Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Quần đảo Thổ Chu

Quần đảo Thổ Chu (Thổ Châu) là quần đảo tiền tiêu phía Tây Nam của nước Việt Nam, nằm cách mũi Cà Mau khoảng 160 km về phía Tây Bắc và cách đầu mút phía Nam đảo Phú Quốc khoảng 100 km về Tây Nam. Trước đây quần đảo thuộc tỉnh An Xuyên (Cà Mau). Tháng 05-1973, chính quyền Sài Gòn lập xã Thổ Châu (bao gồm đảo Thổ Chu và một số đảo lân cận), thuộc quận Kiên Thành, tỉnh Kiên Giang, đến năm 1974 lại sáp nhập vào quận Phú Quốc. Sau 30-04-1975, giải thể xã Thổ Châu, nhập vào xã An Thới. Ngày 10-05-1975, lực lượng Khmer Đỏ đã xâm chiếm và bắt toàn bộ cư dân trên đảo đưa đi sát hại. Từ 23 đến 25-05-1975, bộ đội Việt Nam tiến công giải phóng Thổ Chu và các đảo lân cận. Đến đầu năm 1990, tỉnh Kiên Giang tổ chức di dân ra đảo Thổ Chu lập nghiệp. Ngày 24-04-1994, tái lập xã Thổ Châu, thuộc huyện Phú Quốc,tỉnh Kiên Giang
Quần đảo Thổ Chu có tổng diện tích khoảng 1.190 ha, bao gồm 8 đảo có diện tích lớn nhỏ khác nhau là Thổ Chu, Hòn Khô, Hòn Hàng (còn có tên là Hòn Chim, Hòn Nhạn), Hòn Kèo Ngựa (còn gọi là Hòn Xanh), Hòn Từ, Hòn Cao và hai đảo cuối cùng là Hòn Cao Cát và Hòn Mô (còn gọi là Hòn Cái Bàn) nằm hơi cách biệt khoảng 50 km về phía Đông Bắc đảo Thổ Chu. Trong đó, lớn nhất là đảo Thổ Chu, trên các bản đồ cũ còn có tên là Poulo Panjang. Đảo có diện tích gần 10 km2. Những đảo khác nhỏ hơn rất nhiều, có đảo chỉ rộng vài m2 (Hòn Khô), có đảo rộng vài km2 (Hòn Từ).
Xã hội
 
Trong quần đảo, chỉ có đảo Thổ Chu mới có người ở, chủ yếu là gia đình quân nhân thuộc hải quân vùng E. Dân số đảo Thổ Chu hiện nay có hơn 2.000 người, trong đó có khoảng từ 500 - 600 người là dân tạm cư sống bằng nghề đánh bắt cá. Trên đảo có cầu cảng, tàu hành khách và hàng hoá thường xuyên liên lạc với đất liền. Đường giao thông trên đảo thuận tiện. Nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ các giếng đào có độ sâu khoảng 2 m. Tuy nhiên, vào mùa khô hạn, các giếng cũng bị cạn nước. Một vài nơi có dấu hiệu nguồn nước từ các trầm tích màu đỏ, nhưng trữ lượng rất nhỏ. Chất đốt trong sinh hoạt lấy từ cây rừng. Rừng có nhiều cây thuốc dân tộc.
Hải sản đánh bắt một phần được phơi khô, còn phần lớn bán cho các tàu từ Kiên Giang, Cà Mau đến thu mua. Cặp theo cảng Bãi Ngự là khu vực chợ khá sầm uất với rất nhiều dịch vụ mua bán. Cảng Bãi Ngự từ nhiều năm qua đã có đò khách thường xuyên ra vào đảo và đất liền nên các dịch vụ phục vụ đời sống cư dân đảo đã có khá nhiều. Mỗi buổi sáng, gần cầu cảng, những người buôn bán trong đất liền ra hoặc nhân dân trong xã đem bán một ít rau, trái cây, thịt cá.....
Bãi Ngự là một vùng biển nằm ở phía tây bắc đảo Thổ Chu. Do có núi bao quanh nên tạo thành hình chữ U chắn gió rất an toàn cho tàu neo đậu. Tương truyền, xưa kia nơi đây là bãi neo đậu tránh sóng của đoàn thuyền chúa Nguyễn trên đường tháo chạy đã tạm ẩn trú nơi này. Về sau, dân gian gọi là Bãi Ngự và truyền khẩu cho đến ngày nay... Mùa gió nồm từ hướng Đông Nam thổi đến, các tàu thuyền đỗ trong vũng Bãi Ngự. Mùa gió chướng từ Tây Nam thổi về thì tàu thuyền lại chuyển sang đậu ở bãi Dinh hoặc bãi Vòng. Vì thế các quán bán hàng ăn, nhu yếu phẩm cũng di chuyển theo nơi tàu thuyền đậu.
Trên đảo Thổ Chu có ngọn Hải đăng được xây dựng vào ngày 25-01-2000, dùng để chỉ dẫn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nhằm biết được vị trí của mình và phương hướng hàng hải trong vùng biển thuộc tỉnh Kiên Giang. Tầm hiệu lực của Hải đăng Thổ Chu vào ban ngày là 29 hải lý vào ban đêm là 12 hải lý. Hải đăng Thổ Chu có tâm sáng trong phạm vi 140 m, đặc tính ánh sáng là ánh sáng trắng, chớp nhóm 4 với chu kỳ 15 giây.
Trên đảo có trường học, trạm y tế và bưu điện. Tuy nhiên, với dân số khoảng 2000 người, mà chỉ có một điểm trường duy nhất, giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 9, Thổ Châu đang khát chữ. Năm 2008, số học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường, cụ thể mẫu giáo có 79 học sinh, tiểu học có 157 học sinh và trung học cơ sở có 87 học sinh. Thế nhưng tổng số học sinh này sau khi học hết lớp 9 thì không thể học thêm lên nữa vì không có trường. Không chỉ dân khát chữ, mà ngay cả cán bộ xã cũng không được học nhiều.
Các nghiên cứu địa chất
 
Từ trước đến nay, việc nghiên cứu địa chất ở quần đảo Thổ Chu vẫn còn rất ít ỏi. Năm 1951, từ vài mẫu cát kết do một đơn vị hải quân Pháp thu thập, trên cơ sở so sánh, E. Saurin đã cho rằng chúng thuộc "Cát kết thượng" (Jura-Creta). Năm 1967, H. Fontaine đã khảo sát trên quần đảo, lần đầu tiên phát hiện các hoá thạch thân gỗ silic hoá và cho rằng những cát kết ở đảo Thổ Chu tương đương phần trên của loại Khorat, xem như có tuổi Jura.
Trên bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1: 500.000 (Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Bao và nnk, 1988), chúng được xếp vào hệ tầng Phú Quốc, tuổi Jura không chia chi tiết hơn (J pq). Trên các tờ bản đồ địa chất quốc gia tỷ lệ 1: 200.000 (Nguyễn Ngọc Hoa và nnk, 1996) các trầm tích ở Thổ Chu cũng được xếp vào hệ tầng Phú Quốc, nhưng tuổi lại xác định là Creta sớm (K1 pq).
Gần đây, sau khi hệ tầng Phú Quốc được xác định có tuổi Miocen muộn (N13 pq) (Trịnh Dánh và nnk, 1999, Lưu trữ Địa chất), vấn đề đặt ra một cách cấp thiết là liệu các trầm tích ở Thổ Chu cũng có tuổi như vậy hay vẫn là Creta. Điều đáng lưu ý là tuổi của các trầm tích màu đỏ ở Thổ Chu luôn thay đổi theo tuổi trầm tích ở Phú Quốc. Vì rằng Thổ Chu và Phú Quốc được xem là có cùng một thứ trầm tích và thuộc cùng một cấu trúc địa chất.
Các đảo thuộc quần đảo Thổ Chu đều hình thành bởi cát kết xen ít bột kết, sạn sỏi kết. Trên tổng thể chúng bị uốn lượn nhẹ. Những lớp trầm tích ở đảo Hòn Mô (cao 12 m) và Cao Cát (cao 12 m) có thế nằm hướng Đông Tây với góc nghiêng 10 – 15o. Ở Hòn Hàng (cao 25 m), các lớp cắm thoải về Tây – Tây Bắc. Còn ở Hòn Kèo Ngựa chúng cắm thoải về Tây.
Theo quan sát của các tác giả thì ở Hòn Cao (cao 45 m) và Hòn Từ (cao 60 m), phương gần như Bắc Nam, cắm về Đông với góc dốc 10-15o. Còn thế nằm các lớp ở đảo Thổ Chu gần như nằm ngang. Chiều cao trung bình của đảo khoảng 150 m. Vách bao quanh, bờ biển dốc đứng. Nói chung, chưa thấy có độ nghiêng lớn hơn 20o.
Tháng 02-2000, trong khi tiến hành nghiên cứu nước sinh hoạt cho các huyện Phú Quốc,Kiên Hải của tỉnh Kiên Giang, nhóm Địa chất thuỷ văn 803, thuộc Liên đoàn Địa chất thuỷ văn - Địa chất công trình Miền Nam do Trần Hồng Lĩnh chủ nhiệm, đã tiến hành khoan 5 lỗ ở đảo Thổ Chu, 1 lỗ  ở Hòn Từ. Đồng thời tiến hành khảo sát các đảo Thổ Chu, Hòn Từ, Hòn Cao, Hòn Xanh, Hòn Nhạn. Kết quả là đã phát hiện một tập hợp hoá thạch phong phú, xác định tuổi của các trầm tích màu đỏ ở đây là Creta, không phải thuộc Miocen muộn như ở Phú Quốc, đồng thời cũng xác lập một phân vị địa tầng mới: Hệ tầng Thổ Chu mà đặc trưng nhất là ở đảo Thổ Chu.
Đề xuất thành lập khu bảo tồn biển Thổ Chu
 
Năm 1995, hai ông Nguyễn Huy Yết và Võ Sĩ Tuấn đã đề xuất thành lập khu bảo tồn biển Thổ Chu. Trong đề xuất này, hai ông đã ghép quần đảo Thổ Chu với các đảo Nam Du và Phú Quốc thành khu bảo vệ biển gồm "Các đảo Tây Nam Bộ". Tiếp theo đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB, 1999) đã đề xuất việc xây dựng khu bảo tồn biển Đảo Thổ Chu với diện tích 22.400 ha, trong đó phần đất liền có diện tích 1.190 ha và mặt biển là 21.210 ha. Khu vực này hiện do quân đội quản lý.
Hiện rừng trên các đảo còn tốt, chưa hề bị tàn phá. Hệ thực vật trên đất liền có ít nhất là 200 loài, chiếm ưu thế là các họ Bứa Guttifereae, Đậu Fabaceae và Hồng xiêm Sapotaceae. Hệ sinh thái biển cũng phong phú và đa dạng, trong đó đặc trưng nhất là san hô. Vùng biển Thổ Chu có khoảng 99 loài san hô, chiếm ưu thế là các giống Acropora và Montipora. Các chuyên gia cho rằng đây là nơi làm tổ lý tưởng đối với các loài rùa biển đang bị đe dọa trên toàn cầu như Đồi mồi Eretmochelys imbricata và Vích Chelonia mydas. Bên cạnh đó, các thảm cỏ biển tại khu vực này là nơi kiếm ăn quan trọng của các loài rùa biển kể trên. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây các loài rùa đến đây làm tổ đã giảm đáng kể. Vấn đề về bảo tồn toàn bộ quần đảo và các hệ sinh thái xung quanh đều được bảo vệ tốt nhờ các trạm gác của quân đội. Các đảo trong vùng đóng vai trò quan trọng đối với ngành sản xuất thuỷ sản. Các loài có vai trò quan trọng về kinh tế là Pinctada margaritifera, Actinopyga echinites và Bohadschia graeffei.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét