Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Tập quán con trai đi tu đền ơn cha mẹ của đồng bào Khmer vùng bảy núi

Ở tỉnh An Giang, dân tộc Khmer sống rải rác ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú, chiếm gần 5% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Khmer tập trung đông nhất là ở vùng Bảy Núi (thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn) chiếm khoảng 38% dân số trong vùng (riêng huyện Tri Tôn hơn 40% dân số là dân tộc Khmer). Đồng bào Khmer sống theo các Phum, Sóc xung quanh những ngôi chùa kiến trúc cổ được xây dựng, tôn tạo cách đây hai, ba trăm năm.


Đối với đồng bào Khmer, chùa là trung tâm sinh hoạt Phật giáo, còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa. Chùa là biểu tượng đặc trưng cho văn hóa dân tộc Khmer, nơi rèn luyện đạo đức và nhân cách con người,  cũng là nơi giáo dục cho thanh niên người Khmer. Người Khmer xem chùa là nơi thiêng liêng, trang trọng, nơi tập trung những gì tinh túy nhất của dân tộc, nhiều lễ hội gắn với phong tục tập quán được tổ chức tại chùa. Chùa góp phần tạo sự gắn bó và ổn định niềm tin của đồng bào đối với đạo Phật và là nơi gắn kết cộng đồng của dân tộc. Thông qua các ngày lễ của tôn giáo và dân tộc, mọi người cảm nhận như có một sợi dây vô hình ràng buộc giữa cá nhân với cộng đồng, dân tộc, với nhà chùa và Phật giáo, những tình cảm đó cứ nối tiếp nhau, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo cho họ sự đoàn kết gắn bó và nâng cao trách nhiệm với nhà chùa. Mọi người đến chùa hoàn toàn tự nguyện và cùng góp phần xây dựng chùa ngày càng bền vững, ngoài các ngoài lễ, khi vui hay buồn hoặc gặp điều gì khó khăn họ đều đến chùa. Trong gia đình thân tộc có mâu thuẫn, họ đến nhờ nhà chùa giúp đỡ, giải quyết. Vì vậy chùa được xem là nơi hòa giải sự tranh chấp trong từng cộng đồng, mọi việc khó khăn được đưa ra bàn bạc ở chùa.

Chùa là kiến trúc trung tâm của Phum, Sóc, ngôi chánh điện trong khuôn viên chùa là quan trọng nhất, nơi thờ Phật Thích Ca và hành lễ hàng ngày của các Sư Sãi. Cấu trúc chùa có ba cấp, mái ngói, bên hiên đắp hình rồng rắn, đầu rồng, đuôi rồng cong vút tạo dáng ngôi chùa vươn thẳng vào không gian bao la. Bên trong trang trí đơn giản, chỉ có tượng Phật Thích Ca. Hai bên hành lang chánh điện trưng bày tranh vẽ về quá trình tu thành đạo của Phật Thích Ca. Bên cạnh chánh điện là các nhà học đạo gọi là Sala, là nơi thanh niên Khmer vào tu tại chùa, trong khuôn viên chùa có các tháp (Pichetđây) đựng hài cốt những người Khmer chết sau khi hỏa táng xong.

Người Khmer có tập quán là người con trai phải xuất gia vào chùa tu, không nhất thiết phải tu suốt đời. Khi cho con nhập tu trước hết cha mẹ phải gặp Sư Cả ở chùa trong Phum, Sóc mà gia đình đang sinh sống, để bàn và định ngày tổ chức nhập tu, thông thường khi tổ chức cùng một lúc có nhiều người (tức là người con trai) chủ yếu để giảm tốn kém và không phải tổ chức nhiều lần. Người con trai lớn lên vào chùa tu là để báo hiếu trả ơn cha mẹ, nên nhất thiết phải có sự đồng ý của cha mẹ thì ở chùa mới nhận và tổ chức lễ nhập tu.
Sau khi Sư cả đã thống nhất với gia đình ngày nhập tu thì gia đình phải chuẩn bị áo cà sa, bình bát và một số vật dụng khác cho con mình. Gia đình sẽ rước Sư ở chùa về xuống tóc cho con và tụng kinh cầu phúc tại gia đình. Ngày hôm sau, người con trai sắp sửa nhập tu sẽ bưng mâm áo cà sa đi trình khắp bà con dòng họ để thông báo là mình chuẩn bị nhập tu. Xuất gia là tự nguyện ra khỏi nhà, câu này nghe qua rất đơn giản nhưng nó mang một ý nghĩa rất quan trọng và cao thượng vô cùng đối với người con trai. Sáng ngày thứ ba, gia đình chuẩn bị một số món ăn đem vào chùa cúng, trưa cùng ngày các sư ở chùa sẽ tiến hành Quằn pháp tại chánh điện và làm lễ mặc áo cà sa cho các tăng mới vừa nhập tu. Từ đây các tăng sẽ ở lại chùa để tu. Thanh niên nam đến 12 -13 tuổi vào chùa tu học một thời gian hoặc tu trọn đời. Những người trải qua thời kỳ tu khi hoàn tục đều được xã hội kính trọng và dễ lấy vợ vì người Khmer thường quan niệm rằng chỉ có vào chùa học mới có tri thức và đức hạnh.
Các tăng mới nhập tu gọi là các Sa Di. Trong thời gian tu các Sa Di chủ yếu là học kinh, giáo lý nhà Phật bằng tiếng Pali, đồng thời học chữ Khmer do vị Sư cả trong chùa giảng dạy. Các tăng ở chùa đều sinh hoạt theo lịch mà chùa đã quy định như 04 giờ sáng phải lên chánh điện bái phật và tụng kinh, ăn sáng và học kinh, học chữ dân tộc, 10 giờ đến 10 giờ 30 là đi khất thực, 11 giờ phải tập trung tại nhà chay tăng cùng ăn cơm trưa, 5 giờ chiều phải bái phật,… Mọi sinh hoạt đều theo tiếng kẻng báo hiệu của chùa.

Trong thời gian các Sa Di tu trong chùa gia đình được tới thăm bình thường, nhưng các Sa Di và người thân trong gia đình khi thăm hỏi phải giữ một khoảng cách thể hiện sự kính trọng đối với những người tu. Ngoài ra mỗi tháng các Sa Di được về thăm nhà một lần trong ngày.

Sư Chau Kươne ở chùa Thikaengkrom cho biết: “Ngày xưa, trong Phum, Sóc đâu có trường học, nên đa số các thanh niên vào chùa tu khoảng 7, 8 tuổi. Các em vừa học giáo lý, giáo luật nhà phật, vừa học chữ viết của người Khmer, thường là tu đến 20 tuổi mới được phép hoàn tục (nếu tiếp tục tu nữa chùa sẽ tiến hành làm lễ phong những người này là Tỳ Khưu), lúc đó trở thành người có hiểu biết, được mọi người kính trọng, có ích cho cộng đồng. Ngày nay, đa số ở các Phum, Sóc đều có trường học nên thanh niên chỉ vào chùa tu một thời gian ngắn, có thể là vài năm, vài tháng, vài ngày, thậm chí có thanh niên chỉ tu 24 tiếng đồng hồ, nhưng nhất định người con trai dân tộc Khmer phải trải qua thời gian tu mới được cộng đồng chấp nhận”. Điều đó cũng dễ hiểu, đa số thanh niên Khmer ngày nay đều được đến trường học nên không có thời gian tu lâu, có nhiều thanh niên Khmer đã học lên đại học, trở thành người có ích cho Phum, Soc và cho xã hội. Chính vì vậy mà sư Chau Kươne còn cho biết thêm, nhà chùa không gò bó các thanh niên Khmer phải tu bao lâu, nhưng mong là các em sẽ giữ được tập quán của dân tộc.

 Còn bạn Chau Soc Thanh, một thanh niên Khmer, sau khi học xong đại học về huyện công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy, cũng có thời gian đi tu, tâm sự với chúng tôi là “Trong tâm trí của thanh niên Khmer bao giờ cũng nghĩ là phải vào chùa tu một lần để báo hiếu gia đình. Gia đình nào có con đi tu và tu lâu năm thì hãnh diện lắm, được xã hội kính trọng. Chính vì thế các em không bao giờ quên tập quán của dân tộc mình, nhưng ngày nay xã hội đã phát triển, chúng em còn phải cố gắng học để đem tri thức về giúp đỡ lại Phum, Sóc thoát khỏi đói nghèo”. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều thanh niên Khmer hiện nay, không quên tập quán của dân tộc mà  thực hiện đầy đủ, đồng thời cố gắng học tập để có kiến thức, hướng dẫn lại bà con Phum Sóc của mình làm ăn có hiệu quả để cải thiện cuộc sống, cũng góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đời sống tinh thần của đồng bào Khmer hết sức phong phú và luôn gắn bó với tôn giáo, với ngôi chùa từ lúc lọt lòng đến lúc từ giã cõi đời. Chùa còn là nơi chứa đựng giá trị văn hóa kiến trúc, mỹ thuật dân gian, dân ca, dân vũ…Vì vậy chúng ta cần phát huy tích cực vai trò của nhà chùa trong việc bảo vệ các di sản văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị phong tục tập quán, các giá trị văn hóa tích cực, đồng thời cũng ngăn chặn, bài trừ văn hóa tín ngưỡng lạc hậu, trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Khmer, trái với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.



Trần  Sang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét