Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Huyền ảo cây đa 13 gốc

“Cây đa, giếng nước” vốn là biểu tượng thân thuộc của mỗi làng quê Việt Nam. Cây đa thường được trồng ở đầu làng, đình, chùa, miếu… Tuy nhiên, cây đa ở xóm Trại, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) thật kỳ lạ, bởi xòe tán rộng, ngoài gốc chính còn có 12 gốc phụ phát triển từ nhánh thành gốc cây. Vì vậy, người dân địa phương quen gọi là cây đa 13 gốc.

Cây đa in bóng xuống mặt hồ 
                                                     
Xóm Trại bây giờ là khu dân cư đông đúc, nhưng ai tới đây vẫn có cảm giác mát mẻ, yên bình của làng quê. Bởi ngay đầu xóm là cây đa cổ thụ cành lá xòe rộng, in bóng xuống hồ nước ven đường. Chiều muộn, các cụ già và trẻ nhỏ thường dạo quanh khu vực cây đa để thưởng ngoạn không khí mát mẻ.
Cụ Nguyễn Đình Nhĩ, năm nay 90 tuổi nhưng vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn, kể: “Khi còn nhỏ, tôi đã thấy cây đa với 13 gốc sừng sững ở đầu làng. Ngay thời ấy, các cụ cao tuổi cũng không biết chính xác tuổi của cây. Sau này, một số nhà khoa học đến thăm đã đo đạc, đánh giá cây có thể gần 1000 tuổi”.
Theo lời các cụ cao tuổi trong làng, cây đa 13 gốc gắn bó, thân thuộc với người dân địa phương từ bao đời nay. Thời gian trước, khu vực xóm Trại là một làng quê nghèo sống bằng nghề làm ruộng. Sau này, cùng với quá trình đô thị hóa, xã Đằng Giang trở thành phường, làng quê trước đây giờ trở thành khu đô thị mới với nhà cửa san sát, dân cư quen dần với nếp sống đô thị.
Từ xa xưa, do vị trí cây đa ở đầu làng, có tán cây xòe rộng, tạo bóng mát, nên dân làng khi đi làm đồng về thường dừng lại nghỉ chân, uống nước. Ngày ấy, dưới gốc cây đa chỉ có miếu nhỏ bằng tranh tre. Theo quan niệm của người dân địa phương, dưới gốc đa thường thờ thần. Vì vậy, cây đa 13 gốc có miếu thờ đức Thổ Vượng, có công giúp dân làng khai khẩn đất đai, lập và giữ làng.
Ngày rằm, mồng một, dân làng thường ra miếu dưới gốc đa thắp hương, cầu mong may mắn. Bên gốc đa ngày ấy còn có người ăn mày chết đói. Vì vậy, dân làng khi đi làm đồng qua gốc đa cũng thường thắp hương lòng thành cầu khấn cho vong linh người xấu số siêu thoát.
Người dân xóm Trại cho biết cây đa 13 gốc có sức sống mãnh liệt. Cây chưa bao giờ sâu bệnh hoặc bị tàn phá bởi bất cứ nguyên nhân nào. Ông Phạm Đức Thiết, 76 tuổi, trưởng ban quản lý cảnh quan cây đa 13 gốc, cho biết: “Có lần bão to, gió lớn, cây đa chỉ bị dập lá, không hề bị gãy cành. Đặc biệt, trong những năm chiến tranh, giặc tàn phá nhiều nơi trong thành phố, nhưng cây đa 13 gốc vẫn nguyên vẹn. Sau này, trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, dân làng  chặt những cành lá nhỏ để giúp trận địa pháo ở Đồng Láng ngụy trang”.
Xác định cây đa 13 gốc là cây cổ thụ quý, phường Đằng Giang có quy định về việc bảo đảm an ninh, trật tự, nghiêm cấm hoạt động mê tín, dị đoan dưới gốc đa. Ngay cổng vào di tích cây đa 13 gốc là tấm biển có nội dung Ban tổ chức khu di tích yêu cầu nhân dân địa phương gìn giữ, bảo vệ cảnh quan khu vực, bảo đảm môi trường sạch đẹp. Dưới gốc đa được đặt nhiều ghế đá để khách tham quan có thể nghỉ ngơi, hóng mát. Địa phương đang làm hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây đa 13 gốc là cây di sản Việt Nam.
Một sự tích do người dân truyền miệng nhau bà chúa Năm Phương, ngự ở cây đa 13 gốc. Vì vậy, nhiều người dân trong và ngoài thành phố đến lễ ở đây, cầu may mắn, tài lộc… Các hàng quán tự phát mọc lên để phục vụ nhu cầu mua sắm lễ của người dân. Khi có khách, các chủ quán ùa ra chèo kéo, mời gọi,  gây mất trật tự, an ninh. Một số người còn cư xử thiếu lịch sự với khách đi lễ hoặc đến tham quan. Thi thoảng tại gốc đa có diễn ra hầu đồng, thường là lợi dụng những lúc vắng mặt ban quản lý di tích.
Hiện, cây đa 13 gốc trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong tua du lịch văn hóa tâm linh, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của một số người dân trong thành phố, đặc biệt vào dịp rằm, mồng 1, Tết… Song, để bảo tồn và gìn giữ cây quý này, thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt hơn các nội quy về bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực này đồng thời chấn chỉnh hoạt động tâm linh để tránh sự thái quá vào mê tín, hủ tục…
Theo Hải An (Hải Phòng Online)

Đến Đồ Sơn thăm “cụ Đa ông và cụ Đa bà”

2 cây đa cổ thụ búp đỏ, có niên đại hơn 200 tuổi. Do 2 cây đa được trồng cạnh nhau nên người dân nơi đây thường gọi là “Cụ Đa ông và Cụ Đa bà”. Đường kính thân mỗi cây là 1,6m, chu vi hơn 5m, cao khoảng 30m. Cây nhiều thân, đứng thẳng, cành vươn rộng trên diện tích khoảng 200m2.

Du lịch Đồ Sơn từ lâu trở nên quen thuộc với mỗi du khách. Tuy vậy, rất ít khách du lịch biết được hai cây đa trong khuôn viên biệt thự của Công ty cổ phần du lịch Đồ Sơn được Hội bảo vệ Tthiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận, vinh danh là cây di sản Việt Nam nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng lần thứ nhất năm 2012.
 
Đến khu 2 Đồ Sơn, du khách được chỉ dẫn vào khuôn viên rộng đối diện vơi khách sạn Hải Âu. Từ cổng nhìn vào, nổi bật hai cây đa nằm liền kề, tỏa bóng mát ở phía cuối công viên, lẫn trong “vườn” biệt thự với khoảng sân rộng, cây cối xen kẽ tạo không gian xanh lý tưởng để mỗi du khách thưởng ngoạn, thư giãn, hít thở không khí trong lành.

2 cây đa cổ thụ búp đỏ (tên khoa học là Ficus elastic), có niên đại hơn 200 tuổi. Do 2 cây đa được trồng cạnh nhau nên người dân nơi đây thường gọi là “Cụ Đa ông và Cụ Đa bà”. Đường kính thân mỗi cây là 1,6m, chu vi hơn 5m, cao khoảng 30m. Cây nhiều thân, đứng thẳng, cành vươn rộng trên diện tích khoảng 200m2.
 
Có những chi tiết khá thú vị liên quan đến lịch sử là, hai cây đa được trồng ở gần khu Biệt thự của Vua Bảo Đại. Gần đó có hầm tránh bom của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khoảng 50m). Đặc biệt, từ những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước là Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến nghỉ dưỡng, làm việc và soạn thảo Nghị quyết 15- mở đường Hồ Chí Minh trên biển, lập nên con đường huyền thoại: “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc.

Khách du lịch tham quan cây đa di sản.
Theo Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam, tính đến nay Việt Nam có 160 trong tổng số gần 300 cây cổ thụ đã được vinh danh công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”, trong đó Hải Phòng có 3 cây được vinh danh (trước đó là cây gạo hơn 700 năm tuổi ở Đền Mõ, xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy).
Hiện ở Đồ Sơn còn một số cây đa, cây cổ thụ hàng trăm tuổi ở khu vực Đảo Dấu và ngã 3 Bến Thốc cuối bãi biển khu 1 rất giá trị, trong tương lai gần rất có thể cũng được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xem xét công nhận cây di sản. Tất cả tạo nên chuỗi cây cổ thụ đẹp, tôn thêm giá trị điểm đến cho du lịch Đồ Sơn.

Để tạo nên khu du lịch, nghỉ mát, thư giãn lý tưởng cho du khách đến tham quan, Công ty cổ phần du lịch Đồ Sơn cải tạo khuôn viên biệt thự chung quanh hai cây đa, dựng biển giới thiệu về lịch sử và giá trị của hai cây đa. Một khoảng sân rộng trước hai cây đa với những hàng ghế ngồi dưới những tán cây xanh, đem lại không gian thư giãn lý tưởng cho du khách.
 
Ngoài hệ thống biệt thự liền kề, khi đến thăm, tìm hiểu giá trị hai cây đa di sản, du khách được thả bộ chung quanh khu biệt thự, leo lên đồi phía trước công viên để tham quan khu biệt thự Bảo Đại, Nam Phương với những câu chuyện thú vị liên quan đến vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Cũng nằm liền kề khu biệt thự và cây đa di sản, công viên Hoa Phượng gần ngã 3 Con Hươu mới được xây dựng, tạo không gian tổ chức các sự kiện, thư giãn, nhâm nhi ly cà phê sau hành trình tham quan các địa danh, biệt thự, cảnh đẹp của Đồ Sơn ở khu 2. 
 
Du khách có thể thả bộ dọc bãi biển khu 2, trước khi tắm biển vào buổi chiều tối. Bãi biển chỉ cách khu biệt thự và hai cây di sản khoảng 200m. Chuỗi điểm đến ở khu 2, trong đó nổi bật với hình ảnh hai cây đa di sản góp phần tăng giá trị thương hiệu cho du lịch Đồ Sơn, hướng đến Năm du lịch quốc gia 2013.
Theo Phạm Lượng (Hải Phòng Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét