Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Rừng đước trong lòng thành phố

Tôi đã vào khu du lịch của người nông dân chỉ khát khao giữ lại một cánh rừng ngập mặn trong khi cả trăm hecta rừng ngập mặn ở Khánh Hòa đã bị tàn phá bởi cơn lốc nuôi tôm, mà việc phục hồi chúng trở lại vô cùng khó khăn. Độc giả Khuê Việt Trường chia sẻ.
Cách đây khoảng 7 năm, một lần rong xe lang thang qua những con đường đất nhỏ ở những đìa tôm thuộc xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, tôi đã phải dừng xe lại để ngắm nhìn một cánh rừng đước đang xanh tốt, những đàn chim đủ loại bay về nơi này trú ẩn. Chủ nhân của khu rừng đước quý giá giữa lòng thành phố ấy là anh Nguyễn Văn Hưng.
Cuộc sống cứ trôi như nhịp điệu tất yếu của những đổi thay. Trước sự hối hả của nhịp sống đô thị, những ruộng lúa, đìa tôm mau chóng biến thành đất nền nhà, thì dễ gì ai lại giữ một cánh rừng đước cho cò bay về trú ẩn trong đêm? Vậy mà tôi khá bất ngờ khi nhận được một cuộc điện thoại của anh Hưng. Anh vẫn còn giữ số điện thoại của tôi dù tôi và anh chỉ gặp nhau một lần duy nhất của xa xôi đó. Anh bảo hôm nào rảnh, mời tôi ghé thăm khu du lịch Tư Rừng Đước của anh.
Một góc rừng đước. Ảnh: Khuê Việt Trường.
Cánh rừng đước bây giờ đã khác. Cái khác ở đây là xum xuê hơn với cả trăm cây đước xòe tán rộng. Anh Hưng bảo: “Sau 20 năm gìn giữ, tổng cộng rừng đước đã phát triển được 25.000 m2 trong diện tích 40.000 m2 đìa do tôi được thừa hưởng”.
Hai mươi năm trước, ba mẹ anh chia phần những thửa ruộng ngập cây đước cho anh em trong nhà. Năm đó anh mới 30 tuổi, nhưng anh Hưng quyết giữ lại rừng đước này. Cánh rừng đước thông với hệ thống nước sông Tắc, mỗi ngày thủy triều lên xuống nhịp nhàng đúng theo điều kiện tự nhiên cho giống cây ở loại rừng nước lợ này phát triển.
Anh bảo: “Ngày đó đước trong rừng ít lắm, không phải nhiều như ngày nay, dẫu tôi chỉ mới học hết lớp 8, nhưng tôi hiểu rằng thủy sản nuôi trong môi trường tự nhiên sẽ có giá trị kinh tế và không bị bệnh vặt”. Anh thả tôm, thả cua, thả cá rô phi trong môi trường tự nhiên của cánh rừng như thế. Chúng sinh sôi nảy nở nhanh, đước cứ tới mùa rụng trái, lại tạo thêm những cây đước con, lá đước trở thành thức ăn cho các sinh vật khi chúng bị mục ra…
Cứ thế mà chim bay về cánh rừng duy nhất trong lòng phố, khiến nhiều du khách nước ngoài, nghe theo lời hướng dẫn viên, đạp xe đạp, qua những con đường đất để ngắm khu rừng đước đầy những cánh chim.
Năm 2010 khu rừng đước trở thành khu du lịch. Anh Hưng cho biết: "Có một số đơn vị du lịch bảo tôi liên kết với họ làm du lịch sinh thái. Nhưng tôi muốn làm du lịch theo kiểu không xâm hại đến cánh rừng”. Và anh bắt đầu đưa khu rừng đước của mình vào làm du lịch từ tháng 7/2010.
Để tới khu du lịch Tư Rừng Đước, bạn đi tới đường Phong Châu, đi khoảng một cây số có con đường đất rẽ vào khu nuôi tôm xuất khẩu Nha Trang, bạn đi theo con đường đó đến tận cuối là gặp rừng đước. Bây giờ bạn có thể bước vào thế giới của rừng ngập mặn tại đây.
Có mười chiếc lều kiểu mái tranh được làm trong các lùm đước rất lớn. Những con đường đi trên nước làm bằng gỗ đưa bạn đến năm chiếc lều nhỏ ấy. Có năm chiếc lều nằm xa ở giữ khu rừng đước, muốn tới được lều bạn sẽ được chủ nhân kéo một chiếc bè đưa đi.
Anh Hưng bảo ở đây sẽ không dùng thuyền máy có động cơ vì nhằm mục đích bảo vệ tôm cá đang ở trong rừng cũng như tránh gây sợ hãi cho những chú cò bay về. Mỗi lều có sẵn chiếc chiếu cho bạn trải ngồi, có sẵn chén bát. Lều xa nhất cánh bờ 100 mét. Khách ngồi trong chiếc lều gác trên những tán đước sẽ có cảm giác lạ, rất lạ. Thực phẩm là tôm cá, cua được anh Hưng nuôi trong cánh rừng đước này. Anh vớt lên còn tươi rói. Khách có thể tự nướng trong chiếc lò than. Và dĩ nhiên, theo anh Hưng yêu cầu là khách đừng bỏ rác thải xuống nước, vì như thế sẽ làm hỏng đi môi trường.
Trong mặt nước thênh thang của rừng đước đó, anh Hưng thả nuôi cá rô phi. Những đàn cá sinh trưởng tự nhiên ấy, đẻ trứng và sinh sản rất nhiều. Anh cho khách thuê cần câu, bán mồi cho họ. Ai kiên nhẫn câu được con cá nào đều có quyền nướng trên lò than ăn không bị tính tiền. Khi nước triều rút, sẽ thấy ở dưới chân những cây đước cơ man nào là con nha và ba khía, hai loại sinh vật chỉ có ở rừng đước, và có thể nói là hiện nay chúng chỉ hiện hữu trong cánh rừng đước lạ kỳ này.

Sự lạ kỳ hơn nữa bởi đây có lẽ là nơi trú ẩn của loài cò xanh, loại cò có lông xanh khác với cò trắng ta thường thấy. Đến rừng đước của anh Hưng, có thể nhìn thấy những tổ cò làm trên cây. Ban ngày chúng đi ăn, ban đêm chúng chọn rừng đước của anh làm nơi trú ẩn an toàn.
Khuê Việt Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét