Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Tục ăn đất và những trăn trở...

 
Vị đất béo bùi như miếng gan lợn.
Đến Vĩnh Phúc, ngoài những danh thắng như Tam Đảo, Tây Thiên, Đầm Vạc... còn có Lập Thạch, nơi khiến du khách ngạc nhiên với món ngon người ta trịnh trọng mời nhau để mở đầu câu chuyện:"đất". Món đất nướng này có vị bùi giống gan lợn.
 Người dân Lập Thạch quý nhau tặng nhau món đất hun gói trong lá chuối.  Tục ăn đất này đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Với chị em phụ nữ thai nghén thì đây là món ăn không thể thiếu.
Món đất đi vào ẩm thực của nơi này từ bao giờ không ai còn nhớ, chỉ biết khi sinh ra và lớn lên, người Lập Thạch đã quen với mùi thơm nồng của lá sim, của cỏ tế quyện trong hương đất nồng nàn. Ăn đất được mô tả giống như ăn gan lợn, ngon, thơm và bùi...
Trước khi vào mâm cơm, có người làm miếng đất cho thỏa cơn thèm rồi mới ăn cơm. Đi làm đồng, người ta mang theo đất để ăn ngoài ruộng, lúc ở nhà đất để ở đầu giường cho tiện lúc thèm ban đêm.
 Ngày nay, món đất đặc sản này vẫn được bán ở chợ Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Dương, Yên Lạc... Những miếng đất được đựng trong chiếc rổ con con, ngày chợ đông thì đất là món “cháy hàng”.
Đất để ăn không phải cứ xắn ở ngoài vườn về là dùng được, thứ đất được ưa chuộng phải mềm mịn, không có sạn, nặng mùi bùn và có màu xám tro pha nâu đỏ. Người ta đào đất về rồi xắn ra thành miếng nhỏ khoảng 4-5mm, to cỡ hai, ba đốt ngón tay, đem phơi khô, nắng và gió làm cho đất đổi sang màu xám trắng.
Để ăn được, đất phải được hun bằng lá cây tươi có mùi thơm và nhiều dầu, dễ cháy. Cỏ tế, lá chè và cây sim là những loại cây đem lại cho đất mùi thơm đặc biệt nhất. Sau khi phơi khô, đất được xếp trên một giàn làm bằng gỗ và đan dây leo, bên dưới là một cái hố tròn, nông được đào để xếp cỏ và hun đất. Khi cỏ cây cháy hết cũng là lúc những miếng đất trên giàn đổi sang màu vàng sẫm, mùi khét thơm của khói quyện vào đất tạo nên một mùi hương rất khó tả.
Tất nhiên thứ quà quê độc đáo chỉ có ở vùng quê trung du Bắc bộ này nếu không quen bạn sẽ khó lòng nếm thử. Còn thói quen ăn đất của người dân nơi đây vẫn là một bí ẩn dành cho các nhà nghiên cứu.
Cả làng sống nhờ... đất nướng
Cụ Nguyễn Thị Lạc, 81 tuổi - người thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc là người đã trực tiếp ăn đất, đào đất, bán đất mấy chục năm nay ở quê của mình.
 Bà Lạc đang nướng đất tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Theo bà Lạc thì ở quê bà có nhiều người bị nghiện loại "kẹo này" trong đó có bà. Không chỉ có đàn bà thích ăn mà cả nhiều đàn ông cũng rất thích ăn, có bà đi làm giúp việc ở Hà Nội cũng phải mang đi dữ trữ để ăn dần.  Có bà thường giắt vào cạp váy, cạp quần đem theo ra ruộng ăn, ở nhà để trên đầu giường, ăn đêm, ăn ngày... có bà bị chồng cấm, bị đánh nên phải ăn vụng, đêm chốn chồng ra đào đất về ăn, có bà ăn nhưng sợ nhanh hết phải để ở nhiều nơi để ăn dần. Có ông đi bán sợ nhất gặp chị em phụ nữ mang thai đi qua vì họ sẽ bốc và ăn lấy ăn để mà không thể làm gì được họ.
Cụ còn nhớ những ngày cuộc sống khốn khó, nó riết lấy cái vùng heo hút này. Ngọn đồi nơi cụ Lạc đang sống bấy giờ chỉ là “đồi cây, đồi trọc”, có đúng ba nhà ở ba phía của quả đồi. Mãi sau này đổi mới, rồi khoán 10, được chia ruộng, cán bộ về, thị trấn được thành lập, dân cư mới đông đúc hơn. Cuộc sống thay đổi chóng mặt, phố xá tấp nập, nhà cửa san sát. Riêng ngọn đồi ấy bây giờ đã ngót năm chục nóc nhà.
Lao động trong hợp tác xã không đủ ăn (mỗi ngày đi làm là một công, mỗi công chỉ được có 6 lạng thóc), nhiều người đã bỏ đi nơi khác kiếm kế sinh nhai vì ở lại quê hương cũng chẳng biết làm nghề gì. Những người ở lại thời đó cũng không còn mặn mà gì với hợp tác xã. Gần như toàn bộ người dân đều làm một công việc chính là đào đất bán. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng những cụ già tôi được gặp ở đây đều khẳng định rằng thời đó người người đào đất, nhà nhà bán đất.
Người ta bỏ ruộng hợp tác, đi đào đất bán. Có nhà 9-10 người con vẫn sống sót được chỉ nhờ vào việc hun đất bán. Nhưng mà bán cho ai khi mà cả cái thị trấn này chỉ có hơn hai chục gia đình? - “Các huyện khác họ cũng ăn nhiều lắm. Người ta kéo đến đây cả đoàn để mua buôn về bán vì chỗ họ không có loại đất có thể ăn được như ở đây”.
Người ta đào đất ở bất kỳ nơi nào có loại đất sét trắng ăn được, hết nơi này đến nơi khác, hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác. “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu”, người ta phải khoét sâu vào trong lòng đất đến cả 20 mét để lấy đất, không khác gì người thợ khai thác than ở Quảng Ninh. Họ đào hố sâu, dọc rồi ngang, ngang rồi lại dọc chằng chịt khắp các quả đồi.
Cả khu biến thành một mỏ đất “lộ thiên” để cho người ta đào đào, bới bới tìm đất ăn. Các đường hầm chỉ được chống đỡ bằng những cây tre, cây xoan mỏng manh. Một người bám vào dây thừng chui xuống cái hầm tối thui ấy đào đất, một người ở trên buộc dây vào cái thúng, cái gầu kéo lên. Cứ thể mà cuộc sống của họ và của con cái họ được duy trì qua cái thời kỳ đói kém.
Kể đến đây chợt cụ Lạc thở dài, khuôn mặt cụ thoáng buồn. Gặng hỏi thì được biết đã có một người làng (cụ không nhớ tên hoặc cụ không muốn nhắc lại) chết vì sập hầm khi đang đào đất. Anh ta đã chết trong nỗ lực mưu sinh, trong sự cố gắng bám trụ lại mảnh đất này. 
(Theo VTC - Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét