Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Thăm ngôi chùa giữ hai kỷ lục Phật giáo Việt Nam

Chùa Bằng (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là một trong những trung tâm Phật giáo tại thủ đô Hà Nội. Vừa qua, cùng với việc khánh thành tòa bảo tháp Báo Ân, chùa Bằng đã chính thức được công nhận là ngôi chùa đang giữ hai kỷ lục Phật giáo Việt Nam.
Ngôi chùa cổ bảo tồn nhiều dấu tích Phật giáo 
Căn cứ theo tấm bia “Tu tạo Linh Tiên tự bi ký” được khắc vào tháng 11 năm Đinh Tỵ niên hiệu Hoằng Định thứ 18 (năm 1617), chùa Bằng được trùng tu do Thiền sư Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Tông chủ trì.
Mặc dù trong nhiều thời gian đứt đoạn, chùa không được bảo quản tu tạo do không có sư trụ trì nhưng nhân dân, tín đồ, phật tử địa phương vẫn gìn giữ trông nom chùa khá chu đáo. Do vậy, chùa còn lưu giữ được một số công trình kiến trúc nghệ thuật từ những ngày được trùng tu cách đây hàng mấy thế kỷ như : Toà Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, khu tháp mộ, bia đá, chuông đồng thống đá…
Trong đó, đặc biệt có toà thượng điện là công trình chính của toàn bộ cảnh quan thờ Tam bảo. Trong quá trình trùng tu lại chùa, các nhà khảo cổ học và những chuyên gian Phật học đã kinh ngạc phát hiện cách xây dựng độc đáo của tiền nhân với hệ thống “móng treo” rất đặc biệt, bên trong lòng móng có hàng trăm viên gạch “vồ” của thế kỷ 15, 16.
1200315506_1bdT_C6_B0_E1_BB_A3ng_20_C4_91_E1_BB_93ng_20_C4_91_C6_B0_E1_BB_A3c_20an_20v_E1_BB_8B_20trong_20b_E1_BA_A3o_20th_C3_A1p_1382x922
Chùa được xác lập kỷ lục có nhiều pho tượng đồng nhất.
Chỉ riêng hệ thống gạch móng của tòa thượng điện đã là một tài sản vô giá về mặt lịch sử, gắn liền với sự phát triển của một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội mà hiện tại còn rất ít các công trình kiến trúc Phật giáo còn lưu giữ được.
Tấm bia “Linh Tiên tự ký” được khắc ngày 13 tháng 2 năm Giáp Ngọ niên hiệu Thịnh Đức thứ 2 Triều Lê Thần Tông (năm 1654) do pháp sư Tự Ngọc Bảo, người huyện Tiên Du - Bắc Ninh soạn vẫn còn nguyên vẹn chính là một cổ vật Phật giáo khẳng định chính xác nhất vị thế của ngôi chùa về mặt thời gian.
Hơn nữa, chùa Bằng còn nổi tiếng từ xa xưa trong dân gian câu ca lưu truyền “Chuông Bằng, trống Lủ, mõ Đình Công, cồng làng Sét”. Quả Đại hồng chung (chuông chiêu mộ) được đúc tháng sáu niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 triều Nguyễn - Đinh Dậu (1837) là bảo vật vô giá được bảo tồn và lưu giữ trong chùa.
1677958613_1_20_285_29
Chư tôn đứac tăng ni làm lễ tại gian Chính điện chùa Bằng.
Ngoài ra, chiếc thống đá dùng ngâm gạo làm oản cúng Phật. Trên thân thống được khắc chữ “Tâm” to, dưới viết các bài kệ dạy đệ tử tỏ ngộ tâm tông của Phật tổ do Thiền sư Bất Trược Thủy - Tự Như Liên soạn. Trên thống ghi niên đại tạo tác vào mùa Hạ niện hiệu Bảo Thái thứ 4 triều vua Lê Dụ Tông (Quý Mão - 1723) cùng với hệ thống tháp thờ chư vị tổ sư và giác linh gồm nhiều ngôi tháp cổ: Linh Quang thờ Thiền Sư Tính Tuyên; Từ Quang thờ thiền sư Chiếu Sửu - Trí Điển chính là minh chứng rõ nhất về giá trị của những dấu tích Phật giáo mà chùa Bằng còn lưu giữ được.
Nơi xác lập hai kỷ lục
Nhận thấy đây là một ngôi chùa cổ, có giá trị lịch sử và Phật giáo đặc biệt quan trọng, năm 1996, Thành Hội Phật Giáo đã bổ nhiệm Thượng Toạ Thích Bảo Nghiêm (đương kim trụ trì chùa Lý Triều Quốc Sư - Hà Nội) kiêm trụ trì. Từ đó đến nay chùa đã được tu sửa rất nhiều qua các hạng mục: Bao bọc tường chùa, sửa sang vườn tháp, xây dựng nhà Tăng, tôn trí thêm tượng Tam Thế Phật, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng, 2 vị Hộ Pháp, hoành phi câu đối, cửa võng và sơn thếp lại tượng thờ trong chính điện làm thêm vẻ trang nghiêm thanh tịnh.
Với tinh thần Phật giáo kế thừa ý nghĩa của Tháp Báo Thiên thời Lý (Một trong “An Nam Tứ Đại khí”) do Thiền Sư Không Lộ đúc, bao gồm: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Quỳnh Lâm (tượng Di Lặc) và vạc Phổ Minh đều đã không còn nữa, bảo tháp Báo Ân đã được xây dựng để nói lên tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật đối với những bậc đã kế thừa sự nghiệp của chư Phật và của các thế hệ cha ông.
1023258283_Baor_20thaps_20baos_20aan_jpg_922x1382
Đại Bảo tháp ghi nhận  kỷ lục phật giáo.
Bên trong Tháp tôn trí 104 tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng ngồi trên bệ đá, nhằm thể hiện trọn vẹn tinh thần bình đẳng trong giáo pháp của Đức Thế Tôn. Xung quanh tháp tôn trí 4 tượng Thiên Vương (Đông phương: Trì Quốc Thiên Vương; Nam phương: Tăng Trưởng Thiên Vương; Tây phương: Quảng Mục Thiên Vương; Bắc phương: Đa Văn Thiên Vương) bằng đá, cao 3,50m. Đặc biệt, ở tầng 1 của ngôi tháp, toàn bộ đều được ốp bằng đá Thanh Hóa, cao 7m. Trên 8 cửa ở tầng 1 của tháp Báo Ân có treo 8 pho sách (cuốn thư) được đúc bằng đồng, mỗi cuốn nặng 250 kg, có chạm nổi các thi phẩm - thiền kệ của các bậc cao tăng Việt Nam đương đại, mang đến cho Bảo tháp thêm sự mềm mại, Đạo vị hòa quyện với Thi vị, vừa trang nghiêm trầm mặc, vừa lãng mạn bay bổng…
Bên cạnh tháp là hình ảnh 18 pho tượng La Hán ngồi thẳng hàng, rất sinh động và rõ nét. Mỗi tượng đều thể hiện đầy đủ sắc thái, cảm xúc khác nhau về những nỗi đau, sự khổ ải đè nặng lên kiếp sống hàng ngày của chúng sinh đang trầm luân trong luân hồi sinh tử.
Đặc biệt những pho tượng này được kiến trúc theo dáng mẫu của các vị La Hán chùa Tây Phương, ngôi chùa cổ ở Việt Nam - Hà Nội và đó cũng chính là những vị Đại Đệ tử Phật qua các đời, theo sự truyền đăng của Thiền Tông.
Với số tượng đồng tinh xảo rất nghệ thuật sẽ giúp chúng ta thưởng thức trọn vẹn tinh hoa văn hóa của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam hiện nay. Nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tháp Báo ân - chùa Bằng đã được thành phố Hà Nội gắn biển công trình tiêu biểu đồng thời được xác lập 2 kỷ lục là tháp Phật giáo có nhiều tượng đồng nhất Việt Nam và kỷ lục tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam.
Theo Dân Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét