơn cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
 
Theo Tuấn Ngọc (Lào Cai Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét