Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Hồ Trâu Vàng

 
Hồ Tây, một địa điểm đã đi vào huyền thoại của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà
 
Con Trâu Vàng không tìm thấy mẹ, cũng không nghe tiếng mẹ gọi, nó bực tức lồng lên, quần đảo cả một vùng, giẫm nát hết một khu vực, khiến mặt đất sụt xuống, biến thành một hồ rộng lớn mà thành Hồ Tây như ngày nay.
Nước ta là nước nông nghiệp, vì thế con trâu rất quan trọng, nó gắn liền với đời sống con người. Từ thực tế hàng ngày, nó oằn sừng kéo đất lên để cấy lúa sinh ra hạt gạo, con trâu đã đi vào huyền thoại như một vật thiêng liêng không biết từ bao đời. Hà Nội có cả sông Kim Ngưu lẫn hồ Kim Ngưu. Ở đây chỉ xin nói đến hồ Kim Ngưu đang còn mênh mông với thủ đô ngàn xanh tuổi trẻ.
Hồ Tây có nhiều tên: Hồ xác cáo, Đoái Hồ, Tây Hồ, hồ Lãng Bạc, hồ Dâm Đàm và hồ Trâu Vàng (tức Kim Ngưu).
Sông Hồng, sông Thao đến Thăng Long, nó có lần đổi dòng, uốn lượn một vòng tung tẩy rồi mới tiếp tục là con sông Nhị mà tên chính thức là sông Nhĩ vì có sông quai như cái vàng tai, xuôi ra châu thổ và đổ vào biển cả như chiếc nôi ru non nước.
Không muốn nhớ chính xác hồ Trâu Vàng rộng chừng bao nhiêu công mẫu, mà chỉ biết đứng bên bờ này nhìn sang bờ bên kia nó mênh mông sóng bạc và sương lam, nếu trời đẹp có thể thấy cả bóng núi Ba Vì mờ ảo như một khuôn hình mỹ nhân nằm ngủ giữa trời chiều, nếu có bóng con chim sâm cầm một thuở lạc bày về tạm trú thì chỉ bằng cái chấm đầu bút chì mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi nó là "chớp ánh mặt trời của bờ xa mời gọi".
Hà Nội không thể thiếu Hồ Gươm đã đành, mà cũng không thế thiếu Hồ Tây, lá phổi vĩ đại của mẹ nước non cho đàn con sinh sống. Đã bao nhiêu tao nhân mặc khách, bao nhiêu nhà khoa học nói về hồ Kim Ngưu với chan chứa yêu thương trìu mến và trân trọng, ngợi ca một thiên nhiên quý giá.
Để giữ gìn Hồ Tây, thành phố đã phải bỏ ra một số tiền khổng lồ với thời gian nhiều năm làm con đường đi dạo quanh hồ (giống như đường Đinh Tiên Hoàng- Lê Thái Tổ quanh Hồ Gươm) nhưng tiếc là đến 2008 vẫn còn nham nhở, nhiều đoạn chưa xong, nước thải và rác rưởi vẫn xả vào hồ một cách đau xót và người ta vẫn có thể đóng cọc lấn chiếm mặt hồ.
Mấy ai yêu Hà Nội mà không thuộc lòng huyền thoại Trâu Vàng nằm ngủ trong lòng Hồ Tây đã nghìn năm chưa thức giấc. Đã lâu lắm rồi, về thời nào không ai còn nhớ, vì đã có một tấm màn sương che phủ như hoài niệm bâng khuâng...
Có nhà tu hành tên là Minh Không (còn có thuyết đó là nhà sư Không Lộ, do chữ Khổng Lồ mà đọc chệch ra chăng?) đức cao vọng trọng nhưng cũng có nhiều pháp thuật. Ngài muốn đúc một quả chuông đồng, bèn đi sang phương Bắc, dùng phép thuật thu nhặt hết số đồng vàng đen phương ấy mang về. Trên đường về, ngài ngả chiếc nón tu ra đựng đồng mà không chìm. Số đồng ấy không thể tính đếm bằng cân bằng tấn, đủ để đúc một quả chuông, đánh lên nó ầm vang cả một phương trời.
Ngày hoàn công, đánh thử, tiếng chuông như sấm, vang đến phương Bắc. Nơi ấy có con Trâu Vàng tưởng mẹ nó gọi ở trời Nam, liền cất vó cong sừng lồng lên đi tìm mẹ nó. Nó tìm đến Hồ Tây, nhưng tiếc thay quả chuông quá to và quá nặng, không treo lên được, nhà sư Minh Không đành thả chuông chìm vào lòng Hồ Tây.
Con Trâu Vàng không tìm thấy mẹ, cũng không nghe tiếng mẹ gọi, nó bực tức lồng lên, quần đảo cả một vùng, giẫm nát hết một khu vực, khiến mặt đất sụt xuống, biến thành một hồ rộng lớn mà thành Hồ Tây như ngày nay.
Phần sau của huyền thoại còn có lý và đáng nhớ hơn nữa. Nhà sư khi thả chuông xuống hồ, có lời nguyền: từ nay về sau, trong dân chúng, nhà ai sinh được 10 con trai thì cha con lên hồ sẽ kéo được chuông lên và sẽ trở nên giàu có. Thuở ấy, đất rộng người thưa, dân còn thưa vắng, nhà nước có chính sách khuyến khích nhiều con, giống như lời chúc đầu năm mới: "Chúc các bác con đàn cháu đống..." hoặc như câu thơ cụ Tú Xương "sinh năm đẻ bảy được vuông tròn...", nên nếu ai sinh được 10 con trai thì thực quý.
Có hai vợ chồng nọ sinh được 9 người con trai, đã khấp khởi mừng thầm. Họ bàn nhau nuôi thêm một đứa con trai làm con nuôi cho đủ 10 rồi lên hồ Kim Ngưu đi kéo lấy chuông... Quả chuông quá nặng, đã cố gắng kéo lên gần mép nước. Người cha giục: "Nuôi ơi, cố gắng lên...". Vì câu gọi ấy mà thần linh biết được rằng trong số con trai kéo chuông kia, có 9 người con đẻ và một người là con nuôi. Thế là dây chão đứt phựt, quả chuông lại chìm sâu đáy nước.
Và từ đấy đến nay, bao nhiêu mưa nắng bão giông, bao nhiêu con nước, bao nhiêu sương khói phủ lên mặt Tây Hồ, chiếc chuông vẫn nằm nguyên dưới đáy và hình như con trâu vàng cũng đang nằm bên chiếc chuông, nghe nhịp thở của trâu mẹ vẳng lên từ một cõi hư hao nào mà trong lòng đất sâu thẳm của Hà Nội oai linh, ta có thể nghe được tiếng rì rầm hồn thiêng non nước.
Nếu ta đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm gần 200 mét thì đi một vòng hồ Kim Ngưu là 17.000 mét (tức 17 cây số), bắt đầu từ đền Quán Thánh qua Thụy Khuê, có đền Đồng Cổ, qua ngã ba Chợ Bưởi, từng là làng nghề làm giấy dó nổi tiếng của Thăng Long xưa, nơi đây bắt đầu con đường Lạc Long Quân mới mở, sẽ nối vào đường Âu Cơ, đi suốt mặt đê Yên Phụ, men theo đường làng Yên Phụ còn có nơi mà nhà văn Thạch Lam đã mất năm 1942, về lại đến đường Thanh Niên (Cổ Ngư xưa), phố Trấn Vũ men theo hồ Trúc Bạch và gặp lại Quán Thánh. Một đường vòng ấy ta gặp bao cái tên thân quen của một Thăng Long cổ và Hà Nội hiện đại, như niềm thơ, bài thơ, như thiên nhiên âu yếm hòa quyện vào hồn ta. Đó là những Yên Thái, Hồ Khẩu mà ca dao xưa đã nhắc Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Chúng ta sẽ gặp những Xuân La, Xuân Đỉnh, Võng La, Võng Thị, những Bái Ân, Trich Sài mà ta hiểu trong đó có cái tên chợ bán lưới, bán võng, nơi hái củi.... Rồi Nhật Tân một làng đào nổi tiếng, Quảng Bá, Nghi Tàm, nơi trồng quất cảnh và nuôi cá vàng khó có nơi sánh kịp. Ta còn gặp Tứ Liên, Tứ Tổng, cũng trồng hoa cho Hà Nội đón xuân dập dìu tài tử giai nhân...
Hồ Tây - hồ Trâu Vàng cũng còn nhiều di tích giá trị. Chùa Tảo Sách, chùa Kim Liên, chùa Tứ Liên, ngôi đình làng Yên Phụ thờ đức Uy Linh Lang, thờ thánh theo chiều dọc vì thế đất làng quá hẹp, một phía là Hồ Tây, phía bên kia hồ có cả cây vả cổ thụ nên làng gọi là hồ Ao Vả. Trên mặt hồ có chùa Trấn Quốc, một ngôi chùa cổ nhất có thừ thời Tiền Lý và nay là một danh lam của Hà Nội, có cây bồ đề do tổng thống Ấn Độ tặng Hồ Chủ tịch trồng ngay sân chùa, nay đã tỏa bóng rợp xum xuê.
Không thể thiếu con đường Thanh Niên, một "con tàu thủy màu xanh không bao giờ đắm", có đa, có liễu, có ngọc lan, có cỏ xanh. Nó như một dòng kẻ nhạc luôn vang lên suốt bốn mùa giai điệu thánh thót của tình yêu Hà Nội.
Quán Thánh nằm ngay đầu đường Thanh Niên, ngôi đền thờ đạo Lão, có pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng nặng hơn bốn tấn do thợ đúc đồng làng Ngũ Xã đúc đã vài thế kỷ, và còn một pho tượng đã xanh là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả tác giả pho tượng đồng kia.
Nếu Hồ Tây là một cô gái đẹp, một mỹ nhân thì cô gái đẹp ấy đã có người em gái sinh đôi cũng muôn phần diễm lệ. Đó là hồ Trúc Bạch. Hồ Trúc Bạch một bờ là đường Thanh Niên, có một hòn đảo nổi là gò Mỏ Phượng, tiếc là nay cái mỏ con chim phượng ấy đã bị người ta san đi làm thành nhà hàng ăn uống.
Hồ Trúc Bạch còn có một cái gò nhỏ xíu nhưng đất tốt nên cây cối xanh tươi bốn mùa, đó là đảo Cẩu Mã Nhi. Đồn rằng khi vua Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long có con chó tha một đàn con từ làng Đình Bảng về đây, làm ổ trên hòn đảo này. Thực hư ra sao, các nhà khoa học còn đang tranh luận.
Thực ra hồ Trúc Bạch chỉ làm một phần, một góc nhỏ của Hồ Tây, dân quanh vùng muốn đi lại cho thuận tiện nên đã đắp một còn đường đất đi giữa hồ, sau đó thành đường Cổ Ngư và cái tên đường Thanh Niên do Hồ Chủ tịch đặt cho nó từ thập kỷ 60. Con đường này ngăn cách Hồ Tây làm hai, phần nhỏ trở thành hồ Trúc Bạch.
Tên là Trúc Bạch nhưng ở đây không trồng loại trúc trắng nào. Đó là tên một xóm làng ven hồ, từ xa xưa, đây là nội cỏ nương dâu. Cư dân của làng thường là nô tì, phi tần hết thời được sủng ái, những người hàng năm bị nhà vua thải loại, bị đưa ra đây phải tự trồng dâu chăn tằm, dệt lụa mà sinh sống. Thứ lụa họ dệt ra khá tinh xảo, gọi là "trúc bạch". Dệt đến đâu bán hết đến đó nên họ có thể sinh sống tạm ổn những năm tháng về già. Từ đó mà thành cái tên huyền thoại bên con hồ lưu truyền có con Trâu Vàng nằm nghe sóng nước.
Rất nhiều đêm trăng sáng, trăng muộn màng lên trên mặt hồ Trúc Bạch, óng ánh xôn xao trên đường Thanh Niên, từ dưới bóng cây đầy gió nhìn xuống mặt hồ Trúc Bạch, tưởng như có hàng nghìn con rắn vàng rực rỡ đuổi theo nhau trên mặt nước, mà mặt nước cũng đã biến thành thứ vàng lỏng long lanh như một cõi tiên giới.
Hà Nội xưa nay nổi tiếng về nhiều món quà ngon. Hồ Trâu Vàng, cụ thể là trên đường Thanh Niên có đóng góp một món quà ngon nổi tiếng vào đó. Món bánh tôm Hồ Tây có lẽ không một người Hà Nội nào không từng ăn qua. Nó có mặt cả giữa thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu, nhưng chắc chắn không thể có nơi nào ngon bằng được ăn món đặc sản ấy ngay trên con tàu không bao giờ đắm, có bóng đa, gốc liễu và đầy sương đầy gió này.
Bột mì tốt, con tôm tươi mới đánh từ lòng Hồ Tây lên, thêm ít khoai lang thái chỉ cho thơm mùi khoai nướng, hương vị đồng quê, đem rán, chấm nước mắm dấm tỏi, chua cay, mặn ngọt, kèm thêm rau sống gồm rau muống chẻ nhỏ, xà lách ngắt ngắn, các loài rau gia vị như rau mùi, rau húng Láng, rau tía tô, rau ngổ ba lá... Chiều hè, lộng gió, bạn bè rủ nhau đi chơi mà tâm sự, những món ăn cầu kỳ, nặng nề là không cần thiết. Phải được hòa mình vào thiên nhiên trời đất, thì đường Thanh Niên này là món quà quý giá của trời cho. Ăn nhẹ nhàng, có đủ hương vị, không nặng bụng, lại hòa mình vào cây vào gió, có khi đang ăn mà một chiếc lá đa tinh nghịch sà ngay xuống mặt bàn, hay chạm vào vai thực khách như chiếc vỗ vai thân thiện.
Con trâu đi trong đời, từ trong đời đó đã đi vào huyền thoại. Con Trâu Vàng từ huyền thoại Hồ Tây nó trở lại với cuộc đời muôn vẻ rộn rã của thời đại mới.
Để thêm yêu mến Hà Nội, có khi ta phải bỏ ra hẳn một ngày mà đi vòng Hồ Tây qua những tên làng như niềm thơ, quay về đường Thanh Niên thưởng thức món quà dân dã nhưng khá ngon lành, đặc trưng Hà Nội, mới thỏa nỗi khao khát niềm tri kỷ với Thăng Long Hà Nội nghìn năm.
Nhà văn Băng Sơn
Theo VEN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét