Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Làng cổ Đông Hòa Hiệp


Làng cổ Đông Hòa Hiệp ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nổi tiếng với phong cảnh hữu tình nhờ có con sông Cái Bè bao quanh, cùng với hình ảnh những ngôi nhà cổ nằm ẩn mình thơ mộng giữa những vườn cây trái suốt bốn mùa xanh tươi, trĩu quả.

Cùng với làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Phước Tích ở Huế, làng Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Không giống cách bố trí nhà san sát như ở làng cổ Đường Lâm và làng cổ Phước Tích, làng cổ Đông Hòa Hiệp có một khung cảnh nên thơ, thoáng đãng với những ngôi nhà cổ nằm thấp thoáng giữa những vườn cây trái rộng xanh tươi được bao bọc bởi con sông Cái Bè hiền hòa. Đến đây du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh đẹp bình yên của làng bằng cách đi xuồng trên sông hoặc đi bộ men theo những con đường len lỏi giữa các vườn cây rợp bóng.
Một trong những điểm ấn tượng đối với du khách khi đến với làng cổ Đông Hòa Hiệp là hình ảnh của những ngôi nhà cổ mang đậm phong cách nhà vườn Nam Bộ có tuổi đời khoảng 150 năm.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức ở làng Đông Hòa Hiệp.

Nội thất ngôi nhà được bài trí theo phong cách truyền thống.


Gian thờ được chạm trổ tinh vi, cầu kì.

Du khách nước ngoài tham quan một ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp.

Bộ tủ và đồ trang trí khảm trai quý giá.

Một bộ đèn dầu có từ thời Pháp.

Tủ đựng các đồ gốm sứ cổ.

Du khách tnước ngoài ham quan ngôi nhà cổ ông Trần Tuấn Kiệt.

Nét duyên dáng của thiếu nữ làng cổ Đông Hòa Hiệp
.
Ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp nằm ẩn mình giữa một vườn cây ăn trái rộng 1,8 ha. Ngôi nhà 5 gian, rộng gần 1000 mét vuông với 108 cây cột làm bằng loại gỗ căm xe quý hiếm. Nhà được xây vào khoảng năm 1838. Trải qua gần 200 năm nhưng ngôi nhà vẫn còn như nguyên vẹn. Trên các vì kèo, ô cửa, bao lan… bằng gỗ người ta thấy có nhiều hình chạm khắc theo mô típ tùng, cúc, trúc, mai rất tinh tế và điêu luyện. Ngoài ra, trong nhà vẫn còn giữ được nhiều bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm.
Bà Lê Thị Chính, vợ của ông Trần Tuấn Kiệt cho biết, thời xưa, ông cố của chồng bà là quan tri huyện, là người rất thích chơi đồ cổ nên đã thuê thợ giỏi từ ngoài kinh đô Huế vào dựng mất mấy năm trời mới xong ngôi nhà này và ông cũng đã bỏ rất nhiều tiền của để sưu tầm được rất nhiều đồ cổ quý hiếm. Năm 2002, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ hơn 1,8 tỉ đồng để sửa chữa lại ngôi nhà này, đồng thời cử một nữ kiến trúc sư người Nhật đến ăn ở tại chỗ để giám sát công việc trong hơn 6 tháng liền. Nhờ đó, các chuyên gia Nhật Bản đã phục chế được toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong nhà theo đúng nguyên bản như xưa.
Ngôi nhà cổ thứ hai của làng Đông Hòa Hiệp được nhiều du khách viếng thăm là nhà của ông Phan Văn Đức. Nhà xây vào năm 1850, có lối kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Nếu như mặt tiền của ngôi nhà được xây theo kiểu Pháp với những hàng cột tròn, mái vòm uốn cong đầy lãng mạn, thì bên trong nội thất lại là một không gian kiến trúc thuần Việt. Hiện trong nhà vẫn còn lưu giữ được nhiều vật dụng quý và đẹp cho thấy một thú chơi phong lưu, tao nhã của những gia đình giàu có ở Nam Bộ xưa kia.
Hiện nay, làng cổ Đông Hòa Hiệp đang là một điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ước tính trung bình mỗi năm, làng đón khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan. Đặc biệt, lượng khách nước ngoài đến đây ngày càng tăng./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Đông Hòa Hiệp - vùng đất của du lịch cộng đồng

Làng Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nằm ở trung tâm du lịch huyện Cái Bè, có các ngôi nhà cổ, những vườn trái cây đa dạng..., là địa điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng.

Tuy người dân trong làng có kinh nghiệm làm du lịch song để du lịch cộng đồng nơi đây phát triển không lệch hướng, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Lợi thế về “địa lợi-nhân hòa”

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, làng cổ Đông Hòa Hiệp, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có vườn cây trái sông nước mênh mông.

Các nhà cổ không liên kết nhau tạo thành một phố như làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng Phước Tích (Huế) mà cách nhau bởi những vườn cây ăn trái xanh tươi quanh năm.

Bên cạnh đó, phát triển làng cổ không thể tách rời các làng nghề truyền thống làm cốm, tráng bánh, cán bánh phồng sữa vì đây là hình thức sản xuất đặc trưng của người Nam Bộ cũng như người làng Đông Hòa Hiệp. Cùng với đó, các lợi thế về địa hình để khai thác du lịch lại không bị phân tán mỗi sản phẩm ở một nơi khác nhau nên phát triển du lịch cộng đồng nơi đây có khác so với những nơi khác.

Tham quan chợ nổi Cái Bè lúc trời vừa hửng sáng, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng cảnh các đoàn thuyền ăm ắp hàng hóa ra vào nhộn nhịp. Chợ được biết đến như trạm trung chuyển lớn đến các tỉnh miền Tây và miền Đông, hình thành từ thời nhà Nguyễn.

Ngày nay, chợ nổi Cái Bè trở thành một trong những chợ đầu mối trái cây lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Khi những tia nắng bắt đầu rọi xuống mặt sông, cũng là lúc chúng tôi đặt chân đến các điểm tham quan trong làng cổ.

Các đơn vị lữ hành đã liên kết với các hộ dân là những người thợ lành nghề trong làng, hình thành nên các điểm tham quan thú vị. Vừa thưởng thức ly mật ong ngọt lịm thơm mùi nhãn chúng tôi được nghe anh Đồng Văn Tuấn (thợ nuôi ong) thuyết minh về cách nuôi ong.

Anh tâm sự tận dụng các vườn cây ăn trái, cư dân vùng này từ xa xưa đã biết cách nuôi ong lấy mật. Nhờ sự đa dạng các loại cây ăn trái, mùa nào trái ấy, hương vị mật ong trong vùng cũng thay đổi theo mùa. Đó chính là điểm thú vị của mật ong vùng này. Nhận thấy có thể quảng bá sản phẩm mật ong của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư làm du lịch, kết hợp bán mật ong cho khách, thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể. Niềm vui nhân đôi khi thương hiệu mật ong của anh được nhiều người biết đến, tìm mua với số lượng lớn.

Ghé qua địa điểm tráng bánh, chúng tôi được đóng vai những người thợ “không chuyên” khi được tham gia tráng bánh cùng dì Bảy (tên thật Trương Thị Nơi, 52 tuổi). Nhiệt tình chỉ cho chúng tôi cách pha bột gạo để tráng bánh, dì Bảy chia sẻ: Bánh tráng Cái Bè nổi tiếng vừa mỏng, vừa giữ được độ dai, nguyên liệu từ gạo ngon không pha lẫn bột mì. Lúc phơi nắng phải thường xuyên khoát nước lên mặt bánh để bánh không bị giòn. Đây là nghề truyền thống của nhiều nhà trong vùng.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, dì vừa là người thợ, vừa là “thầy” tận tình chỉ dạy cho những ai muốn học. Không giấu được sự ngạc nhiên khi nhìn thấy dì Bảy tráng bánh, anh Trương Thanh Long (Việt kiều Thụy Sĩ) cho biết: "Tôi đã đi du lịch nhiều nơi ở Việt Nam, danh lam thắng cảnh nào cũng đã đặt chân tới nhưng tôi vẫn muốn đi sâu tìm hiểu văn hóa của người Việt tại những làng quê yên bình như thế này."

Làn gió mát thổi từ sông xua tan đi cái nóng buổi trưa Hè. Sải bước dưới những tán lá cây xum xuê mát mát rượi, vài phút sau chúng tôi đã có mặt tại một trong số ngôi nhà cổ tại đây.

Khác nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt với kiến trúc đặc trưng của người Nam Bộ, nhà cổ của ông Ba Đức (tức Phan Văn Đức, đời thứ 6 của gia tộc họ Phan) có lối kiến trúc hài hòa, kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Xây dựng từ năm 1850, trong nhà vẫn còn giữ tủ gỗ, bộ bàn ghế bằng gỗ lim có từ năm 1924.

Theo ông Đức, có được những vật dụng quý này, người xưa về tận Huế, thuê thợ tại đây trạm trổ sau đó vận chuyển từng tấm gỗ bằng đường sông về tới đây mới cho ghép lại. Sưu tầm đồ gỗ với hoa văn lạ cầu kỳ, đó là kiểu “giải trí” của những gia đình giàu có thời xưa.

Sau khi tham quan toàn bộ ngôi nhà cổ, anh Nick Giordano - người Mỹ nhận xét: "Tôi thích tìm hiểu nghiên cứu văn hóa lịch sử người Việt Nam thông qua hình thức du lịch này hơn vào tham quan các bảo tàng vì tôi được trò chuyện trực tiếp với người dân, được sờ vào các hiện vật chân thật mà không phải bảo tàng nào cũng có thể lưu giữ. Người dân làng Đông Hòa Hiệp hiền hòa, hiếu khách đôn hậu, có kinh nghiệm và mạnh đầu tư làm du lịch, đó cũng chính là lợi thế về nhân hòa để thu hút bà con chung tay phát triển du lịch địa phương."

Người dân chưa thật sự hưởng lợi từ du lịch

Trung bình hàng năm có khoảng 100.000 lượt khách đến làng Đông Hòa Hiệp, trong đó hơn 90 % khách tham quan các làng nghề, khoảng 50% khách tham quan nhà cổ. Từ nhiều năm trước, làng Đông Hòa Hiệp đã khai thác du lịch nhưng chủ yếu mang tính tự phát, các hộ dân tự liên kết với các công ty du lịch hình thành nên sản phẩm du lịch theo yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của khách tham quan. Chính vì vậy, có hộ dân giàu lên nhờ biết cách kinh doanh, có hộ lại “thất thu”, số khác chưa có điều kiện tham gia làm du lịch.

Từ năm 1995, ông Ba Đức đã tận dụng nhà mình, khai thác hình thức du lịch Homestay (khách du lịch cùng ăn nghỉ tại nhà dân, tham gia các công việc gia đình cũng như các lễ hội của địa phương). Nhận thấy du khách đến và có nhu cầu ở lại ngày càng tăng (có ngày hơn 600 lượt khách), ông đã bỏ hơn vài tỷ đồng để xây thêm các khu vực phục vụ ăn uống ngay tại vườn để du khách có thể thưởng thức ẩm thực Nam Bộ. Ông cũng xây thêm các phòng nghỉ để những du khách muốn trải nghiệm nếp sống giản dị của người dân thôn quê có thể ở lại.

Để có được cơ ngơi như vậy, ông Ba Đức đã bỏ ra nhiều thời gian công sức tìm hiểu thông tin, nghiên cứu cách làm du lịch theo hình thức này ở nhiều nơi. Ông cũng tự liên kết với các công ty du lịch để đón khách. Nhờ nguồn thu từ vườn trái cây, từ làm du lịch, đến nay ông đã trở thành tỷ phú miệt vườn. Gia đình ông là một trong số ít những hộ giàu lên nhờ du lịch.

Các công ty du lịch chỉ trả chi phí trà nước cho các điểm liên kết, những chi phí khác (chi phí nguyên liệu làm ra sản phẩm cho khách xem, chi phí vận chuyển nhiên liệu đốt, công sức…) người dân tự trang trải. Thu nhập từ việc tham gia kinh doanh du lịch thấp, dẫn tới người dân làm các nghề truyền thống không tha thiết với việc làm du lịch.

Dì Bảy trăn trở, đối với những nghề thủ công như làm cốm, tráng bánh tráng, bánh phồng sữa…khách du lịch chỉ tới tham quan, ít khi mua sản phẩm. Hầu hết, người dân phải tự tìm đầu mối tiêu thụ những sản phẩm đã làm cho du khách tham quan nhưng đây là những sản phẩm riêng lẻ, lượng tiêu thụ thấp. Vào mùa mưa không có nắng để phơi bánh, nếu là hộ dân không làm du lịch họ sẽ tạm ngưng công việc hoặc chỉ tráng bánh với số lượng ít hơn mùa nắng. Song những hộ làm du lịch lại không thể tự điều tiết sản phẩm làm ra, cứ có khách vào họ phải tráng bánh cho khách xem. Bánh phơi gió lại không ngon, chất lượng bánh giảm, giá thấp hơn trong khi giá nguyên liệu lại tăng. Thậm chí có ngày bánh làm ra không kịp phơi phải bỏ. Người dân không thể có lời.

Ông Nguyễn Văn Liêm, hộ dân làm bánh phồng sữa cho biết thêm, cách đây hai năm, gia đình ông cũng mướn mặt bằng gần bờ sông kết hợp du lịch nhưng buôn bán ế ẩm. Sau đó, ông quyết định mở xưởng sản xuất tại nhà, làm ăn lại có lời hơn hẳn. Một tháng ông thu về hơn 10 triệu đồng sau khi đã trừ hết các chi phí khác.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cái Bè cho rằng sự phân chia lợi nhuận không cân bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân tham gia du lịch. Bà con chưa thực sự được hưởng lợi từ du lịch là nguyên nhân làm cho người dân “quay lưng” với du lịch”.

Làng Đông Hòa Hiệp có 6 ấp với hơn 3.000 hộ sinh sống dựa vào vườn, vào các nghề thủ công truyền thống, trong đó có hơn 8 ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm. Thế nhưng, số hộ tư nhân các làng nghề làm du lịch chưa nhiều, chỉ có hai ngôi nhà cổ đang được khai thác du lịch.

Muốn phát triển du lịch tại làng, biến tiềm năng thành thực tế, cần sự tham gia của cộng đồng. Hiện tại, huyện Cái Bè đang tập trung tuyên truyền về lợi ích khi tham gia làm du lịch, kêu gọi người dân cùng tham gia đóng góp xây dựng giao thông, giữ gìn cảnh quan môi trường, thiết lập nhóm du lịch dựa vào cộng, đồng góp phần cho sự tăng trưởng nông nghiệp của làng…

Đây là những bước làm ban đầu nằm trong “Dự án hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua Du lịch di sản” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ quản, tiến hành từ năm 2011-2013 tại làng Đông Hòa Hiệp, làng cổ Đường Lâm, làng Phước Tích. Với những hướng đi đúng đắn, vững chắc, thời gian tới du lịch cộng đồng tại làng Đông Hòa Hiệp sẽ tiếp tục khởi sắc./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Thăm chợ Cái Bè


(iHay) “Hiếm có một làng giữa vùng sông nước còn giữ được nhiều nhà cổ bên những vườn cây trái sum suê như Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang” - đó là lời chia sẻ của một du khách nước ngoài đã quay lại Việt Nam nhiều lần để tham quan các tỉnh miền Tây Nam bộ.



 Thăm chợ Cái Bè
Tàu lấy hàng từ chợ Cái Bè trên bờ để chuẩn bị đưa ra bán ở chợ nổi

Chợ đầu mối dưới sông, trên bờ

So với chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè có lợi thế là nằm ở đoạn sông Tiền giáp với ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre - đều là những tỉnh trồng nhiều cây ăn trái và rau củ, lại gắn với chợ đầu mối trên bờ rất nhộn nhịp.
Sau hơn hai tiếng đi xe máy, chúng tôi tới trung tâm thị trấn Cái Bè lúc 8 giờ sáng. Chương trình tour được lên trong một quán cơm tấm bình dân. Chị chủ quán nhiệt tình giới thiệu những điểm mà chị thấy khách nước ngoài hay đi, nhưng trước tiên chị hối: “Nếu muốn xem chợ nổi Cái Bè thì đi ngay kẻo chợ tan, còn muốn mua trái cây thì vào chợ trên bờ, giá rẻ”. Chị giải thích ở Cái Bè chợ nổi trên sông hay chợ trên bờ đều là chợ đầu mối.
Qua cầu Cái Bè, chúng tôi thuê thuyền du lịch ra chợ nổi. Hai người chúng tôi ghép với một nhóm bốn khách nữa thuê một chiếc thuyền nhỏ loại dành cho 10 khách.
Theo những chủ ghe thương hồ, chợ nổi Cái Bè là một trong hai chợ nổi còn “sung” nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở chợ nổi Cái Bè, du khách cũng nhận ra nét đặc trưng chung của chợ nổi ĐBSCL là trên mỗi ghe, tàu đều có cắm cây sào treo món hàng mà người ta muốn mua hoặc bán.
Du khách nước ngoài không chỉ thích đi chợ nổi mà còn thích đạp xe đi xem cảnh buôn bán của các vựa trái cây ở chợ đầu mối Cái Bè. Chợ đầu mối này lưu thông hàng hai chiều: đưa trái cây, rau củ ở các tỉnh ĐBSCL đi ngược lên TP.HCM ra đến miền Trung, miền Bắc theo đường bộ; đưa trái cây, rau củ quả nơi khác về để các ghe, tàu lấy hàng chuẩn bị đưa xuống chợ nổi ngày hôm sau.
Vào làng cổ Đông Hòa Hiệp
Ban đầu, chúng tôi dự định chỉ thuê tàu đi chợ nổi và thêm một quãng sông ngắm vườn trái cây, còn vào làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp thì tự đi bằng xe máy. Thế nhưng, chúng tôi được tư vấn rằng đi xe máy rất bất tiện vì những nhà cổ chỉ tiếp khách do các công ty du lịch đưa đến. Một chuyến tàu đi chợ nổi rồi đưa đến làng Đông Hòa Hiệp chỉ thu thêm 10.000 đồng/khách khi vào tham quan một nhà cổ.
Tàu dừng ở một bến sông khung cảnh êm đềm ở ấp An Lợi. Đứng ở đây, chúng tôi ngắm một góc đường làng uốn lượn rồi chạy ngang trước bờ rào dài, thấp thoáng bên trong là một vườn kiểng và ngôi nhà cổ. Ông Phan Văn Đức (Ba Đức) - chủ nhân ngôi nhà - niềm nở đón khách và đích thân thuyết minh cho chúng tôi nghe về ngôi nhà được xây dựng từ năm 1850, ông là đời thứ sáu gìn giữ. Ông cho biết mới đầu nhà được cất theo kiểu nhà Nam bộ. Năm 1938, ông cố của ông Đức sửa lại nhà, kết hợp kiến trúc phương Tây vào nhà, bỏ vách ván, xây tường. Mặt tiền ngôi nhà được bao bởi một hàng khung vòm được nâng đỡ bằng những cột tròn phía trước hành lang, đầu mỗi cột có hình điêu khắc hoa văn kiểu phương Tây. Bên trong, chính giữa gian nhà trước (còn gọi là nhà thờ) có bốn cột tròn bằng gỗ căm xe từ thuở ngôi nhà được xây như chứng minh sự lâu đời của ngôi nhà. Trong nhà của ông Ba Đức lưu giữ nhiều vật dụng quý, cho thấy đây là một gia đình giàu có ở Nam bộ xưa. Ba bộ tủ thờ cẩn ốc xà cừ, các cặp liễn, hoành phi, bao lam, diềm cửa đều được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Bên cạnh bộ tủ thờ bên tay phải, có một kệ đặt chiếc hộp gỗ cẩn hình rồng, bên trong có bản “Sắc phong thần” được vua Tự Đức ban cho làng Đông Hòa Hiệp, dòng họ Phan được giao cất giữ.
Nhà ông Ba Đức có gần 2 ha vườn cây ăn trái, khách nước ngoài rất thích đến nghỉ dưỡng (hình thức homestay), có người ở cả tháng. Du khách đến ở lại ngày càng tăng nên ông phải xây thêm khu phòng ngủ đầy đủ tiện nghi để đáp ứng khách nghỉ dưỡng. Tầng trên khu phòng ngủ, ông làm sân thượng cho khách lên đó ngắm bình minh và hoàng hôn. Thật là một nhà vườn lãng mạn và biết truyền cảm hứng cho khách khi về thăm vùng sông nước miệt vườn Nam bộ.
Rời nhà ông Ba Đức, chúng tôi theo đường làng qua ấp Phú Hòa để đến nhà cổ ông Kiệt, trên đường thấy mấy khách nước ngoài hào hứng chạy xe đạp đi chơi làng cổ.  Mùi nhãn sấy thơm lừng từ vài nhà có lò sấy nhãn. Nhà cổ ông Kiệt của dòng họ Trần tại Cái Bè nổi tiếng độc đáo vì toàn bằng gỗ. Căn nhà rộng gần 1.000 m2, gồm 5 gian làm bằng gỗ quý như lim, bằng lăng, cẩm lai, dựng theo hình chữ đinh với 108 cột gỗ. Mái của căn nhà được lợp ngói âm dương. Các hoa văn chạm khắc trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam bộ. Vách bao quanh căn nhà gồm những thanh gỗ vuông dựng xéo, kiểu dựng này giúp lấy ánh sáng, gió từ ngoài vào và người trong nhà dễ quan sát ra bên ngoài. Căn nhà đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ trùng tu năm 2002 vì đánh giá là nhà cổ Nam bộ tiêu biểu nhất và được gìn giữ gần như nguyên vẹn sau hơn 160 năm xây dựng. Điều làm chúng tôi thích thú là những người đang gìn giữ ngôi nhà cổ này vẫn giữ được lối sinh hoạt dân dã, bình dị như hình ảnh hàng lu sau nhà chứa nước mưa, giàn phơi chén đĩa lấy ánh nắng mặt trời làm khô và sát trùng, khi làm tiệc, các cô, các bà ngồi trên chiếc phản...
Ở đây còn đến sáu ngôi nhà cổ cũng được xếp vào hàng “đại mỹ gia” và được JICA hỗ trợ trùng tu, gìn giữ trong dự án “Phát triển du lịch cộng đồng thông qua di sản văn hóa ở làng Đông Hòa Hiệp”.
Bài & ảnh: Các Ngọc


Làng cổ Đông Hòa Hiệp:

Sự giao thoa của kiến trúc Đông - Tây


Dù đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng các ngôi nhà cổ ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vẫn được gìn giữ vẹn nguyên giá trị ban đầu.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp hiện có 36 ngôi nhà cổ được xây dựng cách đây từ 80 đến 220 năm. Với những giá trị to lớn về văn hóa và kiến trúc, Làng cổ Đông Hòa Hiệp vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 2017.
Thực hiện: Nhóm Phóng viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét