Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Đường lên đỉnh Hoa Thê Sơn

Đường lên đỉnh Hoa Thê Sơn (09/05/2010)
Thắng cảnh Thạch Đại Đao – Hoa Thê Sơn
Nói đến Hoa Thê Sơn, người ta nghĩ ngay Di chỉ văn hóa Óc Eo và 3 ngọn núi nằm giữa đồng lúa Tứ giác Long Xuyên. Thế nhưng, ít ai biết “khu trù mật” và từng là “huyện lỵ Huệ Đức” trước kia; diễn ra những trận đánh ác liệt, nhiều người con ưu tú ra đi, góp phần làm nên một xã Vọng Thê (cũ) Anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước!
Trời tháng năm, đứng trên Hoa Thê Sơn (ở độ cao khoảng 250 mét so với mặt nước biển) vẫn cảm thấy oi bức, vì hơi nóng dưới đường bê tông hắc lên hừng hực và ánh nắng chói chang như muốn cháy da. Nhiều người kể, xưa kia đỉnh núi có ngôi chùa với tên gọi Sơn Tiên Tự, rợp bóng cây xanh và cây ăn trái; tạo nên dáng vẻ cổ kín, tĩnh mịch, vừa tôn nghiêm chốn non cao. Dân chúng leo núi, sau khi viếng chùa và lễ Phật, ra ngồi trên những vồ đá hóng mát, tha hồ ngắm chợ Ba Thê và đồng ruộng bao la thấy những con kênh xẻ dọc, xẻ ngang giống hệt bàn cờ. Kết thúc kháng chiến chín năm, tiếp tục chiến tranh chống Mỹ, đỉnh Hoa Thê Sơn bắt đầu điều tàn, vì mưa bom và đạn pháo; đến nỗi cây cổ thụ không còn sống sót, ngôi Sơn Tiên Tự sập đổ và vồ đá có bàn chân Tiên cũng bị… nứt hai!




Bia chiến công Đội biệt động Ba Thê – Huệ Đức trên đỉnh Hoa Thê SơnNhìn tấm Bia chiến công ở Hoa Thê Sơn, người ta không khỏi bùi ngùi, xúc động khi nghĩ tới tinh thần chiến đấu, tấm gương dũng cảm của các anh trong vòng vây kẻ thù, mà người đứng đầu gan dạ là Đội trưởng Biệt động Huệ Đức – Nguyễn Văn Muôn trong trận đánh đồn Sân Tiên. Đỉnh núi hôm nay, cây rừng, cây ăn trái hồi sinh làm cho khu du lịch trở nên hấp dẫn, không riêng thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, mà ngay cả của tỉnh An Giang. Từng tấc đất, vách đá nơi đây đã thắm biết bao xương thịt của đồng chí, đồng đội, đồng bào. Trở lại lần này, chúng tôi sung sướng biết tin, quân và dân huyện Thoại Sơn vừa tổ chức đón nhận danh hiệu “Anh hùng LLVTND” do Chủ tịch nước truy tặng 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Muôn (Đội trưởng Biệt động huyện Huệ Đức) và Nguyễn Thị Bạo (cán bộ giao liên huyện Huệ Đức) đúng vào dịp 30-4 vừa rồi.

Từ trên đỉnh Hoa Thê Sơn, phóng tầm nhìn xuống chùa Phật Bốn Tay, hồ sen  “khu trù mật” bây giờ là vườn cây, nhà cửa san sát và kéo dài triền núi xuống mép ruộng, đồng lúa thẳng tắp tới Ba Thê cũ; đảo qua kênh sáng Mốp Văn, Mỹ Hiệp Sơn, núi Tượng; trông chợ cũ và chợ mới Ba Thê, ngôi chùa Khơ-me… càng thấy rõ sức sống vùng đất từng chịu nhiều chiến tranh. Từ hướng Ba Thê cũ, tuyến kênh cấp 2 dẫn nước phục sản xuất cho cánh đồng dưới nước của Bình Thành, Thoại Giang, Vọng Đông và thị trấn ÓC Eo cũng vừa tuyến giao thông thuận tiện, rút ngắn khoảng cách giữa Ba Thê cũ với Ba Thê mới; tạo ra động lực thúc đẩy cánh Mỹ Hiệp Sơn, Mỹ Lâm, Vọng Thê, Tân Tuyến, Tây Phú, An Bình… Do vậy, du khách đến Hoa Thê Sơn có cả dân Hòn Đất, Tân Hiệp, Tri Tôn… bởi đây là trung tâm Tứ giác Long Xuyên.

Ngày 19-12-1974, Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 101 Sông Lam – miền Bắc đánh thiệt hại nặng đồn cầu sắt Huệ Đức, rồi đồn số 9 lộ Huệ Đức cũng bỏ chạy; mở đầu chiến dịch mùa khô 1974-1975 ở Long Châu Hà. Cuối tháng 12, giải phóng hoàn toàn tuyến lộ Huệ Đức, Ba Thê, Mỹ Lâm và một phần lớn của xã Vọng Thê, gồm 3 núi: Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng với hơn 5.000 dân. Song, đến tháng 2 năm 1975, địch chiếm lại Ba Thê, lập trận địa pháo ở Sân Tiên, làm đường lên Hoa Thê Sơn. Đó là những sự kiện đáng nhớ, luôn khắc ghi trong ký ức bao thế hệ ở xã Vọng Thê và thị trấn Óc Eo ngày nay; mỗi lần trở lại đỉnh núi này, ai cũng phải thốt lên “không chỉ có ý chí quốc cường của quân và dân Ba Thê; mà còn có cả những người con ưu tú miền Bắc vào đây vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và đất nước”.

Kết thúc 2 thời kỳ kháng chiến và bảo vệ phía Tây Nam của Tổ quốc, vùng đất Ba Thê có đến 5 mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 liệt sĩ Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Muôn và Lâm Thanh Hồng; đồng thời, quân và dân xã Vọng Thê cũ cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý này. Trong đó, có đồng chí Nguyễn Văn Muôn, chồng và con gái của mẹ Nguyễn Thị Hạnh vẫn chưa tìm được hài cốt! Nhiều vị cán bộ cao niên, cựu chiến binh qua 2 thời kỳ nói rằng, nếu như ở Tri Tôn có Ô Lâm, An Tức hoặc Tịnh Biên có Thới Sơn, An Nông thì ở Thoại Sơn, có Ba Thê gắn liền với bao chiến công hiển hách của quân và dân trong huyện. Con người nơi đây đã làm nên huyền thoại, tương tự như câu chuyện Vương quốc Phù Nam xưa kia, để lại dấu cho công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất Ba Thê trong tương lai.

Đường lên đỉnh Hoa Thê Sơn được bê tông, chiếc cầu sắt bắc qua 2 ngọn núi đã  lắp đặt lại, Sơn Tiên Tự cũng trùng tu, xây dựng thêm nhà trưng bày cổ vật Óc Eo… phục vụ khách tham quan và người hành hương gần xa. Dưới chân Bia chiến công Đội biệt động Ba Thê – Huệ Đức có một lư hương dành cho khách đến viếng, tưởng nhớ những người đã hy sinh để cho ngọn núi này mãi xanh, trở thành một khu du lịch lịch sử - văn hóa đặc trưng và hấp dẫn của vùng Tứ giác Long Xuyên.
PHAN TRỌNG ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét