Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Thanh mát với nộm bạch tuyết

Thoạt nghe tên món ăn, ngỡ cầu kỳ, xa lạ lắm, chắc hẳn “cao lương mỹ vị” trong cung đình xưa hay là món ăn của những bữa tiệc sang trọng. Thế mà không phải. Nộm bạch tuyết là món ăn dân dã được làm từ nguyên liệu chính là củ đậu và dừa.
Được gọi là nộm bạch tuyết bởi món ăn có màu trắng chủ đạo. Màu trắng tinh khiết của củ đậu hòa cùng màu trắng sữa của dừa, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ mát lòng.
Nộm là cách gọi của miền Bắc, theo phương ngữ miền Nam gọi là gỏi, chỉ chung các món rau trộn chua ngọt trong ẩm thực Việt Nam. Nhắc tới nộm, người ta thường nhắc tới các nguyên liệu “truyền thống” như đu đủ, cà rốt, ngó sen...Nộm chế biến từ củ đậu và dừa là món ăn được ít người biết đến. Mẹ đã dạy tôi món ăn này, mẹ bảo, ăn nộm bạch tuyết “nhẹ bụng”, không ngán. Nộm bạch tuyết là món ăn thanh mát xua đi cái nắng như thiêu như đốt ngày hè.

Củ đậu được trồng khắp mọi nơi, là loại củ được ưa chuộng từ Nam tới Bắc. Củ đậu không chỉ nhiều vào mùa đông mà quanh năm người ta cũng dễ dàng mua được với giá rẻ. Theo Đông y, củ đậu là thức ăn vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc. Củ đậu có thể ăn sống, ép nước uống, xào hoặc nấu canh.
Nộm bạch tuyết.
Nộm bạch tuyết.
Nộm củ đậu được chế biến khá đơn giản, thuận tiện cho những người bận rộn, hợp lý khi được đặt trong mâm cỗ sang trọng. Khi chọn củ đậu nên chọn loại củ có cuống hơi héo, tròn trịa, ít khía là loại củ ngọt và nhiều nước. Củ đậu bóc vỏ, rửa sạch đem thái chỉ sao cho đều, không gãy nát. Dừa nên chọn loại bánh tẻ là loại dừa không quá non, không quá già. Cùi dừa đem nạo thành sợi, chú ý độ dài của dừa bằng độ dài củ đậu.
Sau đó, trộn hỗn hợp củ đậu, dừa với đường, muối tinh và chanh. Món ăn có thêm gia vị chua, mặn, ngọt. Cuối cùng rắc lên nộm một chút vừng rang màu cánh gián và rau thơm thái nhỏ. Nộm củ đậu ăn không cần tai lợn hay lườn gà thái chỉ như các món nộm khác mà vẫn cảm thấy đủ vị, ngon miệng.
Trong thời buổi “bão giá”, bữa cơm gia đình đôi khi phải chi tiêu “eo hẹp”, bạn có thể thêm món nộm bạch tuyết vào thực đơn hàng ngày, vừa ngon lại vừa rẻ.
Nếm một miếng nộm bạch tuyết, vị ngọt mát của củ đậu giòn tan lan tỏa, hòa cùng vị bùi bùi của dừa, thơm phức của vừng thấy nắng hè dường như dịu lại. Khi ăn nộm bạch tuyết tôi thường tưởng tượng, màu trắng của món ăn là một ngày hè trong veo, những sợi vừng rang là những hạt nắng vàng. Như vậy, bữa cơm gia đình có món nộm bạch tuyết là tôi đã mang cả mùa hè vào trong ngôi nhà của mình.
Đỗ Quyên Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét