Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Khám phá đảo Nam Du hoang sơ

Nam Du trong mắt tôi

(GLO)- Biển Tây Nam của Tổ quốc có hơn 150 đảo lớn nhỏ nằm trên lãnh hải thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Nam Du là một quần thể với 24 hòn đảo nhỏ. Nhìn xa xa quần thể này lúp xúp như những chiếc bánh ít giữa biển khơi.

Đến đảo nhớ câu vè

Đặt chân đến hòn Lớn của xã An Sơn thuộc quần đảo Nam Du, tôi lân la hỏi chuyện với cánh xe ôm thì được anh Phan Văn Ken cho biết, từ Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) ra đảo khoảng 90 km nhưng người dân vẫn gắn bó với đảo và đời sống sinh hoạt trên đảo vẫn dễ chịu hơn ở đất liền. Gia đình anh nhiều đời theo nghề biển nhưng đến đời anh thì tạm gác. 40 tuổi nhưng đã có thâm niên 20 năm chạy xe ôm trên đảo. Bây giờ xe máy trên đảo này nhiều và tổ chức từng bãi thành nghiệp đoàn, chạy theo suất. “Đảo Lớn có 3 đội hành nghề xe ôm: 20 chiếc ở bãi Ngự, 30 chiếc ở bến ấp Cả Chon và 15 chiếc ở bến ấp An Cư. Thu nhập bình quân 100.000 đồng/người/ngày”- anh Ken nói.
Tàu neo đậu tại cảng cá Nam Du. Ảnh: L.V.N
Tàu neo đậu tại cảng cá Nam Du. Ảnh: L.V.N
Bên tách cà phê trên đảo, tôi được anh Ken diễn xướng những câu vè về quần đảo Nam Du: “Hòn Mấu thấu qua Đô Nai/Đô Nai lai rai về Bờ Đập/Bờ Đập tấp lại hòn Lò/Hòn Lò mò về hòn Ngang/Hòn Ngang sang qua hòn Đụng/Hòn Đụng cụng lại hòn Dầu/Hòn Dầu chầu về Bỏ Áo/Bỏ Áo tháo lại hòn Ong/Hòn Ong giông về hòn Dâm/Hòn Dâm đâm về hòn Tre/Hòn Tre de về hòn Mốc/Hòn Mốc xốc tới hòn Nhàn/Hòn Nhàn tràn qua hòn Hàng/Hòn Hàng thẳng tới ba hòn Nồm/Ba hòn Nồm về lại hòn Khô/Hòn Khô thẳng vô hòn Lớn/Hòn Lớn lỡ trớn đến bãi Chệch…”. Chất giọng ồm ồm lúc lên cao, lúc hạ thấp của anh phần nào thể hiện tính mộc mạc chân chất của người lao động nơi đây.

Anh Ken giải thích: “Hòn Bỏ Áo tức là nơi đây Nguyễn Ánh khi chưa lên ngôi bị nhà Tây Sơn đánh cho tan tác chạy đến hòn đảo này bỏ áo lại. Riêng hòn Lớn nơi bến Ngự vẫn còn giếng Vua, tương truyền Nguyễn Ánh một lần đến hòn Lớn thì nước hết. Ông ngửa mặt khấn với trời đất rồi rút gươm ra khỏi vỏ cắm mạnh xuống đất thì bất ngờ dòng nước trào ra. Nguyễn Ánh sai thuộc hạ cho đào giếng và giếng này còn đến ngày nay. Dân trên đảo gọi là giếng Vua.

Tiềm năng chưa được khai thác
Một góc xã An Sơn (chụp qua kính tiềm vọng). Ảnh: L.V.N
Một góc xã An Sơn (chụp qua kính tiềm vọng). Ảnh: L.V.N
Quần đảo Nam Du có 2 xã đảo là An Sơn (gồm 11 hòn đảo với diện tích tự nhiên 845,9 ha) và Nam Du. Hai xã này có trên 8.000 khẩu (xã An Sơn trên 5.000 khẩu) và người dân sống chủ yếu về nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thương nghiệp, dịch vụ. Mùa gió Nồm từ tháng 5 đến tháng 11, mặt biển phía Tây Nam nổi sóng, nếu biển động ngư dân cho neo tàu thuyền phía Đông Bắc thuộc bãi Giếng; mùa gió Chướng (gió Bấc) từ tháng 11 đến tháng 4, khi biển động, gió thổi mạnh thì tàu thuyền kéo sang phía Tây Nam thuộc bãi Ngự để tránh. Vùng biển nơi đây tôm cá dồi dào nên hàng ngày có đến cả trăm tàu thuyền cập bến.

Ông Phạm Văn Quân- Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, năm 2011, riêng xã An Sơn đã vận chuyển được 40.800 lượt khách và 8.995 tấn hàng hóa các loại. Trên các hòn đảo này đã phủ sóng điện thoại di động và mạng thuê bao cố định; có trường phổ thông ở 3 cấp học, 1 trạm y tế xã khám và điều trị hàng năm gần 6.000 lượt bệnh nhân; 98% số hộ dân đã có điện thắp sáng 10 giờ/ngày, 70% số hộ có điều kiện sử dụng nước hợp vệ sinh và 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Toàn xã có 4 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. Tình hình an ninh trật tự trên đảo rất ổn định không có tội phạm xảy ra.
Ảnh: L.V.N
Ảnh: L.V.N
Nói về cuộc sống trên đảo, ông Bùi Văn Sáu-Chủ tịch Nghiệp đoàn Bốc xếp ở cầu tàu hòn Lớn trải lòng: “Quê tôi ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trước đây, tôi có người anh là sĩ quan hải quân đóng quân ở hòn Lớn, thấy tôi ở quê nhà vất vả quá nên năm 1993 khuyên tôi ra đảo này. Lúc đầu lên đảo cũng gặp không ít vất vả, đi biển thì không có thuyền, làm dịch vụ thì ít vốn nên ông vừa chăn nuôi vừa nhận thầu xây dựng. Có ngày ông đi bộ từ cầu cảng đến bến Ngự để xây nhà thế rồi cuộc sống dần khấm khá lên.

Bây giờ ông làm nghiệp đoàn thu nhập bình quân mỗi tháng gần 5 triệu đồng, có hàng quán, có nhà cho thuê”. Ông Sáu khẳng định: “Đừng lười biếng thì làm gì cũng sống khỏe. Nếu ở đất liền thì tôi chưa chắc có như ngày hôm nay và nhiều người trên đảo này cũng vậy”. Ông sáu còn kể thêm, người giàu nhất xã An Sơn là ông Quý “kem”. Trước đây ông bán kem nhưng sau đó ông mua phân trâu, bò và mùn cưa từ đất liền chở ra đảo để bán cho ngư dân dùng dầu rái trít thuyền thúng thế là phất lên. Khi ngư dân không còn sử dụng thuyền thúng thì ông đã có một số vốn chuyển sang làm dịch vụ và kinh doanh bất động sản ở nhiều nơi…


Ông Sáu nói với tôi: “Ngư dân ra biển đơn giản như dân thành thị đi xe máy ra phố. Biển Tây Nam tôm cá dồi dào, nhưng tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả”.
Lê Văn Nhung

Người dân Nam Du có một bài vè để giới thiệu về những hòn đảo ở quê hương mình: “Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai, Đô Nai quay sang Bờ Đập, Bờ Đập tấp lại Hòn Lò, Hòn Lò mò đến Hòn Ngang, Hòn Ngang tạt sang Hòn Đụng, Hòn Đụng cụng vào Hòn Dầu, Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo, Bỏ Áo tháo ngược Hòn Ông, Hòn Ông dông đến Hòn Dâm, Hòn Dâm đâm thẳng Hòn Tre, Hòn Tre te đến Hòn Mốc, Hòn Mốc xốc lại Hòn Nhàn, Hòn Nhàn tràn thẳng Hòn Hàn, Hòn Hàn quàng cổ ba Hòn Nồm, Hòn Nồm chồm đại lên Hòn Khô, Hòn Khô vô bãi Chệt, Bãi Chệt lết lên Hòn Lớn...”.
Từ Kiên Giang, bạn có thể bắt đầu chuyến du lịch Nam Du bằng cách đi tàu hơn 2 tiếng đồng hồ ra Hòn Lớn - hòn đảo lớn nhất và cao nhất. Với con đường trải nhựa bằng phẳng và có phần hơi dốc, bạn có thề đi xe ôm lên ngọn hải đăng để thấy được toàn cảnh Nam Du với các đảo nằm dài như những tuyệt tác nghệ thuật. Người dân nơi đây luôn sẵn sàng làm hướng dẫn viên nhiệt tình cho bạn. Không chỉ thế bạn còn được cảm nhận cuộc sống thân thiện của ngư dân bằng cách ở trọ ngay chính tại gia đình họ, không phòng ốc cao tầng, không máy lạnh, bồn tắm hay nhiều tiện nghi như bạn thường thấy ở các khách sạn mà chỉ là các phòng trọ đơn giản, phù hợp với các bạn trẻ thích du lịch bụi.
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Ngắm bình minh lên từ ngọn hải đăng của Hòn Lớn.
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Bến tàu Hòn Lớn.
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Đường lên ngọn hải đăng.
Đi dọc theo con dốc từ bến tàu tới Bãi Tranh (khoảng 20 phút chạy xe máy), bạn sẽ cảm nhận được làn nước trong xanh, mát lạnh với bãi đá dài men theo bờ biển hoang sơ, yên bình. Cách đó không xa là Bến Ngự với tàu bè tấp nập. Từ đây bạn có thể thuê xuồng máy đi sang bãi Kim Mến. Nếu nói bãi Kim Mến là “thiên đường” thì quả không ngoa. Những rặng dừa nghiêng mình chiếu bóng xuống bãi cát dài trắng mịn, sạch sẽ, những đợt sóng trắng êm dịu, nhẹ nhàng mang theo làn nước trong xanh tấp vào bờ. Thả mình xuống làn nước mát lạnh đó, mọi mệt mỏi đều tan biến mà thay vào đó là cảm giác sảng khoái. Nếu đi Nam Du mà không tới bãi Kim Mến thì quả là một thiếu sót.
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Bãi Tranh, Bến Ngự, bãi Kim Mến với một màu xanh của da trời và nước biển
Đặc điểm chung của quần đảo thuộc Nam Du là bãi cát trắng và nước biển xanh ngắt, nhưng ở mỗi nơi đều có nét đẹp riêng. Hòn Lớn tấp nập tàu bè, cư dân đông đúc, còn Hòn Mấu yên bình hơn, nhà cửa liền kề nhau ngay sát bờ biển. Đặc biệt, ở nơi đây có những viên đá đen bóng và nhẵn lấp lánh trên biển như những viên ngọc quý.
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Hòn Mấu với làn nước trong xanh, cát trắng.
Nếu đã thỏa thích với nắng vàng, biển xanh thì bạn có thể đi bộ lên ngắm khung cảnh hồ nước ngọt thuộc Bãi Nhum của Hòn Lớn, hoặc mạo hiểm hơn nữa là men theo bãi đá ở bến tàu đi chinh phục mỏm đá hình đầu rồng. Hoặc bạn có thể mở bữa tiệc hải sản với ghẹ và mực tươi ngon.
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Khám phá đảo Nam Du hoang sơ
Các bạn trẻ thích thú chinh phục mỏm đá hình đầu rồng.
BĐVN
Viên ngọc thô ở phương nam
TTCT - Nằm ở vùng biển cực Nam xa xôi của đất nước, cái tên quần đảo Nam Du nghe vừa thanh thoát, vừa có chút bí ẩn kích thích đam mê du lịch khám phá.
Một góc đẹp trên đảo Nam Du - Ảnh: Việt Phương
Nam Du không phải là một cái tên quen trên bản đồ du lịch. Nằm ở phía đông nam đảo Phú Quốc và cách bờ biển Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) khoảng 65 hải lý, quần đảo Nam Du gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời giữa vịnh Thái Lan. Sau ba tiếng đi tàu cao tốc từ Rạch Giá, du khách đã có thể đặt chân lên đảo.
Bãi Ngự với cát trắng và hàng dừa lãng mạn - Ảnh: Việt Phương
Sức quyến rũ
• Từ TP.HCM, các bạn có thể đi Rạch Giá bằng máy bay (Vietnam Airlines có các chuyến bay hằng ngày lúc sáng sớm, giá vé khứ hồi từ 1.260.000-2.690.000 đồng tùy hạng vé và thời điểm mua vé, thời gian bay khoảng 30 phút) hoặc xe buýt chất lượng cao (giá trung bình 150.000 đồng/chiều).
• Tại Rạch Giá, bạn có thể đến bến tàu mua vé tàu cao tốc Ngọc Thành (giá 210.000 đồng/chiều) để đi đảo Nam Du (Hòn Củ Tron). Bạn nên mua vé khứ hồi luôn từ đầu.
• Trên đảo Nam Du có rất nhiều nhà trọ, giá trung bình 120.000 đồng/phòng/đêm.
Những bãi biển đẹp và hoang sơ đến lạ thường chính là đặc sản của quần đảo này. Vì du lịch và cơ sở hạ tầng chưa phát triển nhiều nên đường đến những bãi biển như vậy có phần khó khăn. Người ta có thể phải trải qua một đoạn đường đi xe máy cực kỳ mệt nhọc để đến được một bãi biển đẹp như Bãi Mến. Nhưng cảnh đẹp là sự đền đáp xứng đáng cho quãng đường gian nan.
Bãi Mến, một trong những bãi biển đẹp của quần đảo này, cuốn hút du khách bởi hình dáng của một vịnh nhỏ vắng vẻ, cát trắng, hàng dừa thẳng đều và gió biển lồng lộng tạo một cảm giác thoáng đãng và tự do cho bất cứ ai đang tìm cảm giác giải thoát khỏi những xô bồ của cuộc sống thường nhật.
Một con đường đang được xây dựng để nối thị trấn và các vùng khác trên hòn đảo. Từ trên những cung đường như vậy, người ta có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn những đảo khác trong quần đảo Nam Du với biển trời bao la trước mặt.
Vào lúc bình minh và hoàng hôn, du khách có thể chạy xe máy lên ngọn hải đăng của đảo. Đây là nơi cao nhất quần đảo Nam Du với độ cao hơn 300m và là nơi tuyệt vời để ngắm toàn bộ khung cảnh tuyệt mỹ của quần đảo này ở mọi hướng. Lúc mặt trời vừa mọc hay sắp lặn thì khung cảnh còn lãng mạn hơn nhiều.
Trên đường đi lên ngọn hải đăng, những ai yêu nhiếp ảnh có thể dừng lại ở con đường lưng chừng núi để chĩa máy xuống Bãi Ngự bên dưới với hàng dừa trải dài theo vòng cung của bờ biển. Ẩm thực ở đây thì khỏi phải bàn. Hải sản tươi luôn sẵn sàng để bạn thưởng thức với cái giá không hề đắt đỏ chút nào.
Bãi Ngự với cát trắng và hàng dừa lãng mạn - Ảnh: Việt Phương
Ảnh: Việt Phương
Cần được mài giũa
Bên cạnh cảnh đẹp, người dân hiếu khách, ẩm thực ngon lành thì Nam Du lại bị vấn đề về rác. Du khách ra quần đảo này khi được hỏi đều than phiền về điều này. Một bãi biển đẹp tuyệt vời với hàng dừa lãng mạn trong ánh hoàng hôn lại bị rác rưởi ngay dưới chân phá hỏng mất. Đó dường như là một sự hụt hẫng khi khám phá Nam Du. Quần đảo sẽ thật sự đẹp một cách tự nhiên và hoàn hảo nếu như không có những thứ phế thải do con người tạo ra phá bĩnh.
Hiện các dịch vụ du lịch trên đảo hầu như được làm một cách tự phát. Tất cả các dịch vụ đều do người dân trên đảo tự kinh doanh nhỏ lẻ, từ nhà trọ (không có resort hay khách sạn) đến cho thuê xe máy, ăn uống. Các nhà trọ với trang thiết bị nghèo nàn và sơ sài (mặc dù khá sạch sẽ). Các phòng không có máy điều hòa và trên đảo bị cắt điện luân phiên (giờ cắt điện từ 13g-17g và từ 23g-7g sáng hôm sau).
Ai từng đến Nam Du đều có thể nói đây là một nơi có tiềm năng du lịch rất lớn. Nhưng rõ ràng cần lắm một bàn tay biết quản lý, nếu không Nam Du sẽ đi vào vết xe đổ của không ít bãi biển đẹp khác ở VN. Đơn giản nhất như chuyện đi lại, hiện chỉ có một chuyến tàu cao tốc mỗi ngày đi từ Rạch Giá ra Nam Du với thời gian chạy ba tiếng.
Với những đối tượng du khách sẵn sàng chi tiền, sao chưa thể tổ chức những chuyến du thuyền đến quần đảo này? Hoặc như kinh nghiệm của quốc đảo Maldives ở Ấn Độ Dương, các khu nghỉ dưỡng trên đảo có thể dùng thủy phi cơ để đưa rước khách từ đất liền ra đảo mà không cần đến sân bay.
Đa số các dịch vụ trên đảo là tự phát, rất cần một bàn tay điều phối quản lý - Ảnh: Việt Phương
Rác đã làm xấu đi một số bãi tắm đẹp ở đây - Ảnh: Việt Phương
VIỆT PHƯƠNG

Nam Du, nàng tiên cá giữa biển khơi

Sở hữu bãi biển hoang sơ, cát trắng với rặng san hô và đàn cá màu huyền ảo, quần đảo Nam Du, phía Đông Nam đảo Phú Quốc, sẽ gợi nhắc bạn những thước phim hoạt hình biển đảo của Disney.
Quần đảo Nam Du nằm ở phía Đông Nam đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cách đất liền khoảng 60 km, gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời giữa vịnh Thái Lan. 
Trên bản đồ du lịch thì Nam Du là cái tên còn khá mới mẻ. Bởi lẽ đó mà Nam Du còn giữ lại được những vẻ đẹp chân chất nhất của vùng biển đảo. Đó là nét đẹp giống như những người con gái của miền biển, mộc mạc, duyên dáng, e ấp mà cũng rắn rỏi, mặn mà.
1078606-663978820281290-963440-4812-2407
Làn nước xanh biếc hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ảnh: Bùi Thắng
Từ Rạch Giá, du khách đón những chuyến tàu cao tốc đến Nam Du. Sau gần 3 tiếng chạy tàu, bạn sẽ đặt chân lên Hòn Lớn với không gian xanh ngắt một màu nối giữa trời và biển. Mặc dù chưa có khách sạn hay resort nhưng bạn có thể lựa chọn phòng trọ của một số gia đình trên đảo. Tuy không tiện nghi, không sang trọng nhưng sạch sẽ và thân thiện chính là điểm cộng cho các nhà trọ nơi đây.
Bắt đầu hành trình khám phá quần đảo Nam Du chắc chắn các bạn không thể bỏ qua những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp được xem như là đặc sản của vùng biển đảo này. Bãi Mến và Hòn Mấu là một trong hai điểm có bờ cát trắng thoai thoải, với hàng dừa xanh mướt, nước biển trong mát đến tận đáy. Chắc chắn sẽ không gì thư giãn hơn cảm giác tự do vùng vẫy giữa biển nước mây trời với gió biển lồng lộng, bỏ lại hết mọi bộn bề lo toan của cuộc sống.
1150925-648496015168121-575201-5288-4117
Đảo Nam Du là một trong những địa danh nằm ở điểm cực Nam của Tổ quốc. Ảnh: Trương Ngô
Những rạn hô và cá màu quanh khu vực Hòn Ông cũng sẽ níu chân du khách. Chỉ việc đeo kính lặn, ống thở, bạn có thể dễ dàng lặn một vòng rồi trầm trồ thốt lên những lời có cánh cho nơi đây. 
Theo sự hướng dẫn của dân địa phương, bạn có thể tìm đến nơi ở của bác Sáu Ánh – người được xem như là Robinson trên Hòn Nồm. Vì cả khu vực này chỉ có mỗi gia đình bác Sáu chọn làm nơi định cư và đã sinh sống trên 50 năm. Bạn sẽ được cùng thưởng thức cá xanh xương, ghẹ, gà đảo và nghe những câu chuyện kể về một thời gian khó mà hào hùng của những người đi mở cõi.
DSC05642-JPG-9097-1383215837.jpg
Hải sản đảo Nam Du không chỉ rẻ mà còn rất tươi, ngon. Ảnh: Bùi Thắng
Quần đảo Nam Du không chỉ đẹp về thiên nhiên mà sản vật địa phương nơi đây cũng vô cùng phong phú. Bạn có thể dong thuyền đi câu trong một buổi sáng là có dư cá ăn trong cả ngày. Ngoài ra, hải sản ở đây cũng rất rẻ, dễ dàng tìm mua được ghẹ xanh, cá mú, cá bớp, cá xương xanh... tại ngay những chiếc ghe lưới của ngư dân.
Kết thúc hành trình Nam Du, bạn không thể bỏ qua chuyến tham quan lên hải đăng Nam Du. Đây là điểm cao nhất của quần đảo và là nơi bạn có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ cảnh đẹp nơi đây. Bạn sẽ nhớ mãi khoảnh khắc đón những ánh bình minh của ngày mới hoặc ngắm hoàng hôn mơ màng dần buông xuống đường chân trời.
Bùi Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét