Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Đi đâu cũng nhớ gié bò Tây Sơn


Anh chồng của bạn tôi quê gốc Tây Sơn, luôn hãnh diện vì không những đã đưa được một người con gái là dân thành phố về làm dâu quê mình, mà còn hãnh diện hơn, vì người con gái ấy rất thích một món đặc sản ở đây.
Đầu tiên là đi ăn rồi bắt chước và về nhà nấu. Ăn riết và nấu riết đâm ghiền. Ghiền đến mức, người chồng làm mọi cách để giảm bớt cường độ mà vẫn không được, đành phải “ngậm ngùi” viết nên hai câu thơ này:
Gié bò nấu với lá giang
Vợ ưa nấu miết, chồng chan miệt mài
Nguyên liệu để nấu món này ở bất cứ nơi nào cũng có, nhưng thử nấu xoong gié bò lá giang ở một nơi không phải là Tây Sơn, sẽ thấy không thể nào ngon bằng, dù cũng nguyên liệu đó, cách nấu đó, người nấu đó.

Tìm hiểu kỹ ra mới thấy cũng là cái vị chan chát, chua chua nhưng cái chua và chát ở bó lá giang Tây Sơn rất độc đáo. Cũng vậy, gié bò ở ngoài Tam Quan, An Nhơn đâu thiếu. Vậy mà gié bò ở Tây Sơn ăn ngon hơn hẳn.

Thêm nữa, cọng bún, cái bánh tráng gạo nướng để ăn kèm, ở Tây Sơn, cũng chẳng giống ở bất cứ nơi nào. Bởi đó gié bò nấu với lá giang mới được coi là đặc sản của Tây Sơn vậy.

Gié là phần ruột non của bộ lòng. Nó có vị đắng và chính cái vị này làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Tuy kêu là vậy nhưng khi nấu người ta nấu cả gié, lá sách, gan, cật...

Tôi đã để ý bạn tôi nấu và thấy cũng chẳng quá cầu kỳ. Lòng mua về phải làm sạch sẽ. Xát muối cho kỹ. Giã một ít gừng trộn trong rượu trắng ngâm một lúc, rồi rửa sạch lại. Để vào rổ cho ráo nước rồi mới ướp gia vị. Chế dầu ăn vô xoong, khi dầu nóng tới, bỏ hành vào phi cho thơm rồi mới đổ lòng bò vô, đảo cho thật đều và ngấm rồi hãy đổ nước.

Nước sôi một chặp thì bóp lá giang đã rửa sạch vô xoong và lo nêm nếm. Vậy là xong. Món này có thể thay canh trong bữa ăn hằng ngày. Có thể ăn với bún tươi. Có thể múc ra chén, bẻ bánh tráng nướng vô ăn cho no cũng rất tiện. Còn dân nhậu thì rất ưa thứ mồi nước này.

Để coi: Làm một hớp rượu Bàu Đá (vốn xuất xứ ở An Nhơn và rất nổi tiếng) nồng - cay - thơm rát rát cái cổ họng, húp một miếng gié bò lá giang và từ tốn thưởng thức cho hết cái đăng đắng của gié, cái bùi bùi của gan và cật, cái sần sật và dai dai của lá sách... quyện trong cái vị chát và chua của lá giang. Thật khó có món mồi nào ngon như thế, rẻ như thế và cũng bắt rượu như thế.

Sau khi biết nấu món này, thi thoảng tôi cũng trổ tài. Rút kinh nghiệm của bạn, tôi đâu có chịu nấu thường xuyên dù rất ghiền, và cũng bởi đó chồng tôi đâu có cơ hội để mà làm thơ!

Theo Đẹp

Dé bò Tây Sơn

Về Tây Sơn, đất võ nổi tiếng của anh em Quang Trung Nguyễn Huệ, bạn không thể bỏ qua những món ăn nổi tiếng: chim mía, cá lúi sông Côn và dé bò. Dé bò thì nhiều nơi có. Cái độc đáo, cái khác của dé bò Tây Sơn là cách chế biến: dé bò nấu lá dang.

Món dé bò dân dã chính hiệu Tây Sơn thường xuyên thu hút sự chú ý của mọi người. Ảnh: ĐÔNG A
Dé là ruột non nhưng món dé Tây Sơn bao hàm cả các thứ lòng chay, thêm huyết, lòng lá xách… Trong đó, lá dang là thứ không thể thiếu.
Cách làm khá đơn giản. Các thứ lòng chay cắt miếng vừa miếng, ướp gia vị: chút muối, tiêu, bột ngọt, hành. Vài tép sả đập dập thả vào nồi nước nấu. Nước sôi thả lá dang và phần dé đã ướp sôi bùng vài phút. Nêm cho vừa miệng. Là có món.
Bỏ giá sống vào tô rồi múc nước, dé. Rắc lên các thứ rau mùi xắt mỏng: ngổ, lá lốt, ngò tàu, rau răm, mấy lát ớt… Khi ăn phải có bánh tráng nướng.
Bạn múc ra chén, có nước có cái, bẻ bánh tráng vào là ăn. Vị ngọt mềm của mấy lát gan, tụy, thêm chút nhân nhẩn của dé, chút thơm các thứ rau mùi và giòn giòn rau giá, bánh tráng, nhất là tất cả cùng về hùa với lá dang chua chua, chất xin xít lưỡi của nước ruột dé làm nên một tổng phổ đủ cung bậc quyến rũ trên lưỡi.
Dé bò Tây Sơn. Ảnh: Internet
Người thích thêm vị đăng đắng thì yêu cầu bỏ vào tô mớ lát khổ qua. Đắng thêm nữa thêm đã có sẵn chén mật bò chủ quán để sẵn cứ gia vào theo khẩu vị của mình. Và dĩ nhiên, nước mắm gừng loang loãng. Bánh tráng cắn thêm cho rôm rả và trái ớt kim.
Đắng như có cái hậu ngọt, cay cay, thơm ngon vị bò và nhất là rất bổ dưỡng. Bạn chắc chắn sẽ yêu cầu kèm theo món ăn này xị rượu. Bốn người, tô dé, vài cái bánh tráng, vài xị rượu, tổng cộng hơn 30 ngàn là đủ cho 1 buổi chiều nào lai rai.
Ở Bình Định món dé bò Tây Sơn đã thành quen thuộc ngon miệng cả cho các bà xã chứ không riêng dân nhậu. Tại thị trấn Phú Phong nơi nào cũng có món đặc sản này.
Bạn về thăm Bảo tàng Quang Trung hay ngoạn thắng cảnh Hầm Hô, tháp Dương Long lúc nào cũng có thể dừng lại thưởng thức.
Ngay tại thành phố biển Quy Nhơn, bạn có các địa chỉ tin cậy: hẻm 70- Võ Mười “Dé bò rượu nóng” có tiếng, quán Hương Thủy ngả ba Tây Sơn - đường vào Đèo Son, cách nấu đúng rặc công thức… Thoải mái thưởng thức!
Theo Lê Hoài Lương (Bình Định Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét