Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Vấn vương bánh khẩu sli Cao Bằng

Khẩu sli còn được gọi là bánh gạo nếp nổ hay bánh bỏng kẹp lạc, thường được ăn kèm khi uống nước chè xanh. Thứ bánh này là một trong những loại bánh đặc sản địa phương mà người Cao Bằng thường dùng để mời khách khi đến chơi nhà.
Cái tên bánh khẩu sli nghe lạ lạ vui tai khiến nhiều người nghe lần đầu tò mò. Khẩu sli thường có hình dáng to bằng viên gạch đỏ, lớp trên là lạc màu nâu bóng mượt , lớp dưới là bỏng gạo mịn màng. Qua nhiều công đoạn chế biến, hai lớp bánh dính chặt lấy nhau, ăn giòn tan, dẻo quẹo lại có vị bùi ngọt khiến cho nhiều du khách ăn một miếng mà vấn vương mãi cái hương vị lạ lẫm đó.
Nguyên liệu chính tạo nên bánh khẩu sli là gạo nếp, bột cám, lạc và đường phên, tất cả đều là nguyên liệu sẵn có của Cao Bằng. Nhưng để cho ra lò được một phong bánh cũng khá kỳ công, tỉ mẩn và tinh tế. Trước đây, chỉ khi có dịp quan trọng người dân nơi đây mới làm để cúng lễ, nhưng nay thứ bánh này đã được sản xuất nhiều để bán cho khách du lịch vừa quảng bá thương hiệu khẩu sli đi xa vừa phát triển kinh tế.
Thứ  gạo nếp, nguyên liệu chính để làm nên phong bánh khẩu sli phải là nếp ngon nhất, dẻo thơm. Ban đầu gạo nếp được đồ thành xôi, sau đó đem xôi trộn với cám gạo, thứ cám mới sát còn thơm phức, sao cho những hạt xôi tơi ra, không dính vào nhau. Đem thứ xôi trộn cám phơi dưới nắng cho những hạt gạo nếp săn lại rồi giã nhỏ. Với nguyên liệu đó đem rang trên chảo lửa, đảo đều tay cho những hạt nếp nở đều, giòn bung là có thể bắc xuống. Thứ bỏng rang này bấm phải kêu lách tách mới đạt tiêu chuẩn.
Đường phên để kết dính bỏng với nhau thường là thứ đường thẻ của địa phương to bằng bàn tay, thắng đường với nước tạo thứ mật sền sệt màu nâu. Khi thấy nước mật sôi sủi người ta trút bỏng đã rang vào đảo, sao cho thứ mật ôm chặt lấy từng hạt bỏng, trong sóng sánh vui mắt. Trút bỏng quyện mật vào khuân rồi cán sao cho thật chặt. Phủ lên trên lớp bánh là một lớp lạc đã rang, những hạt lạc sẽ được mật đường dính chặt lại, tạo một tầng màu nâu phủ lên trên. Cứ thể để vài tiếng cho bánh nguội là có thể cắt thành từng khúc và thưởng thức.
Với nhiều công đoạn, người làm bánh phải khéo léo sao cho mật không quá lửa chát khét, bánh phải dẻo không được cứng, khi để bánh lâu không được ỉu mà phải giòn tan. Hít hà phong bánh khẩu sli phải nguyên mùi thơm của nếp rang, bùi béo của lạc, ngọt thanh của đường phên. Cầm phong khẩu sli phải chắc tay, những hạt nếp ngà quyện đường vàng óng,  cắn miếng bánh phải giòn tan trong miệng mới là bánh đạt chất lượng.
Khi thưởng thức bánh khẩu sli thường nhâm nhi với nước trà xanh, ăn rất vui miệng. Ngày nay, thứ bánh này được người dân Cao Bằng không chỉ có trong những dịp lễ, tết, hội hè mà còn làm nhiều hơn kể cả ngày thường để mời khách tới nhà. Nhiều du khách khi được thưởng thức một lần, ăn vui miệng, cứ tấm tắc khen ngon và vương vấn mãi.
Khẩu sli  ăn giòn tan, dẻo quẹo, nhâm nhi với nước trà xanh rất vui miệng
Thu Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét