Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Về Hòn Đất bây giờ...

TT - Từ TP Rạch Giá (Kiên Giang) theo quốc lộ 80 về Hà Tiên chừng 30 cây số, tới thị trấn Hòn Đất, nhìn bên trái có cột cây số đề: “Mộ chị Sứ, 13km”. Ừ nhỉ, sao không thử một lần trở về mảnh đất gắn liền với những cái tên vốn thân thiết với mọi người qua tác phẩm của nhà văn Anh Đức?
Quang cảnh chính mộ chị Sứ trong khu di tích Hòn Đất - Ảnh: D.T.H.

Đường đi trải nhựa phẳng lì, hai bên cây xanh rợp mát, ruộng lúa tốt tươi. Tới xã Thổ Sơn là gặp mộ chị Sứ. Mộ nằm dưới chân núi Hòn Đất, trong khuôn viên khu di tích lịch sử Hòn Đất rộng hơn 2ha.
Nhớ chị Sứ
Chị Sứ tên thật là Phan Thị Ràng, quê ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang). Năm 1950, chị tham gia cách mạng tại xã Xà Tón (An Giang). Năm 1960, chị bị bắt trên đường làm nhiệm vụ, bị tra tấn rồi hi sinh lúc mới 25 tuổi.
Phía trước mộ chị Sứ là cái hồ trồng bông súng lớn vốn là một hố bom. Từ mộ đi theo mé trái là tới suối Lươn, gần hang Ông Cọp. Vườn xoài rợp mát suốt con đường. Nơi chị Sứ hi sinh là khu vực vườn xoài này, cách ngôi mộ vài trăm mét. Đêm trước khi bị bắt chị đang ở Hòn Me. Nghe địch đánh vô Hòn Đất, chị lật đật băng đồng về tiếp sức anh em. Vừa qua khỏi suối Lươn thì bị bắt. Chúng treo chị lên cây xoài đánh đập dã man bằng báng súng rồi nhổ cọc hàng rào tre đâm chị tới chết.
Phía sau mộ chị Sứ là bậc thang cao lên sườn đồi, có bức phù điêu lớn bằng đá hoa cương, trên khắc tên 960 liệt sĩ cùng tượng đài chiến thắng của quân dân Hòn Đất. Đây là nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt thời chống Mỹ. Những hang hốc nằm rải rác trên sườn núi là nơi anh em du kích rút vào cố thủ.
Hang Hòn kỳ bí
Từ chân núi, leo lên bậc thang cỡ chừng... mười tầng lầu là tới hang Quân Y. Muốn vô hang phải len theo từng ngách nhỏ ngoằn ngoèo, đầu cúi, lưng khom. Trong hang tối om, giơ bàn tay không thấy, hơi lạnh toát ra như vô phòng máy lạnh. Trong hang có nhiều phiến đá bằng phẳng, được bố trí làm giường nằm cho thương binh. Góc hang có hồ nước nhỏ xây vuông vức. Anh Trần Văn Hiền, trưởng ban quản lý khu di tích Hòn Đất, nói các mạch nước len theo vách đá tụ lại chỗ này, anh em du kích xây hồ chứa trữ lại để dùng.
Cái hay của hang là các “phòng” thông nhau bằng những lối đi hẹp. Lỡ có phòng nào bị đánh thì phòng kia vẫn an toàn. Đặc biệt, trên đỉnh hang có những lỗ thông gió tự nhiên, khói hun vô đều theo đó thoát ra hết. Bởi thế trong thực tế địch chưa bao giờ léng phéng được tới miệng hang, vì mới lò dò lên triền núi đã bị bắn tỉa “rụng nụ”. Còn chuyện xông khói vô hang nhằm làm ngộp anh em là không thể, cho nên trong Hòn Đất có cảnh địch bị khói hất ngược trở lại cũng rất đúng.
Bây giờ trong hang đã làm các bậc thang có tay vịn để du khách có lối đi tham quan. Quanh quẩn trong hang, luồn qua những ngõ ngách chật hẹp, sống lại cảm giác chiến đấu ngày xưa của bộ đội, du kích thật hào hứng. Lâm Bảo Toàn, một học sinh ở TP.HCM, nhận xét: “Em biết Hòn Đất qua phim và sách vở. Nay được vô tận hang Hòn, được tới mộ chị Sứ thật là thú vị”.
Ngoài hang Quân Y, Hòn Đất còn có nhiều hang hấp dẫn và kỳ bí. Hàm Ếch, Ông Cọp, Ô Sâu, Cà Rem, Sáu Thiều, Sân Tiên... mỗi hang là nơi đóng quân của công trường, huyện ủy, huyện đội... Bà Lê Thị Giang, trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòn Đất, kể ngày xưa chị Sứ cùng đi khảo sát các hòn mất bốn ngày mà chưa giáp. Chính chị đã cùng các anh lãnh đạo bố trí các hang Ô Sâu dùng cho quân y và đặt bàn máy may quân trang, Sân Tiên và Ông Cọp là chỗ của du kích xã Thổ Sơn... Các hang đều gần suối nước, tiện đường đi và liên thông nhau.
Trở lại Hòn Đất sau hơn 40 năm, khách sẽ gặp lại bà Cà Mỵ. Nhà bà nằm dưới chân núi Hòn Đất, cách mộ chị Sứ chừng 1km. Hồi đó nhà bà cũng ở ngay đây. Khi giặc bao vây hang Hòn, chính bà đã đem cơm để ở chuồng heo sau hè, giả tiếng heo kêu “ột ột” báo anh em tới lấy. Bà nay đã 89 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, cứ phân bua mình không phải em ruột thằng Xăm ác ôn, cũng không phải con gái bà Cà Sợi nghiện rượu như trong tiểu thuyết.
Khách tham quan hang Quân Y - Ảnh: D.T.H.

Tiềm năng du lịch
Đường vô Hòn Đất bây giờ đẹp như tranh vẽ. Qua khỏi Hòn Sóc là cánh đồng lúa vàng mơ chạy dài bất tận. Một ngôi trường cấp III khang trang mang tên Phan Thị Ràng nằm sát mé đường. Sau khi thăm mộ chị Sứ, khách có thể lên núi thăm các hang động rồi ngược ra, leo đèo 3 cây số lên đỉnh Hòn Me. Từ đỉnh Hòn Me có thể nhìn thấy toàn cảnh đồng ruộng Hòn Đất từ phía đông, quay ra sau lưng là biển Tây dập dềnh sóng nước. Bà Phạm Thị Hồng Gái, phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòn Đất, cho biết huyện đang quy hoạch vùng trọng điểm du lịch và đang kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến cáp treo từ đỉnh Hòn Me qua Hòn Đất dài gần 2km, cao 300m.
Tại đỉnh Hòn Me, hằng ngày có gần 300 du khách tham quan tháp ăngten truyền hình cao ngất của Trung tâm Phát sóng truyền hình quốc gia. Nhờ nó mà dân vùng sâu nơi đây có thể coi truyền hình VTV đã con mắt.
Từ chân núi Hòn Me theo hướng biển Tây chừng 3km là tới Hòn Quéo. Chùa Kỳ Viên ở lưng chừng núi tấp nập khách hành hương. Ở mé biển, từng nhóm bạn trẻ đang khoái chí tụ tập câu cá ngát. Biển còn hoang sơ, nước trong veo nhìn tới đáy, cá tôm còn nhiều và dạn dĩ. Thả câu một giờ có thể dính 2-3kg cá ngát. Trên triền đá đã có sẵn dãy nhà lá gió mát lồng lộng. Ngồi đây vừa ngắm biển, vừa thưởng thức cá ngát tươi rói do chính mình câu là một thú vui hiếm có.
Anh Hiền cho biết mùa lễ tết hoặc rằm âm lịch, khách hành hương đi chùa có ngày lên tới cả ngàn người. Cả ba hòn đều có đặc điểm riêng thu hút khách du lịch. Nếu tổ chức thành những cụm du lịch liên hoàn tìm hiểu truyền thống, di tích lịch sử, tâm linh, tắm biển, câu cá thì rất có tiềm năng. Bờ biển êm đềm gió mát sẽ hình thành những khu nhà nghỉ yên tĩnh níu chân khách ở lại.
Ông Nguyễn Ngọc Quyết, phó chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, cho biết tỉnh đã có chủ trương đầu tư mạnh vào vùng Ba Hòn. Với lợi thế về truyền thống, cảnh đẹp, biển hoang sơ, huyện đã kêu gọi đầu tư các dự án cáp treo, khu bảo tồn gấu, nhà nghỉ dưỡng, gắn kết khu di tích mộ chị Sứ, các hang Hòn tạo thành tour du lịch khép kín hi vọng sẽ tạo cảm giác kỳ thú cho du khách.
DƯƠNG THẾ HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét