Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Thăm di tích Óc Eo

Di tích Linh Sơn Nam.
Kỷ niệm một năm ra mắt Báo Giác Ngộ điện tử, Báo Giác Ngộ phối hợp với Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietking, trao 14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam lần 5, trong đó có tượng Phật 4 tay ở Linh Sơn Cổ Tự. Tượng Phật bốn tay này đã được Bộ Văn hóa ký quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1989.

Linh Sơn Cổ Tự nằm trong khu vực thành cổ Ba Thê (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Thành cổ này có diện tích khoảng 4.500 ha, từng là một thương cảng và là thủ phủ của Vương quốc cổ Phù Nam - một vương quốc giao thương hàng hải rộng khắp cùng một nền văn hóa rực rỡ ở Đông Nam Á vào thời cổ đại. Linh Sơn Cổ Tự nằm dưới chân núi Ba Thê. Núi Ba Thê xưa kia được gọi là Hoa Thê Sơn. Tháng 2-1944, nhà khảo cổ học danh tiếng người Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành khai quật cánh đồng phía Nam ngọn núi này và tìm thấy khuôn viên thành cổ Vương quốc Phù Nam. Ông xác lập di tích văn hóa cổ Óc Eo. Từ đó tên Óc Eo được gọi chung nền văn hóa cổ Phù Nam cho các di vật của nền văn minh này tìm thấy trong khu vực Nam bộ.

Linh Sơn Cổ Tự xây dựng trên sườn Đông núi Ba Thê với một kiến trúc cổ bằng gạch của chùa Prasat Brah Dhat. Đây là trung tâm của một phức thể di tích trải rộng đến hơn 2.500 m2, gồm nhiều đan đá, chân tán, sàn gạch, vỉa gạch... Linh Sơn Cổ Tự còn được gọi là “Chùa Phật Bốn Tay”, vì trong chùa có pho tượng Phật bốn tay rất đẹp. Tượng được tạo tác vào thế kỷ II. Pho tượng Phật ngồi này được phát hiện vào năm 1913 trong khu vực gần chợ Ba Thê. Nguyên thủy, tượng có màu đen của loại đá cổ, nhưng sau khi khai quật lên, người ta đắp thêm phần chân theo tư thế ngồi kiết già, sơn phết màu mè, khiến giá trị của nghệ thuật điêu khắc và vẻ đẹp tự nhiên của loại đá khoảng 2.000 năm tuổi bị mất đi... Trước khi tìm thấy tượng Phật, người ta đã tìm thấy hai tấm bia đá bùn. Mỗi bia cao khoảng 180 cm, dày khoảng 22 cm, bề ngang khoảng 82 cm. Trên bia có khắc nhiều chữ mà giới khảo cổ cho rằng đó là chữ Phù Nam. Đặc biệt, khi đặt tượng Phật vào giữa hai tấm bia này thì rất khít khao. Ai cũng cho rằng, đó là “điềm” lành nên lập chùa thờ Phật và bia đá. Đó là Linh Sơn Cổ Tự ngày nay.

Cũng nằm trên sườn Đông núi Ba Thê, cách Linh Sơn Cổ Tự khoảng 50 m về phía Nam là gò Linh Sơn Nam . Gò có hình bầu dục, dài khoảng 36 m, rộng 25 m, cao khoảng 1,5 m so với chân gò. Giới khoa học đã tổ chức nhiều đợt khảo sát trước khi khai quật di chỉ này vào tháng 3-1993. Đợt khai quật lần thứ 2 được phối hợp thực hiện bởi Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (École francaise d’Extrême-Orient) và Bảo tàng An Giang tiến hành trong tháng 2 và tháng 3-1998 và đợt thứ ba thực hiện từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6-1999, được phối hợp thực hiện bởi Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM, Trung tâm Văn hóa huyện Thoại Sơn và Bảo tàng An Giang.

Sau các đợt khai quật, giới khảo cổ cho biết: Kiến trúc Linh Sơn Nam gồm 36 đường tường móng (25 vỉa bằng đá và 11 vỉa bằng gạch), chia bình đồ di tích thành 22 cấu trúc lớn nhỏ khác nhau, gồm: nền, sân, hành lang, bậc thềm, cống nước... Đây là một kiến trúc lớn, thể hiện kỹ thuật xây dựng bằng đá và gạch vào thời đại Óc Eo và hậu Óc Eo. Kiến trúc này phản ánh một trình độ văn minh khá cao của các cư dân ở châu thổ sông Cửu Long từ hơn 10 thế kỷ trước. Đây là loại kiến trúc cung đình mang tính cách tôn giáo, có quan hệ với khối kiến trúc hiện nằm trong gò núi dưới nền chùa Linh Sơn ở phía Bắc và với những di tích đã ghi nhận được trên triền núi phía Đông băng qua đường lộ và kéo dài đến tận chân núi.

Đến với quần thể di tích Óc Eo này, bạn đi trên con đường nhựa rợp bóng cây xanh, thật thú vị.

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét