Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Chùa Tôn Thạnh






Cách Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Lộc,huyện Cần Giuộc, 1.100 mét về hướng Đông Bắc là một ngôi chùa cổ và nổi tiếng trong lịch sử với kiến trúc nguy nga,tượng phật Địa Tạng Vương Bồ Tát bằng đồng và áng văn bất hủ của nhà thơ Nguyễn Định Chiểu..Đó là chùa Tôn Thạnh.

Chùa Tôn Thạnh được xây dựng năm 1808 ,theo cấu trúc dạng chữ Tam (ba gạch),có ba dãy nhà song song từ trước ra sau gồm tiền diện,chánh điện và nhà giảng.Ngày nay,chùa được xây thêm hai  ngôi Đông lang và Tây lang (thiền tăng, thiền ni) nối ra ở hai đầu nhà giảng.Theo Địa Nam nhất thống chí thì chùa Tôn Thạnh được xem là ngôi chùa “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng'' nổi tiếng ở đất Gia Định xưa.

Tiền điện có diện tích 49,25 m², tường cao 3,8 mét, nền lát gạch bông.Hai bên cửa trang trí bằng câu đối sơn đen trên nền vàng.Chính giữa tiền điện có treo chùm đèn có 49 ngọn gọi là đèn dược sư.Hai bên hông bày trí 18 tượng La Hán bằng xi măng.

Chùa Tôn Thạnh - Long An
Ảnh: Internet


Chánh điện là ngôi nhà kiểu tứ trụ, cột gỗ vuông, mái bánh ít mở rộng ra bốn phía đều nhau, lợp ngói móc. Trên nóc trang trí hình lưỡng long tranh châu bằng sành, nền lót gạch bông, các bàn thờ trong chánh điện được bố trí nay vẫn còn nhiều nét xưa.

Trải qua 200 năm ,chùa nay tuy không còn”nét huy hoàng” như xưa nhưng những giá trị tinh thần mà ngôi chùa để lại không “xưa” chút nào.Lịch sử của chùa gắn liền với hai tiền nhân :Thiền Sư Viên Ngộ và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Thiền sư Viên Ngộ là người có công lập ra ngôi chùa này vào năm 1808..Cái tên Tôn Thạnh là do nhân dân gọi trại ra từ hai chữ Tông Thạnh,pháp hiệu của nhà sư.Ông là một thiền sư đức độ,một lòng theo đạo và có lòng thương người.

Hẳn những ai yêu mến tác phẩm Lục Vân Tiên thì sẽ cảm thấy càng thú vị khi đến đây.Chùa Tôn Thạnh là nơi sống và dạy học của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong những năm 1856-1862.Cũng tại nơi đây ông đã viết Lục Vân Tiên và  áng văn Văn Tế Nghĩa Sĩ cần Giuộc.Trong chùa có dựng một tấm bia kỉ niệm nhà thơ.Bia do chính quyền Sài Gòn xây năm 1973, nằm ở phía bên tay phải từ cổng chùa đi vào tiền điện.Bia được xây từ xi măng,mặt bia làm bằng đá cẩm thạch,trên đó có khắc chữ để tưởng niệm nhà thơ..

Chùa Tôn Thạnh được công nhận là một di tích lịch sử đã được Bộ VHTT xếp hạng cấp Quốc gia ngày 27/11/1997 (theo số quyết định 2890-VH/QĐ).Đến tham quan ngôi chùa,du khách không những được chiêm ngưỡng công trình hơn 200 tuổi với kiến trúc cổ điển mà còn đang thăm lại lịch sử qua những câu chuyện,những hiện vật,những bia tưởng niệm vị cao tăng Viên Ngộ,nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và thêm vào hành trang sống của mình những kiến thức bổ ích.

Tháng 9/2009
Vietbalo Tổng Hợp

Chùa Tôn Thạnh: Nơi ra đời Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

(PGVN) Bài văn tế bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu viết tại đây để biểu dương, tưởng nhớ công lao của những nghĩa sĩ đất Cần Giuộc đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước

Chùa Tôn Thạnh được xây dựng năm 1808, ban đầu có tên là Lan Nhã, do thiền sư Viên Ngộ sáng lập. Thiền sư có lòng từ bi, hay quan tâm đến cuộc sống của mọi người nên đã tự mình khiêng đất đá để làm 2 con đường cho dân chúng đi lại.
Năm 1846, lúc đúng 60 tuổi, ngài Viên Ngộ đã nhịn uống nước suốt 49 ngày rồi viên tịch. Hiện nay, trong khuôn viên chùa về phía tây còn có bảo tháp thờ ngài.

Từ năm Kỷ Mùi 1859 đến năm 1862, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đây sinh sống. Bề ngoài, cụ đồ Chiểu mở trường dạy học, nhưng bên trong thì cụ làm quân sư, cố vấn cho nghĩa binh chống Pháp. Bài văn tế bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu viết tại đây để biểu dương, tưởng nhớ công lao của những nghĩa sĩ đất Cần Giuộc đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Ngoài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, các tác phẩm như: Chạy giặc, Dương Từ Hà Mậu và một phần của truyện thơ Lục Vân Tiên cũng được sáng tác tại chùa Tôn Thạnh.
Hiện nay, bên trái của chùa có Nhà bia ghi lại công lao của của nhà thơ và trích đoạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Năm 1997, chùa Tôn Thạnh đã được Bộ VH -TT công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Chùa Tôn Thạnh thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa duy nhất gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.


Chú thích: Tư liệu được cung cấp bởi Kỷ lục Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét