Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Ngọt ngon cơm rượu nếp

Không chỉ Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) mà người dân nước ta nhiều nơi vẫn thường dùng cơm rượu nếp như một tập quán để bảo vệ sức khỏe

Hai nguyên liệu chính để chế biến cơm rượu nếp là gạo nếp và bánh men rượu đều có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Dùng xôi nếp ủ với một loại men (được chế từ gạo tấm, men giống, thuốc lên men làm từ nhiều loại thảo dược), sau một thời gian sẽ thành một loại thực phẩm ngọt thơm gọi là cơm rượu nếp và tiết ra một lượng rượu có nồng độ rượu.
Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.
Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, gạo nếp có vị ngọt, tính ấm, thơm, mềm, dẻo, tác dụng ích thận; trị đi tiểu ra chất nhờn, các chứng ẩu thổ, đau bụng, tì vị hư yếu, đi tả khát nước, thương hàn sốt nóng, phụ nữ sau khi sinh bị thiếu sữa…
Ngon nhất là loại cơm rượu làm từ gạo nếp cẩm (nếp than). Trong gạo nếp cẩm có chứa hàm lượng khá cao một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Gạo nếp cẩm chứa ít đường đồng thời có nhiều khoáng chất, chất xơ và vitamin E hơn gạo nếp thường.
Bánh men rượu có vị ngọt, tính ấm, không độc. Tác dụng làm khoan khoái trong lòng, khai vị, trừ đàm tích, giáng khí nghịch, tiêu hòn cục, kích thích tiêu hóa, chữa hoắc loạn (đau bụng, khi nóng khi lạnh có kèm tiêu chảy, nôn ói).
Dân ta còn dùng bánh men rượu cùng củ riềng tươi, hai thứ giã nhuyễn để chữa hắc lào hoặc kết hợp với phèn phi (tỉ lệ men rượu 5, phèn phi 1) tán bột mịn, xào với lòng trắng trứng gà xong vo thành viên nhỏ, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1-2 g, để chữa thủy thũng.
Khi làm cơm rượu nếp, sự kết hợp giữa xôi nếp và bánh men qua quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm ngọt, chất đường tăng lên, tính chất bổ dưỡng của món ăn này cũng được gia tăng. Do tác dụng làm ấm tì vị, thăng khí, trừ đàm, trừ thấp, nên món cơm rượu nếp dễ làm cho tinh thần chúng ta vui vẻ, phấn chấn, tăng sức đề kháng.
Cơm rượu nếp ngon nhất là loại được làm bằng gạo nếp cái, chỉ xay tróc vỏ trấu mà không giã tróc lớp cám bao quanh hạt gạo (còn gọi là nếp lứt, nếp lật). Khi ra cơm rượu nếp, các hạt có màu vàng như màu hoa ngâu. Nhiều nơi còn dùng xôi gấc để chế biến cơm rượu nếp gấc có màu đỏ đẹp mà giá trị dinh dưỡng cũng tăng thêm.
Lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét