Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Quà sáng...


(VITINFO)--Dạo một vòng, đặc biệt vào mỗi dịp cuối tuần. Ta thừa đủ lý do để tìm riêng cho mình một bữa sáng đặc biệt.
Bánh cuốn
 

Bánh cuốn Thanh Trì, những chiếc bánh mỏng tang, trắng muốt, nỏng hổi được lấy nhẹ nhàng từ bếp ra. Chị bán hàng tay nhanh thoăn thoắt với chiếc kéo nhỏ đã làm cho đĩa bánh trở nên hấp dẫn,,.rõ từng lớp bánh cuốn tráng mỏng như giấy. Bánh được ăn với thứ nước chấm đặc trưng cho từng người bán bánh riêng, có thể ăn kèm chả quế, chả lụa hoặc đậu rán và rau mùi.
 Mỳ vằn thắn
Mỳ vằn thắn đã theo bước chân di dân của người Quảng Đông sang Việt Nam từ trước những năm 1930 và được các chủ quán khéo léo chế biến cho hợp với khẩu vị của người Việt.
 
Bát mỳ có mùi thơm của thịt, nấm hương, cải cúc, nước dùng, lại có vị bùi của gan lợn, ngọt mát của trứng luộc, cái sần sật của bóng thủ và nấm hương, có cái mềm và dẻo của vằn thắn... Cả bấy nhiêu thứ mùi và vị ấy hợp lại làm nảy sinh những mùi vị vô cùng phong phú và đặc trưng. Gia vị chỉ cần ít hạt tiêu là đủ, rau thơm chỉ cần lá hẹ.
 Bún riêu cua
Bún riêu cua được coi là một thứ quà sáng bình dân của người Hà thành. Bún riêu có vị ngọt đậm, dôn dốt chua, phảng phất mùi cua đồng.
 Để làm bún riêu cua ngon, cua phải được giã bằng tay, váng thịt cua mới mềm, mịn, và giữ được mùi vị đặc trưng. Nếu đem xay cua bằng máy xay, coi như nồi nước dùng bị giảm vị ngon đến 50%, váng thịt cua thường bị xốp, sạn.
 
Bún rối được trần nóng bằng nước sôi lăn tăn, chan riêu cua ngập bún, ăn nóng cùng ớt bột trưng mỡ và rau diếp. Bên cạnh đó, nồi nước dùng thật ngon cũng rất quan trọng. Nước cua đun lửa sao cho váng thịt cua nổi dần trên mặt nước, nêm vừa mắm muối, cho mẻ, quả dọc, cà chua vào đun sôi lăn tăn. Rắc hành hoa và rưới gạch cua trưng lên trên.
Phở
Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon.
Phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò, nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả, rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ.
Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: "Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối.
Bún Ốc
Theo các cụ già trong xóm Quảng Khánh (Quảng An - Tây Hồ) thì bún ốc của vùng này có lẽ xuất hiện từ khi dân làng xây phủ thờ Bà chúa Liễu Hạnh. Ốc Tây Hồ nhiều và ngon lắm, nhất là từ tháng giêng có mưa xuân, ốc đã béo và thời điểm đó cũng là lúc khách thập phương về phủ thắp hương Bà chúa Liễu. 
 
Phải chọn loại ốc quế, con ốc to trung bình, màu vỏ óng vàng, béo tròn, miệng đầy. Giữ được ốc tươi lâu mà vẫn có được độ béo. Có khách ăn mới đổ ốc vào chảo để chiên mỡ cho vừa chín tới, vừa dậy mùi thơm, vừa mềm thịt... Tuyệt đối không được để lọt một tý nào phần thịt thâm cuối của ốc và phần ốc đang có trứng.
Nước dùng phải là nước sạch đã qua lọc cẩn thận, không được lấy nước trực tiếp từ giếng khơi. Nước dùng càng trong càng ngon. Pha chế và cho gia vị cũng như các loại rau như lá lốt, xương sông, hành, răm, tía tô, húng Láng... cũng không được quá tiết kiệm.
Chọn loại bún Phú Đô thứ thiệt kèm theo một số dược thảo chỉ riêng vùng này mới biết để bún ốc thơm ngon, ăn một lần rồi nhớ mãi.
Cũng đơn giản chỉ là một bữa sáng, sao cầu kỳ và đáng yêu đến thế. 


Hương Giang (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét