Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Độc đáo lễ hội Cầu trâu ở Hương Nha – Phú Thọ

Cứ vào độ giêng hai, nhân dân xã Hương Nha (Tam Nông) lại nô nức mở hội Cầu trâu để tưởng nhớ vị tướng tài có công với dân với nước. Trong dịp lễ hội, người dân ở đây làm các loại bánh như: Bánh chưng, bánh dợm, bánh dầy để mời khách thập phương và coi ngày hội là ngày tết chính trong năm.

Tương truyền vào nửa đầu thế kỷ nhất sau công nguyên, khi hai bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc Đông Hán, ở châu Đại Man có người con gái tên gọi Xuân Nương tài sắc vẹn toàn, thùy mị, nết na, võ nghệ tinh thông, viết chữ và tính toán đều giỏi đến mức các bậc “tu my nam tử” cũng không ai sánh kịp. Xuân Nương còn công, dung, ngôn hạnh, tứ đức kiêm toàn. Người trong Châu đều khen nàng là bậc nữ anh hùng. Cha mẹ mất sớm, anh trai nàng bị tên Thái thú Tô Định sát hại, trong lòng căm giận lắm bèn chiêu tập binh mã nguyện báo thù cho anh. Nàng cắt tóc giả làm Ni sư đi đến các phủ, huyện tìm cảnh nhà chùa để chiêu tập binh hùng tướng mạnh. Tuy phận nữ, nhưng tài năng vượt chúng, trong thiên hạ không ai sánh kịp. Nàng luôn thiện tâm giúp kẻ yếu, phù trợ người nguy lấy lòng nhân làm phúc, nàng ở chùa Hương Nộn (Tam Nông) gần được một năm. Nhân dân trong vùng kính phục gọi nàng là bậc “Nữ trung hào kiệt khí tiết hơn người” coi đức của nàng như núi, như biển. Lúc bấy giờ, Bà Trưng dấy cờ khởi nghĩa đánh Tô Định mà chưa tìm được người con trai nào thao lược hơn tài. Cũng khi đó Trưng Vương nghe thấy Xuân Nương là bậc nữ trung hào kiệt có chí báo thù cho anh, hiện đang nuôi nhiều tướng sỹ trong nhà, tài danh lừng lẫy. Do vậy bèn lệnh cho Trưng Nhị truyền hịch nghênh đón Xuân Nương về cùng dốc lòng giúp nước, rửa thù chung. Khi tập hợp được hơn 1000 người, vào ngày 3/5, nàng đem hết binh hùng giao cho Trưng Nữ Vương. Trưng Nữ Vương ban cho nàng thống lĩnh quân nội thị nữ tốt bên tả, tức là quân Đông Phương và cải tên nàng là “Ả nương công chúa đệ bát vị” để tham gia vào việc chính sự.
Sau này khi Xuân Nương mất, nhân dân trong xã và dân các vùng lân cận về mở hội và tổ chức Lễ hội Cầu trâu để tưởng nhớ công đức của bà. Lễ hội Cầu trâu được tổ chức vào ngày 2 tháng giêng hàng năm để nhớ lại câu chuyện xưa nhân dân dâng trâu để Bà khao quân, khao tướng khi thắng trận trở về. Còn hội Hương Nha được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch. Đây là lễ hội thu hút hàng vạn khách thập phương cũng về tụ hội. Lễ hội Hương Nha được truyền như sau:
 “Mồng mười là hội Hương Nha
Mười hai Gia Dụ, mười ba hội Hiền”
Lễ hội Hương Nha được tổ chức đều đặn hàng năm để tưởng nhớ về công đức của nữ tướng Xuân Nương cùng các trò diễn xướng khi Bà tổ chức cùng binh lính. Đặc biệt là Lễ hội Cầu trâu được nhân dân chuẩn bị cẩn thận và chu đáo từ 20 tháng chạp dân làng đã họp bàn để chọn mua trâu. Trâu phải là trâu đực béo khỏe. Người được chọn nuôi trâu gọi là: “Chứa lềnh” chủ chứa lềnh nhất thiết phải ăn chay từ khi rước trâu về. Lán của trâu phải làm bằng vật liệu mới, mỗi buổi chiều chủ chứa lềnh phải đem trâu ra bến tắm sau đó tự tắm cho mình. Đến 7 giờ tối ngày 2 tháng giêng nhà chứa lềnh phải làm một cỗ gà và một cỗ chay gồm củ mài, mía ngọt, chè lam, chè kho và hoa quả cùng một hũ rượu mộng. Tối đến chủ tế và dân làng cùng 12 “ con chùa” (12 trai tân trẻ khỏe với 12 vồ để khảo trâu - cầu trâu) đến nhà chứa lềnh rước trâu ra đền Hạ (còn gọi là miếu thờ ông) nơi đây thờ thập bộ thần quan và những tướng sỹ khi nghe tin bà mất đã nhảy xuống hồ tuẫn tiết để tỏ lòng trung của bầy tôi. Trước khi làm lễ Cầu trâu người ta đốt bên cạnh cột buộc trâu 2 bó đuốc bằng nứa khô, sau đó nhà sát làm lễ mật xin khẩn âm dương rồi 12 con chùa múa, cúng trước cửa đền trước khi cầu trâu. Khi trâu ngã gục và chết nhà sát phải thử lửa vào bộ phận “sinh thực khí” là bộ phận nhạy cảm nhất của trâu xem trâu đã chết chưa, nếu chưa chết nhà sát cho các con chùa đánh tiếp đến khi trâu chết hẳn nhà sát mới được mổ. Khi trâu được lột da, người ta chôn 4 chiếc cọc rồi căng da trâu làm “nồi da nấu thịt” tái hiện việc mổ trâu khao quân của nữ tướng Xuân Nương xưa khi dân làng dâng trâu để bà khao quân. Người ta còn cắt 12 miếng thịt trâu ngon ở bắp làm 12 quả đài xinh để tế thần. Sáng ngày 3 âm lịch người dân tổ chức lễ “chạy chài”. Lễ gồm thịt và lòng trâu đặt trên mâm tre. Sau nhà sát đội ra bến Gềnh cúng lễ, trên đường đi lễ về người dân thi nhau tranh cướp lễ vật. Quan niệm từ xưa nếu ai cướp được lễ vật thì năm đó làm ăn phát đạt, con cháu thuận hòa gặp nhiều may mắn. Nhân dân Hương Nha còn có tục rước kiệu từ đình Thượng xuống đình Hạ, bến Lão Châu nơi xưa Xuân Nương thường tổ chức hội quân ở đây, ngày hội còn tổ chức vật thờ, chọi gà và đặc biệt trò bán “ngài” - Người nam giả nữ đi bán tằm thực chất trong đó là truyền dụ của Trưng Vương truyền cho Xuân Nương về dưới trướng dựng cờ khởi nghĩa. Những địa danh với tên làng, tên đất tên quê đã đi vào lịch sử với đình Thượng, miếu Bà, Giếng Ngự, Ao Săm, bến Láo Châu… vẫn còn những chứng tích một thời: Giếng Ngự xưa kia bà Xuân Nương thường tắm gội, chải tóc soi gương. Đình Thượng, đình Hạ, miếu Bà là nơi khi xưa bà bị thương chảy máu lênh láng, nhân dân đã lập đình, miếu để thờ. Còn bến Lão Châu khi xưa nữ tướng Xuân Nương thường hội quân ở đó.
Ngược dòng lịch sử về với Hương Nha để nhớ một thời oai hùng oanh liệt cùng với lễ hội Cầu trâu đặc sắc, độc đáo ít nơi có được để nhớ về một vị tướng tài kiệt chúng sống mãi trong lòng dân và thời đại. Tên tuổi của Bà còn khắc mãi trong nhân gian, trong từng bia đá, sắc phong, hoành phi câu đối:
Tiếng tăm khí tiết lưu muôn thuở
Sắc áo ban phong trải khắp triều.
Hiện nay khu di tích:Đền, miếu Hạ của Hương Nha còn lưu giữ được hàng trăm hiện vật quý giá với lịch sử thờ nữ tướng Xuân Nương, đặc biệt có một cuốn ngọc phả viết năm 1572 và một cuốn sao lại sắc phong các triều đại và 3 sắc phong thời Nguyễn.
Nguồn : báo Phú Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét