Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Bông Điên Điển

Bông Điên Điển
Em đi lấy chồng về nơi xứ xa,
Đêm ru điệu hát câu hò trên môi.
Miền Tây xanh sắc mây trời,
Phù sa nước nổi người ơi đừng về!
Những ca từ đơn sơ mộc mạc trên trong ca khúc Bông Điên Điển của Hà Phương thì những ai yêu dòng nhạc trữ tình chắc hẳn cũng ít nhất một lần đã nghe qua. Nhắc đến bông điên điển, có lẽ ai cũng nghĩ ngay đến Miền tây, miền đất của những đồng lúa ngút ngàn, những dãy hoa màu màu mở, những khu vườn trái cây say quả, và đó cũng là vùng đất tận cùng của tổ quốc với đầy đủ điều kiện tự nhiên từ đồi núi đến đồng bằng rồi biển cả bao la.
Nhưng nhắc đến bông điên điển chúng ta cũng nghĩ đến đó là những nơi vùng sâu vùng xa, với những cầu khỉ chênh vênh, đường mòn rợp bóng cây, những cánh đồng phủ bạc trong màn lũ, và từ đó nhú lên những thân cây mảnh khảnh vươn cao mình trong dòng nước lũ để cho ra những bông hoa điên điển vàng rợp cho đời.
Điên điểnhay điền thanh thân tía, điền thanh bụi có tên khoa học là Sesbania sesban, là một loài cây thuộc họ đậu (Fabaceae). Bông điên điển được xem là là một loại rau ở miền đồng bằng Nam Bộ của Việt Nam. Người ta sử dụng nó làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi, hay chế biến những món xào như bông điên điển xào với tép rong, bông điên điển xào thịt ba chỉ, và món ăn đặc trưng nhất của bông điên điển với người dân miền tây đó là bánh xèo bông điên điển… Cây này còn một tác dụng nữa là cải tạo đất khi sử dụng làm phân xanh, do rễ của nó cũng giống như rễ của các loài cây thuộc họ Đậu khác, có các vi khuẩn nốt sần cố định đạm sống cộng sinh. Là loài cây hoang dã nên nó dễ thích nghi với môi trường, có sức cạnh tranh mãnh liệt với sâu bệnh và các cây cỏ khác.
Lợi ích từ cây điên điển là nhiều như thế, nhưng hiện nay, về vùng quê của các tỉnh miền tây thì còn rất ít nơi có bông điên điển vào mùa nước lũ, và bông điên điển giờ đây lại thuộc vào món ăn đắt đỏ và khó tìm chứ không còn phổ biến như trước kia nữa. Với cách ngăn đê bao chống lũ thì các đồng bằng ở sông Cửu Long ngày hôm nay không còn phù sa đỏ đồng như trước, chuyên canh lúa ba vụ thì bóng dáng cây điên điển cũng dần lùi xa vào dĩ vãng và thử hỏi với đà này thì giớ trẻ mai sau có còn biết được mỗi mùa lũ về là mùa của tôm cá và biết bao đặc sản của Đồng bằng sông Cửu Long hay không?
Đất nước phát triển, kéo theo kinh tế cơ sở hạ tầng phát triển, nông thôn miền tây giờ đây đã vắng bóng những chiếc cầu khỉ, đường xá giao thông thuận tiện và có lẽ như thế nên phải chăng xa xăm nơi chốn bưng biền đã không còn là quá khó khăn để hát lên rằng chồng xa em khó mà về?!
ĐƯỜNG XƯA 05/07/2011
Ảnh: Từ Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét