Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Về đồng tiền Thuận Thiên Đại Bảo của Vua Lý Thái Tổ

Vào tháng 10/2010, tại Triển lãm Thành tựu kinh tế quốc dân nhân dịp chào đón 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, gian trưng bầy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có một bộ sưu tập tiền được xem là lớn nhất từ trước đến nay (có đủ các loại hình tiền Việt Nam từ năm 970 đến ngày nay),  với chủ đề tôn vinh nghệ thuật đúc tiền thời phong kiến, đồng tiền Thuận Thiên Đại Bảo của Vua Lý Thái Tổ xứng đáng được chúng ta ngưỡng mộ.
Thời nhà Lý (1010 – 1225) có 9 đời Vua thì 5 đời Vua có đúc tiền. Thư tịch cổ không thấy ghi chép gì về tiền thời Lý, người ta phải đoán định chủ yếu thông qua những dòng sử liệu ít nhiều liên quan đến tiền tệ, nhưng cũng chỉ hiểu được tiền tệ thời Lý đã được lưu hành khá thường xuyên do việc giao thương khá phổ biến với Trung Quốc. Tuy vậy, đồng tiền đúc thời Lý để lưu thông tiêu dùng vẫn còn rất hạn chế, mà chủ yếu tượng trưng cho việc lên ngôi trị vì. Mặt khác, các đời Vua triều Lý tôn sùng Phật giáo, coi Phật giáo là “Quốc giáo”, nên mọi tiềm năng của quốc gia gần như chỉ phụng sự đạo giáo,  nguyên liệu đồng và các kỹ thuật đúc, chạm khắc cũng đều phải tập trung trước hết cho nhà chùa.
Triều Lý truyền được 9 đời, 260 năm với Quốc hiệu Đại Việt.
Từ một ông quan trong triều Lê, Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi Thái Tổ Hoàng Đế (tức Lý Thái Tổ) và trở thành ông Vua đầu tiên của triều Lý. Ngay sau khi lên ngôi, ông dời Đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về  Đại La (Hà Nội). Trên đường tiến vào thành,  nhìn thấy rồng vàng bay lên phía chân trời, ông cho là điềm báo tốt lành liền đổi tên Đại La là Thăng Long và đặt niên hiệu là Thuận Thiên (1010- 1028). Thái Tổ là ông Vua thông tuệ, nhân hậu. Nhiều phép nước, luật tục cổ hủ của nhà tiền Lê trước đó đã được sửa đổi, ông chia nước thành 24 lộ, định lại 6 hạng mục thuế...
 Khi còn nhỏ, Lý Công Uẩn đã từng được sư Vạn Hạnh nuôi dưỡng và dạy học nên sau này làm Vua, tư tưởng Phật giáo luôn là nguồn cảm hứng trong cách thức hành sử việc nước. Ông thường trọng đãi những người tu hành, xây cất nhiều chùa, thỉnh kinh Tam Tạng về phổ biến trong chúng sinh. Trong 19 năm tại vị, ông đã cho đúc loại tiền Thuận Thiên Đại Bảo với sự tiếp thu tinh hoa từ các đặc điểm của những đồng tiền trước đó và cũng coi trọng sự khác biệt với tiền Trung Quốc bởi tên gọi “Đại Bảo”.
 Cũng giống các triều đại Vua Chúa phong kiến Việt Nam khác, Thuận Thiên Đại Bảo là tiền kim loại dạng hình tròn  có lỗ vuông ở chính giữa và văn tự trên đồng tiền là chữ Trung Quốc. Đơn vị cơ bản của tiền thời Lý là quan, tiền và đồng, theo đó, đồng là đơn vị nhỏ nhất. Cứ 1 quan là 10 tiền và 1 tiền là 60 đồng; như vậy 600 đồng xu tròn lỗ vuông là 1 quan. Tuy nhiên, mối tương quan này cũng có thể thay đổi ít nhiều theo từng thời do kết quả  thịnh suy của nền kinh tế đem lại.
Vào đầu thế kỷ 19, nhà sử học Phan Huy Chú, trong phần Quốc dụng chí của bộ sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí cũng viết và bình luận những lần phát hành tiền từ thời Lý đến hết thời Lê Trung Hưng, ông cho rằng, các đồng tiền kim loại của Việt Nam giai đoạn này đã đạt đến trình độ nghệ thuật khu vực, có thể sánh ngang với tiền Khai Nguyên Thông Bảo của nhà Đường Trung Quốc. Những đồng tiền này có trọng lượng khoảng 3,5 - 4 gram, không quá dày nặng và không quá mỏng nhẹ, dễ gẫy.
Chúng ta nên nhớ rằng, ở thời này, mọi thứ từ việc tạo khuôn đúc, cách pha chế kim loại đồng và tiến hành các công đoạn đúc hoàn toàn là thủ công. Việc đúc tiền dựa trên kinh nghiệm của một số thợ hàng đầu các phường đúc thời đó, những người này có nhiều đặc quyền và được hưởng nhiều bổng lộc từ triều đình, để chỉ có một việc là duy trì cách thức đúc tiền khi Vua cần.
Việc  đúc tiền không căn cứ trên giá trị thước đo của nền kinh tế, nên khái niệm “lạm phát” cũng vì thế hoàn toàn không có. Đúc nhiều tiền không có nghĩa trình độ nền kinh tế- xã hội có dấu hiệu phát triển. Thời phong kiến, mối quan hệ về thị trường hàng hóa với tiền tệ chưa đủ để thúc đẩy việc hình thành một phương thức sản xuất mới. Việc đúc tiền là hoàn toàn chiểu theo ý chỉ của Vua. Vì vậy ở thời Lý, vai trò của đồng tiền chỉ mang ý nghĩa biểu tượng vương triều, tiền trong lưu thông còn hạn chế, tiền Trung Quốc cùng thời vẫn chiếm chủ đạo.
Là biểu tượng của vương triều, đồng Thuận Thiên Đại Bảo mang trong nó nhiều ý nghĩa mỹ học. Cũng chính vì vậy, giới sưu tầm đánh giá rất cao về vẻ đẹp tinh tế cùng chất liệu bền, dẻo dai trường tồn qua năm tháng. Đến nay, sau hàng 1000 năm, nhiều đồng Thuận Thiên Đại Bảo vẫn còn rất hoàn hảo. Giá trị của chúng trên thị trường tự do cũng vì vậy thường cao hơn, thậm chí cả những đồng có niên đại trước đó.
Nghiên cứu về thời Lý với nguồn tư liệu mặc dù còn hạn chế, nhưng với những đồng tiền của thời kỳ này, đặc biệt là đồng Thuận Thiên Đại Bảo đã đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật đúc tiền thời phong kiến Việt Nam thêm phong phú, đa dạng.

MT (NHNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét