Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Đảo “sạch” trong vịnh Hà Tiên

TTCT - Vịnh Hà Tiên (Kiên Giang) có đến 105 đảo lớn nhỏ, trong đó có xã đảo Hòn Nghệ, nơi đang phát triển nghề nuôi cá bè trên biển và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai không xa.
Mũi Đá Chuông (bên trái) với tượng Quan Âm Bồ Tát - nơi có ngôi Liên Tôn cổ tự - Ảnh: P.S.L.

Cách thị trấn Ba Hòn (Kiên Lương, Kiên Giang) khoảng 20km về phía tây nam, Hòn Nghệ có hình bầu dục, dài 2,5km, ngang 1,6km, diện tích tự nhiên 3,8km2. Trong Gia Định thành thông chí, mục Trấn Hà Tiên, Trịnh Hoài Đức viết: “Uất Kim Dữ (Hòn Nghệ) chu vi 20 dặm, ở về biển phía nam của trấn. Ở đây cây tốt tre cao, động đá tối tăm, sản xuất các loại yến sào, dầu rái và than củi. Dân miền biển dựng lều quanh bờ khe triền núi”.
Hòn Nghệ được người Pháp gọi là Poulo-Tekere, và theo các bậc lão ngư, sau thời Pháp thuộc, Hòn Nghệ gần như là một hoang đảo với số cư dân ít ỏi. Nhờ mưa thuận gió hòa, vùng biển cá tôm dồi dào nên đảo ngày càng thu hút thêm người đến định cư. Hiện nay xã đảo Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương có 509 hộ, 2.114 nhân khẩu sống ở hai ấp Bãi Nam và Bãi Chướng, đa số làm nghề khai thác hải sản, nhiều người thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng bè.
Đến Hòn Nghệ, đập vào mắt khách phương xa là những lồng bè nuôi cá dày đặc trên vịnh biển xanh rờn. Những lồng bè bằng thân cây bạch đàn, thùng phuy và lưới cước được kết vào nhau, nhiều hay ít lồng tùy theo điều kiện kinh tế của chủ hộ, bên trong lồng nuôi cá bớp và cá mú, hai loại cá rất quen thuộc với du khách khi đến các vùng biển nước ta. Lồng bè nuôi cá mỗi năm phải dời ít nhất hai lần: mùa gió nam (từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch) dời sang Bãi Chướng, mùa gió chướng (gió bấc, từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch) trở lại Bãi Nam nhằm tránh sóng, ảnh hưởng đến năng suất cá và khiến lồng bè hư hại.
Một góc Hòn Nghệ với mảng xanh được toàn dân đảo bảo vệ - Ảnh: Panoramio

Đến Hòn Nghệ lần đầu, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên: ban đêm nhà dân không đóng cửa, không giăng mùng (màn) do không có muỗi, xe máy các loại, cả xe tay ga đắt tiền, để trước sân nhà, thậm chí bên lề đường suốt đêm “vẫn còn y thinh”. Phần lớn nhà ở đều được xây tường khang trang. Rừng trên đảo không bị cháy nhờ phát động toàn dân tham gia bảo vệ. Trên đảo hoàn toàn không có trộm cắp, ma túy, mại dâm…
Những ưu điểm trên của Hòn Nghệ sẽ là động lực biến hòn đảo trong vịnh Hà Tiên này thành một điểm du lịch. Chính quyền xã đảo cho biết trong năm nay sẽ khởi công xây hai cầu tàu ở Bãi Nam và Bãi Chướng, sẽ có tàu cao tốc nối đảo nhằm rút ngắn thời gian từ Ba Hòn ra đảo (hiện nay đi “tàu cây” mất khoảng hai tiếng), hoàn chỉnh Bãi Nam, Bãi Chướng (mỗi bãi dài 50m) thành bãi tắm.
Đó là cơ hội để hòn đảo “sạch” này “sang” hơn nhờ có du khách bốn phương, nhất là những người hành hương viếng Liên Tôn cổ tự tọa lạc tại mũi Đá Chuông (một số thanh đá nơi đây khi gõ vào kêu vang như tiếng chuông) và tham quan nhiều hang động như: hang Phật Cô Đơn, hang Đạt Ma Sư Tổ, hang Quýt, hang Dấu Ấn Gia Long… Lễ Nghinh Ông (16-1) và vía Bà Chúa Xứ (20-2 âm lịch) hằng năm cũng là dịp thu hút rất đông khách thập phương đến với Hòn Nghệ.
Lồng bè nuôi cá ở Bãi Nam - Ảnh: P.S.L.
Liên Tôn cổ tự - Ảnh: P.S.L.
“Thạch lâm” ngoạn mục ở Hòn Nghệ - Ảnh: Panoramio

PHÙ SA LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét