Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Bánh gừng – biểu tượng của sự thủy chung

Bánh tét, bánh gan tay thể hiện sự âm dương hoà hợp, ước vọng hoà thuận của vợ chồng. Còn bánh gừng là biểu trưng, biểu tượng của tình chung thuỷ của người vợ.
Đối với người Chăm (Bình Thuân), ba loại bánh là bánh tét, bánh gan tay và bánh gừng luôn phải có trong mọi lễ nghi, nhất là trong lễ tết Katê, Chabrue và lễ cưới. Đó là loại bánh theo phong tục mà người Chăm tự chế biến từ xa xưa, với nguyên liệu sẵn có từ bàn tay khối óc của mình tự tạo ra, như gạo nếp, đậu xanh, đậu phụng dừa, gừng, nghệ, trứng gà, trứng vịt, thịt heo…
Ngoài ba loại bánh đặc trưng trên, trong các lễ nghi còn có các bánh khác như bánh thuẫn (bánh thững), bánh ít, bánh máng, bánh bò… đều coi như bánh phụ, ít khi tự làm, thường là ra mua ngoài chợ về dùng.
Trong những thứ bánh này, đặc biệt nhất là bánh gừng. Người Chăm còn gọi bánh gừng là “bánh giận hờn” vì nó có ý nghĩa liên quan đến truyện tích “Đá hòn vọng phu” của người Chăm - một câu chuyện cảm động về sự chờ đợi của người vợ Nai Chrao Cho Phò. Nàng đã làm bánh gừng và mang lên tảng đá ngồi ăn và chờ chồng cho tới khi bị hóa đá.
Bánh gừng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm - biểu tượng cho sự thủy chung của người vợ
Bánh gừng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm - biểu tượng cho sự thủy chung của người vợ.
Bánh gừng là một loại bánh làm bằng bột, trứng vịt, trứng gà và đường cát. Loại bánh này được gọi là bánh gừng vì hình dáng bánh giống như củ gừng, tựa như san hô ngoài biển. Theo tỷ lệ cứ một kg gạo nếp, 15 quả trứng vịt, 3 quả trứng gà và một kg đường cát, thì làm được 15 đến 20 cái bánh gừng, tuỳ lớn nhỏ.
Muốn bánh gừng ngon thì phải chọn loại gạo nếp thơm, hạt to, trắng đục và không bị gãy. Gạo ngâm và vo kỹ rồi đi xay và đăng bột cho ráo, hoặc cũng có thể xay gạo thành bột khô.
Trước tiên, đập bỏ vỏ trứng, đổ lòng trắng và lòng đỏ vào một cái bát nhỏ sạch, dùng đũa đánh cho nổi rồi bỏ bột nếp vào trộn nhồi cho thật dẻo. Sau đó, cho từng nắm bột dẻo vào cối nhỏ giã cho nhuyễn rồi lấy lên từng nắm, nặn thành bánh theo hình dáng củ gừng, hay san hô.
Bánh sau khi nặn xong thì bỏ vào chảo chiên cho thật vàng thì bánh mới cứng và giòn được. Tiếp đó, lấy bánh ra nhúng vào nước đường đã thắng thì bánh mới trơn, bóng mịn và không bị cong. Sau đó gắp từng cái lên mâm phơi cho khô để tăng độ giòn cứng.
Những chiếc bánh gừng được chế biến đơn giản nhưng lại có mùi vị thơm ngon, béo bổ, giòn ngọt từ bột nếp và trứng gà, trứng vịt. Người Chăm khi ăn bánh gừng còn có một cảm xúc riêng về ý nghĩa cao đẹp của chiếc bánh qua truyện tích “Đá hòn vọng phu” còn lưu truyền lại.
Phương Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét