Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Về Tam Quan ăn bánh hồng

Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan
Tam Quan (Bình Định) là xứ trồng dừa nhiều nhất miền Trung. Khách phương xa có dịp đi tàu xe qua Tam Quan sẽ thấy những rặng dừa bạt ngàn nối tiếp nhau trên bờ cát trắng xóa. Từ nguyên liệu dừa của xứ này, người ta làm ra nhiều loại đặc sản nức tiếng gần xa. Trong đó, bánh tráng nước dừa bán dọc đường cho khách làm quà đường xa và bánh hồng dẻo ngọt là hai món quà quê đã tạo nên “thương hiệu Tam Quan”.
Người miền Trung thường chọn các loại bánh ngọt làm món tráng miệng sau bữa tiệc mặn, như bánh ít nhân dừa, nhân đậu... và bánh hồng. Xa xưa, ở làng quê xứ Nẫu, bánh hồng còn được bày biện trong tiệc cưới. Bởi vậy mới có câu hỏi “Bao giờ cho tui ăn bánh hồng?” hàm ý đùa vui hoặc nhắc khéo rằng bao giờ thì bạn làm đám cưới?
 
Bánh hồng là món ăn bình dân, giản dị nhưng để làm được món bánh này khá nhọc công. Muốn bánh dẻo, thơm, người ta phải chọn loại nếp ngon, đem ngâm rồi xay thành bột. Lọc bột cho ráo nước rồi vón thành cục, cho vào nồi nước đang sôi lùng bùng, luộc đủ độ chín. Khâu luộc bột rất quan trọng, phải canh lửa, thời gian sao cho bột vừa chín, không chín bấy, không sống lợn cợn. Người không quen tay, khi luộc thường dễ làm bột “ngoài chín, trong sống” hoặc khiến bột chín quá, khi làm bánh sẽ nhão.
Thông thường, khi luộc bột cũng là lúc người ta khuấy sẵn một chảo đường cho nóng chảy. Chạm đầu đôi đũa vào nước đường đang nóng, khi nào kéo rời hai chiếc đũa mà sợi đường không đứt là lúc đường đã chín tới. Lúc này người làm bánh sẽ nhanh tay vớt bột cho vào chảo đường và dùng đũa trộn mạnh tay cho bột tan vào đường.
Người làm bánh hồng khéo tay luôn biết khi nào cần phải hạ lửa, đánh làm sao cho bột không sít và cháy dưới đáy chảo. Khi bột đã quyện vào đường, chín tới, người thợ sẽ ập miếng bột đường lên chiếc mâm có sẵn bột “áo” (bột nếp khô). Để món bánh thêm ngon, người ta thêm vào ít dừa nạo nhuyễn, hoặc ít sữa, màu xanh của lá dứa… Bánh hồng thường được đặt trên đĩa to hoặc trên mâm, khi có khách tới nhà, chủ nhà sẽ dùng dao cắt bánh thành từng miếng nhỏ, mời khách. Khách tới nhà ít khi từ chối món quà quê giản dị này, thường ngồi lại nhấm nháp miếng bánh ngọt thơm, uống chén trà xanh đậm đặc, nói chuyện đồng áng, ruộng vườn, con cái. Bâng quơ vậy thôi mà tình nghĩa thêm thắt chặt.
Nguyên bản, bánh hồng có màu trắng của nếp, nên đến bây giờ, rất nhiều người vẫn không hiểu vì sao loại bánh này lại được gọi tên là bánh hồng? Phải chăng nó là hình ảnh mơ mộng, lãng mạn, hồng thắm về hạnh phúc lứa đôi nên người ta quen miệng gọi nó là bánh hồng?
Yến Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét