Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Bát canh măng ngày Tết

Với tôi, bát canh măng không đơn giản chỉ là món ăn, mà đó là nếp nhà - mẹ chồng đã gây dựng. Năm nào cũng vậy, dù gia đình còn khó khăn hay khi đã có “của ăn, của để”, trong mâm cỗ Tết chưa bao giờ thiếu bát canh này.


Ngoài nồi bánh chưng, vại dưa hành muối nén, cây giò xào … thì bát canh măng hầm móng giò là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Điều đó thì tôi biết rất rõ, năm nào cũng được ăn canh do mẹ nấu thế mà mãi đến khi lấy chồng, lần đầu tiên phải vào bếp, tự tay chuẩn bị cỗ và được mẹ chồng chỉ dạy, tôi mới biết món ăn đó cầu kỳ đến thế nào.
Tôi sinh ra ở quê, được mẹ khá cưng chiều nên hầu như không biết đến việc bếp núc. Bình thường cơm canh cho bố con tôi đều một tay mẹ chuẩn bị. Những khi nhà có khách hay lễ Tết, tôi cũng chỉ lăng xăng phụ mẹ nhặt rau, bóc tỏi. Thế nên, Tết đầu làm dâu, mặt tôi tái xanh sau khi nghe mẹ chồng bảo: “Con xuống bếp nấu bát canh măng nóng chuẩn bị đãi khách của bố”. Chẳng có ai để cầu cứu, tôi chỉ còn biết lặng lẽ xuống bếp ngó nghiêng và cố “sáng tạo” ra công thức nấu măng.

Bát canh măng ngày Tết. (Ảnh minh họa)

Trong đầu tôi nghĩ thật đơn giản, rửa sạch măng khô, cho lên bếp ninh nhừ cùng móng giò thế là xong. Nghĩ là làm nhưng không hiểu sao nồi canh của tôi càng đun nước càng vàng đục, bốc mùi chua chua, ẩm mốc khó ăn. Thế là suốt gần 2 giờ đồng hồ hì hịu dưới bếp mà nồi canh măng của tôi vẫn chưa thành. Tôi lo lắng nghĩ đến cảnh bát canh dọn lên, khách mời thì nhăn nhó, còn mẹ tôi thì cau mày giận dữ. Cắt dòng suy nghĩ của tôi, giọng mẹ chồng sau lưng ấm cúng: “ Xong cả chưa con?”. Tôi chỉ còn biết thành thật thú nhận và những tưởng mẹ sẽ phải gắt lên hay lắc đầu ngán ngẩm về đứa con dâu. Nhưng không, bà nhẹ nhàng nói: “ Hỏng thì bỏ đi con ạ, để mẹ chỉ cách làm, sau còn nấu cho chồng con”.
27 tuổi đầu, 27 cái Tết được hít hà bát canh măng quen thuộc, vậy mà đến tận khi đó tôi mới biết canh măng không đơn giản như những gì ta thấy, để có được bát canh trong mâm cỗ Tết cũng cần trải qua rất nhiều công đoạn. Là người phụ nữ chu đáo, mọi thứ đã được mẹ chồng tôi chuẩn bị từ trước giao thừa.

Trước tiên là rửa sạch măng, ngâm qua nước lạnh và phải luộc nhừ trong nhiều giờ cho măng thôi ra hết vị chua, hơi ẩm mốc và cũng là giúp tẩy trắng măng. Có như thế bát canh khi nấu xong măng mới có màu trắng ngà bắt mắt, thơm mùi măng khô đặc trưng. Bao giờ việc luộc măng mẹ cũng chuẩn bị từ 30 Tết, mẹ bảo măng luộc xong có thể dùng vài ngày mà không lo hỏng. Đến lúc cần ăn mẹ chỉ cần rửa lại, thái miếng vuông hoặc xé sợi tùy thích, rồi đem sào cho ngấm cho gia vị trước khi thả vào nồi nước hầm xương. Cuối cùng, chỉ cần rắc chút hành lá, múc ra bát và rắc chút hạt tiêu thế là đã có bát măng nóng hổi giúp giảm đi cái lạnh của miếng bánh trưng, dưa hành hay bớt đi vị ngấy từ thịt mỡ, giò lụa….
30 năm đã trôi qua, mẹ chồng tôi không còn, tôi cũng đã có con dâu, nhưng mỗi khi Tết đến, k‎ý ức năm xưa  vẫn mãi trong tôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét