Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Cù Lao Chàm - viên ngọc xanh trên đất Quảng Nam


Vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, biển xanh, bãi cát trắng trải dài cùng với những sản vật đặc trưng như: mực một nắng, cua đá, ốc vú nàng… khiến Cù Lao Chàm thật sự hấp dẫn…
Viên ngọc xanh
Chỉ cách bờ biển Cửa Đại (Hội An- Quảng Nam) 15 km, Cù Lao Chàm là một cụm đảo bao gồm 8 đảo được đặt tên hết sức dân dã: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông.
Vẻ đẹp Cù Lao Chàm
Vẻ đẹp Cù Lao Chàm. Ảnh: Internet
Đặt chân tới nơi đây, du khách sẽ bất ngờ với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, hấp dẫn của rừng xanh, biển trong, bãi cát trắng trải dài và những sản vật không nơi nào có như nơi đây. Đặc biệt, trên Cù Lao Chàm có nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp, hấp dẫn du khách bởi nét hoang sơ của một vùng biển đảo.
Nhieùe bãi biển tự nhiên
Nhiều bãi biển tự nhiên. Ảnh: Internet
Độc nhất vô nhị có thể nói đến là hệ thống công trình đá xếp nằm dọc, dài theo các sườn núi của Hòn Lao đến các bãi cát ven biển. Đá xếp ở đây được ứng dụng trên nhiều công trình, độc đáo hơn cả là hệ thống khai thác, sử dụng nguồn nước ngọt tự nhiên. Cả hệ thống đá liên hoàn theo từng bậc từ cao điểm 517, thượng nguồn suối Tình dẫn xuống những ruộng bậc thang trồng lúa nước.
Nhiều sản vật khó quên
Không chỉ là không gian biển đảo với nhiều điểm du lịch hấp dẫn mà Cù Lao Chàm còn có nhiều sản vật chỉ nghe thôi đã thấy thèm.
Mực một nắng... thật hấp dẫn
Mực một nắng... thật hấp dẫn. Ảnh: Internet
Mực một nắng không thể không thưởng thức khi đã đến nơi đây. Những con mực tươi rửa sạch rồi trải trên vỉ đem phơi. Sau gần một ngày được nắng và gió biển sẽ làm mực bớt nước, mực vừa se se khô rồi đem nướng lửa than hồng. Nướng vừa chín tới thì dùng tay vừa thổi vừa xé, chấm tương ớt bỏ vào miệng… để nghe hương vị biển cả hòa quyện trong lát mực. Đây cũng chính là món quà đặc biệt có thể đem về đất liền làm quà.
Thưởng thức vị khác lạ từ cua đá.
Thưởng thức vị khác lạ từ cua đá. Ảnh: Internet
Nếu ai đã từng thưởng thức các loại cua biển thì sẽ thật ngỡ ngàng khi được nếm vị cua đá ở đây. Cua đá mình vuông gồ ghề như cua đồng, nhưng lại to ngang như cua biển. Thịt cua đá dày, có vị ngọt đặc biệt, phảng phất vị hăng hăng của cỏ cây, vốn là thức ăn chính của cua đá. Ăn kèm với cua là một loại rau diếp mọc dại trong núi.
Đặc sản ốc vú nàng
Đặc sản ốc vú nàng
Đặc biệt, ốc vú nàng có vỏ xà cừ hình chóp nón, giống đôi gò bồng đảo của các cô gái dậy thì, thân ốc màu vàng pha xanh, nhưng mỗi khi có tay người chạm phải thì chuyển sang sắc hồng e lệ. Những người sành ăn thường chỉ dùng muối tiêu chanh để ăn kèm với ốc vú nàng luộc. Làm món trộn, người ta thái mỏng thịt ốc đã luộc, trộn đều với chanh và ớt. Thịt ốc vú nàng săn giòn nhưng không quá mềm như thịt nghêu, sò và rất ngọt.
Chỉ nghe tên những món ăn này thôi, nếu ai chưa từng đến Cù Lao Chàm chắc chắn sẽ muốn đến để được thưởng thức hương vị của nó, còn với những ai đã từng đến thì chắc chắn lại muốn quay trở lại cứ mỗi dịp hè về.
Lê Thảo


 

Ngao du thiên đường hoang sơ

Ngao du thiên đường hoang sơ

(du lich) - Từ Cửa Đại, hơn 25 phút bồng bềnh trên canô, chúng tôi đã cập bến Cù Lao Chàm.

Đảo như một viên ngọc xanh đón du khách trong ánh nắng ban mai dịu mát và những âm thanh đầy sức sống thường nhật.

Trong các hòn đảo ở Cù Lao Chàm, Hòn Lao là lớn nhất. Hòn Lao có bãi Ông, bãi Làng và bãi Hương - nơi cư dân tụ tập và sinh sống hàng ngàn năm nay. Cuộc sống của cư dân trên đảo không khác gì so với trong đất liền. Chợ đảo bán đủ loại mặt hàng hải sản như: tôm, bào ngư, bạch tuộc, ốc hương…

Ngao du thiên đường hoang sơ, Du lịch,
Âu thuyền ở Cù Lao Chàm
Chúng tôi đến thăm giếng làng của người Chăm, được xây dựng cách đây mấy thế kỷ nhưng vẫn nổi tiếng bởi nước mát ngọt và trong xanh, sau đó men theo con đường bêtông đến thăm chùa Hải Tạng. Ngôi chùa cổ kiến trúc cổ kính được xây dựng từ năm 1758. Giữa mênh mông trời biển bên ngoài, những tiếng chuông chùa trầm ấm đều đặn vang lên khiến ai bước vào đây cũng cảm thấy lòng thanh tịnh.

Ngoài chùa Hải Tạng, Cù Lao Chàm còn có những điểm đến tâm linh như lăng Ông Ngư, miếu Bà, miếu tổ nghề yến, miếu thờ Thành Hoàng, miếu thờ Tiền Hiền, miếu thổ thần, miếu Ngũ Hành, miếu Thần Nông, miếu Lăng Cô… Gắn kết với các di tích này, du khách còn có cơ hội khám phá những sinh hoạt văn hóa phi vật thể mang đậm tính biển đảo của cư dân hằng năm.

Diện tích Cù Lao Chàm không lớn nhưng thiên nhiên đã ưu đãi cho đảo rừng, núi, biển và cả những con suối thơ mộng, thuận lợi cho phát triển du lịch. Khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của hệ động thực vật, nguồn hải sản và tài nguyên yến sào. Đặc biệt, các quần thể san hô và đá ngầm rất đẹp.

Thay vì men theo con đường triền núi bằng xe ôm tham quan thắng cảnh ở hang Bà, hang Tò Vò, hòn Bao Gạo, suối Tình, suối Mơ và các bãi tắm đẹp… bạn có thể thuê một chiếc thuyền máy để du ngoạn và chỉ tốn hai giờ là có thể đi vòng khắp đảo.

Biển Cù Lao Chàm nước trong xanh có thể nhìn thấy đáy sâu cách chục mét. Làn nước trong vắt lúc nào cũng quyến rũ, mời gọi du khách bơi lội.

Ngao du thiên đường hoang sơ, Du lịch,
Mưu sinh trên biển
Ngao du thiên đường hoang sơ, Du lịch,
Bây giờ ra đảo ngoài việc tắm biển, ngắm cảnh còn có một thú vui mà du khách không nên bỏ qua là lặn biển ngắm san hô. Chỉ cần ra xa bờ một chút, khoác áo lặn và mang ống thở ngụp xuống dòng nước trong xanh, bạn sẽ có cảm giác mình đang lạc vào một thủy cung nào đó.

Nước trong nhìn rõ đáy nên khách du lịch có thể nhìn rõ những "rừng" san hô rực rỡ sắc màu, sinh động rập rờn trong làn nước. Tô điểm xung quanh là những con sao biển, những đàn cá đầy màu sắc sinh động lượn lờ...

Những "hướng dẫn viên" thổ địa "chỉ điểm" các bãi san hô đẹp nổi tiếng nhất ở Cù Lao Chàm nằm ở bãi Xếp, Hòn Tai, Hòn Dài, Hòn Mồ. Trong đó, bãi san hô Hòn Tai đẹp và nổi tiếng nhất, lộng lẫy nhất, góp phần tạo nên "thiên đường dưới đáy biển Cù Lao Chàm".

Ngao du thiên đường hoang sơ, Du lịch,
Hoàng hôn ở Cù Lao Chàm
Đơn giản, chỉ thư giãn thì bãi Hương và bãi Ông thật sự là hai nơi nghỉ ngơi lý tưởng nhất đảo vì nước biển xanh trong và bãi cát sạch sẽ. Biển không hề có rác thải, cư dân trên đảo cũng không dùng những loại túi nilông. Nhưng điều làm chúng tôi thích nhất là các hàng quán, nhà hàng không hề “chặt chém”, không có cảnh ăn xin, bán vé số cũng như bán hàng rong chèo kéo khách. Nét hoang sơ của Cù Lao Chàm bao trùm các cụm đảo, như một viên đá xanh khổng lồ chưa qua gọt giũa.

Người ta ví Cù Lao Chàm như một nàng tiên đang thức dậy sau một giấc ngủ dài và giờ đây Cù Lao Chàm đang trở thành một điểm du lịch văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng đầy tiềm năng cũng nhờ vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ này.
Theo Bạch Đằng (Tuổi Trẻ)

Cù Lao Chàm xa xanh


Những bãi biển hoang sơ, chuyến lặn biển giữa rạn san hô dập dờn và những đàn cá đủ sắc màu và hơn hết, cuộc sống giản dị giữa những người dân đảo hồn hậu, trìu mến đã khiến chúng tôi mê mẩn Cù Lao Chàm chẳng muốn rời.
Cù Lao Chàm xa xanh
Một góc Cù Lao Chàm.
Từ Hội An ra Cù Lao Chàm, chúng tôi không chọn tàu cao tốc hay tàu du lịch, mà chọn tàu chợ xuất phát vào khoảng 7h hằng ngày. Chẳng phải vì cái vé tàu chợ tiết kiệm được... 30.000 đồng so với vé tàu du lịch, mà vì tàu du lịch chạy nhanh quá, vèo cái 30 phút đã đến đảo, thấy “phí” biển lắm. Đằng này, đi tàu chợ mất có 20.000 đồng, lại được hẳn hơn 2 tiếng đồng hồ ngồi trên sàn tàu lồng lộng nắng và gió, chen chúc với gồng gánh rau cỏ, trò chuyện với người dân ra cù lao – một cuộc “hành xác” mà những kẻ đi bụi rất thích thú.

Hơn 2 giờ sau khi rời bến Bạch Đằng (Hội An), con tàu cập bến Bãi Làng – bãi chính của Cù Lao Chàm. Đây là một trong các thôn tập trung dân cư của Cù Lao Chàm, bên cạnh các thôn Bãi Hương, Xóm Cấm, Bãi Ông của Hòn Lao. Hòn Lao là 1 trong số 8 đảo nhỏ của cù lao rộng hơn 15km2, ngoài ra còn có: Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Thông thường, các tour du lịch sẽ đưa du khách đến khu du lịch sinh thái bãi Chồng, hoặc bãi Ông tắm biển, ăn trưa, tới bãi Xếp lặn ngắm san hô, còn bãi Làng chỉ là nơi ghé chân để tham quan khu dân cư, âu thuyền, giếng cổ Chămpa, chùa Hải Tạng, chợ Tân Hiệp và mua sắm đồ hải sản. Chúng tôi thì ngược lại, “cắm chốt” ở bãi Làng, trong một nhà dân tuềnh toàng, mát rượi gió biển.

Bãi Làng chào đón chúng tôi bằng một dãy phên phơi cá mặn mòi vị biển. Ngày thường, mùi cá tanh nồng trong các khu chợ sẽ làm chúng tôi chun mũi, nhưng ở đây, những con cá bé xíu, trong veo nằm trên chiếc phên tre lấp lánh nắng thật đẹp và thật... thơm. Hình như ở trên cù lao xinh đẹp này, những thứ giản dị nhất, từ những phên cá xộc xệch đến chiếc thuyền thúng cũ kỹ bỏ trên bãi cát, từ những tán dừa khô cháy nắng đến những mái nhà nghèo đơn sơ nép bên bờ biển, khi soi bóng xuống mặt nước xanh biếc trong veo nhìn rõ tận đáy cát, đều trở nên đẹp lạ lùng.

Những phên cá mặn mòi dẫn chúng tôi từ bãi Làng qua đến bãi Ông, xa hơn là bãi Chồng, bãi Hương... miên man bờ cát trắng với những con sóng lăn tăn vỗ bờ. Những chiếc thuyền thúng đứng im trên mặt biển trong vắt, tựa như được đặt trên một mặt gương lấp lóa nắng, mời gọi đến mức chúng tôi không thể không chạy ào xuống mép nước, leo lên chiếc thuyền thúng chẳng biết của nhà nào và ra sức lắc. Chiếc thúng bé xíu dập dềnh, chả xê xích được mét nào trên biển. Trên bờ, các bà các chị vừa đảo cá phơi nắng, vừa trìu mến nhìn đám thanh niên thành phố lần đầu tiên được đùa nghịch với thuyền thúng, chẳng một lời nhắc nhở sợ bị hỏng thuyền, càng không có chuyện đòi tiền như ở những vùng du lịch khác.

Những bãi biển hoang sơ vắng bóng khách du lịch, nằm khuất sau những con đường dốc lên triền núi dưới tán rừng nguyên sinh trên đảo lôi cuốn chúng tôi đến tận chiều muộn, khiến tất cả quên béng việc đi thăm chùa Hải Tạng, âu thuyền, giếng cổ Chămpa... - những di tích nổi bật nhất trong số 27 di tích tín ngưỡng và khảo cổ của Cù Lao Chàm. Sau một ngày đùa nghịch mệt nhoài với biển là một bữa tối với món đặc sản ốc vú sao, vú nàng nướng thơm phức trên than hoa kéo dài tới tận khuya trong câu chuyện rôm rả với những người dân chài rám nắng, hồn hậu.

Câu chuyện về những chuyến ra khơi đầy kỳ thú của họ đã đưa chúng tôi xuống thuyền, đi tới một vịnh biển “đẹp nhất, vắng nhất, các thuyền tour không hề tới” (như lời các bác dân chài nói), vào sớm hôm sau. “Du thuyền” riêng của chúng tôi là một con thuyền gỗ cũ kỹ, nổ máy phành phạch đi men quanh cù lao phủ cây xanh mát, lướt qua các bãi tắm lấp ló những căn chòi lợp tranh, qua vài vịnh biển nhỏ lẻ loi doi cát trắng viền quanh mép nước biếc xanh... Chừng đã xa lắm, bác lái thuyền mới thả neo giữa một vịnh biển nhỏ xinh xanh thẳm. Tất cả lũ chúng tôi vội đeo mặt nạ có ống thở, lao xuống làn nước mát rượi và ngay lập tức được lạc vào cõi thủy cung đẹp mê hồn. Vừa rời mặt nước đã thấy những rạn san hô sống thở phập phồng bên những đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng và những con sao biển năm cánh xanh biếc lấp ló.

Bác lái thuyền bảo rằng, những rạn san hô quanh Cù Lao Chàm có tới 135 loài san hô và hơn 200 loài cá. Những người biết bơi vứt mặt nạ, ống thở, nhao xuống đáy sâu, chơi trò đuổi bắt với những đàn cá và những con sao biển, dải san hô. Những kẻ không biết bơi, không biết lặn snorkeling cũng cố khoác áo phao, mang ống thở úp mặt xuống làn nước trong xanh ngắm nhìn chốn thủy cung sinh động đầy mê đắm. Chuyến lặn biển mê mải kéo dài từ sáng tới trưa, giữa một vịnh biển đẹp như tranh chỉ có nhóm chúng tôi, với bác lái thuyền. Quả là một chuyến lặn biển tuyệt vời chẳng có ở đâu ngoài Cù Lao Chàm.
Ngân Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét