Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Lạ miệng với sò huyết sốt me

Đến với Khánh Hòa, du khách thập phương không chỉ ấn tượng với những bãi biểm đẹp mê hồn nơi đây mà còn không thể nào quên được những món ăn đặc sản của vùng đất này qua những câu thơ: Yến sào Hòn Nội / Vịt lội Ninh Hòa / Tôm hùm Bình Ba / Nai khô Diên Khánh / Cá tràu Võ Cạnh / Sò huyết Thủy Triều.
Trong nhiều món ngon ấy thì sò suyết là món ngon và bổ nhất. Sò huyết Thủy Triều nổi tiếng ở Khánh Hòa và được nhiều người biết đến, đã ngọt thịt, lại ăn mấy cũng không phá bụng. Đây là món đặc sản mà không phải nơi nào cũng có.
Người ta khai thác sò huyết chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Khi triều xuống, người ta mang thúng nan lội bùn bắt sò. Khi chân đạp trúng sò, dùng các ngón chân quặp chặt rồi từ từ đưa lên, bàn tay thò xuống bắt con sò bỏ vào thúng. Có người dùng cào đề tìm sò. Khi sò nổi lên, người ta nhặt cho vào giỏ.
Theo y học cổ truyền, thịt sò huyết có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc có tác dụng bổ huyết, chữa được nhiều chứng bệnh như huyết hư, thiếu máu,… Trong sò huyết có nguồn chất đạm phong phú, chứa nhiều khoáng chất, nhiều vitamin… có giá trị dinh dưỡng cao giúp tăng cường sức chịu đựng dẻo dai cho cơ thể.
Sò huyết sốt me.
Sò huyết sốt me.
Thịt và vỏ sò cũng đều là dược liệu. Vỏ sò đem rửa sạch, đập vụn, cho vào nồi trát kín, nung đến khi vỏ đỏ hồng. Sau khi nguội, tán nhỏ, rây thành bột mịn. Ngoài hàm lượng dinh dưỡng cao, lại thêm thịt thơm ngon nên sò huyết được dùng làm món đặc sản tại các nhà hàng, các khách sạn và là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
Sò bắt về, phải ngâm trong nước lạnh khoảng 1-2 giờ để sò nhả sạch bùn đất. Sau đó, dùng bàn chải cứng chà rửa sạch bên ngoài vỏ. Nếu mua sò, phải chọn sò huyết tươi sống. Sò tươi sẽ thò lưỡi ra ngoài để bò, thấy sò há miệng, khi lấy  tay sờ thì miệng sò khép lại, là sò còn sống. Nếu mua phải sò đông lạnh hoặc sò có mùi hôi thì chế biến món ăn sẽ không ngon, không còn mùi thơm đặc trưng của nó.
Để làm món sò huyết xốt me, phải dùng me chín. Me chín, bỏ hạt, cho vào nước đun cho mềm, sau đó lọc lấy thịt. Một chén nước ngâm bột để sau  đó vào xốt cho xốt sền sệt. Bắt chảo lên cho dầu vào, phi hành tỏi cho thơm rồi cho me và gia vị (muối đường) vào xào chua ngọt.
Sò đã hấp, đem ra tách vỏ, bỏ phần vỏ không có nạc, còn phần vỏ có nạc, phi hành tỏi bỏ vào xào, để to lửa, khi nạc sò săn lại, đổ nước xốt me vào trộn đều khoảng 5 phút rồi rưới nước bột, ngò gai xắt nhỏ, ớt băm nhuyễn, trộn đều, nhắc xuống. Lấy từng con sò trang trí trên đĩa, ăn nóng.
Sò huyết sốt me vừa chua vừa ngọt, mang đậm hương vị của vùng biển Khánh Hòa. Bên cạnh món sốt me, sò huyết được chế biến thành nhiều món ăn, món nhậu như sò huyết nướng, gỏi sò huyết, cháo sò huyết, sò huyết xào tỏi… Mỗi món mang một đặc trưng riêng. Song, chúng có một đặc điểm chung là trong quá trình chế biến không nên nấu chín mà phải ăn sò ở dạng chín tái mới ngon, sò có vị ngọt thơm. Nếu nấu lâu, nạc sò sẽ dai. Thiên nhiên đã ban tặng cho con người một thứ ăn ngon mà bổ dưỡng. Nếu ai có dịp qua vùng đất Khành Hòa đừng quên thưởng thức hương vị đậm đà của món sò huyết sốt me này.
Phương Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét