Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Về Hà Tiên, viếng thi sĩ Đông Hồ

Không gian nội thất nhà lưu niệm Đông Hồ
Bên dòng sông Đông Hồ thơ mộng của đất “Hà Tiên thập cảnh”, nhà lưu niệm Đông Hồ là một điểm đến nhân văn. Ở đó là cả một không gian của văn chương thi phú khiến nhiều du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến Hà Tiên…
Nhà lưu niệm được lấy ngôi nhà cũ của đôi thi sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết ở lúc sinh thời. Bước qua cánh cổng khép hờ và một vườn hoa xinh xắn, rặng liễu xõa bóng như mái tóc người con gái thì đến gian phòng khách là nơi trưng bày các kỷ vật, sách, báo... của thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết. Hình ảnh, ấn phẩm được trưng bày kín cả gian phòng...
Nói về thơ văn của Đông Hồ - Mộng Tuyết, nhiều người cho rằng chủ đề chỉ liên quan đến trời, mây, sông, nước mà bỏ qua thời cuộc. Nhưng nhìn kỹ lại quá trình hoạt động của Đông Hồ - Lâm Tấn Phác, thì hiếm nhà thơ nào làm được. Trong khi học trò theo Tây học, bỏ qua chữ Việt, ông lại bỏ tiền của xây dựng “Trí Đức học xá” bên dòng Đông hồ thơ mộng của đất Hà Tiên, tập hợp học trò dạy chữ Việt và lòng yêu nước. Thầy giáo Lâm Tấn Phác khi ấy mới 20 tuổi, nhưng đã nghiên cứu nhiều tài liệu, sách vở theo hướng tiến bộ. Vừa dạy tập trung, thầy Phác còn mở nhiều lớp hàm thụ cho học sinh ở xa, không có điều kiện thường xuyên đến lớp học tập. Học trò theo học rất đông và gây được tiếng vang. Chính quyền thực dân e ngại sẽ hình thành một thế hệ chống Pháp nên đã yêu cầu dẹp ngôi trường. Những năm 1930, thầy giáo Phác vừa sáng tác văn thơ về hoạt động chống Pháp, khăn gói tuyên truyền “Quốc sự”. Năm 1945, ông chuyển lên Sài Gòn sáng lập Nhà xuất bản Bốn Phương và Yểm Yểm thư trang rồi làm Giám đốc tập san Nhân loại. Những hoạt động của ông đều thu hút sự chú ý và tham gia của giới trí thức, nhà yêu nước... Thế hệ của Trí Đức học xá tham gia viết bài đăng báo rất nhiều. Nhiều người biết đến ông nên mời ông về dạy Đại học Văn khoa, nay là Trường Đại học KHXH&NV. Thế là ông được tiếp tục sự nghiệp của mình. Ngày 25-3-1969, khi đang bình bài thơ viết về sự cô đơn, lạnh lẽo của Trưng Nữ Vương sau chiến thắng, ông đã quỵ xuống ngay bục giảng. Học trò đưa ông vào bệnh viện và ông mất ngay sau đó, khi tuổi 63.
Những người viết thư pháp Việt hiện nay xem Đông Hồ là “ông tổ”. Ông là người đầu tiên khởi xướng viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ. Khi đến tham quan nhà lưu niệm Đông Hồ, khách vẫn thấy những bức thư pháp treo trên tường xen lẫn với hình ảnh Trí Đức học xá, Đông Hồ thư thất... Đến Hà Tiên để tìm hiểu nét văn hóa bản xứ mà không đến nhà Đông Hồ là một thiếu sót lớn. Ông là người có công đầu trong việc duy trì và phát triển Tao đàn Chiêu Anh Các của họ Mạc. Đồng thời, đã khuấy động hoạt động sáng tác thi phú, làm dấy lên phong trào yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Từ khi bước vào đời cho đến khi nhắm mắt, ông vẫn một lòng đeo đuổi chí hướng đó...
Nhà lưu niệm Đông Hồ hiện vẫn còn mang tính chất gia đình nhưng luôn rộng cửa đón khách. Tuy nhiên, hầu hết du khách đến Hà Tiên vô tình lướt qua ngõ nhà lưu niệm để đến các khu du lịch, mua sắm mà bỏ quên một địa điểm tham quan đầy tính nhân văn. Khi Hà Tiên phát triển thành đô thị văn hóa - du lịch, nhà lưu niệm Đông Hồ là một điểm đến văn hóa không thể bỏ qua, nhất là đối với giới nghệ sĩ, học sinh, sinh viên...

Bài, ảnh: DU MIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét