Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Ăn bánh a quát ở biên giới Việt - Lào

TTO - Giữa thời tiết tháng 7, vùng núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế ban đêm vẫn khá lạnh. Tôi theo chân người bạn đến chơi nhà cô giáo người Pa Cô ở xã Nhâm, sát biên giới Lào. Ngày mai cô lấy chồng nên mọi người đang gói bánh truyền thống a quát để đãi khách và “cho” nhà trai.
Bánh a quát - Ảnh: M.H.

Bánh a quát là loại bánh truyền thống của người Pa Cô, Tà Ôi luôn “có mặt” trong các dịp trọng đại của gia đình người Pa Cô, Tà Ôi như cúng ông bà, thết đãi thông gia và trong các lễ hội chính hằng năm như lễ a riêu, lễ a riêu ada (lễ mừng lúa mới), lễ a riêu piing (lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mã), lễ a riêu tạ ơn trời đất... Đặc biệt trong đám cưới, nhà trai không tổ chức làm bánh a quát mà chỉ có nhà gái làm đãi khách và cho nhà trai làm quà.
Không giống người Kinh khi làm bánh chưng, bánh tét, người Tà Ôi, Pa Cô không ngâm nếp trước khi gói bánh. Công đoạn này chỉ được thực hiện sau khi gói xong. Đặc biệt, bánh a quát không có nhân đậu xanh, thịt mỡ dưa hành mà chỉ hoàn toàn bằng nếp. Bởi vậy sự dẻo thơm của bánh chính từ cách chọn nếp, chọn lá và thời gian ngâm nước, đun sôi nấu bánh của những người phụ nữ Pa Cô, Tà Ôi đảm đang, khéo léo.
Bánh a quát là minh chứng rõ rệt nhất cho văn hóa ẩm thực của người Pa Cô, Tà Ôi với nguồn lương thực chủ yếu là lúa nếp. Các loại nếp thường được trồng nhiều nhất trong các nương rẫy của đồng bào vùng cao a lưới là nếp A tút (nếp đen), nếp Kachăh (Nếp than), nếp Traang (nếp trắng), nếp Amuk (nếp tím)... Trong đó nếp than là dẻo thơm nhất, rất hợp khi làm bánh a quát nên loại nếp này thường được chọn để gói bánh.
Để gói bánh a quát, người đồng bào đến các bìa rừng cắt lá đót tươi. Lá dùng để gói bánh phải là lá đót chưa già. Khi gói cầm ngửa lá đót, rồi quấn ngọn hoặc gốc lá đót vòng quanh ngón tay cái hai vòng để tạo hình chóp nón. Sau đó, lật ngược hình chóp nón đó, bốc nếp bỏ vào cho đầy. Tiếp tục nghiêng hình chóp có nếp và dùng tay quấn phần gốc hoặc ngọn còn lại của lá đót thành một hình chóp thứ hai.
Những người phụ nữ Pa Cô, Tà Ôi khéo tay gói bánh giỏi còn có thể gói bánh a quát có ba hình chóp, tượng trưng một con trâu hoàn chỉnh, đủ thân hình và đôi sừng rất đẹp (a quát theo tiếng Pa Cô, Tà Ôi nghĩa là con trâu). 
Bánh gói xong được ngâm vào nước lạnh khoảng hai giờ để nếp nở ra, mềm hơn và mau chín. Sau đó, vớt bánh cho vào nồi, đổ ngập nước, nấu 2-3 giờ là có thể ăn được.
Chủ nhà thết đãi khách khá trọng thể. Chọn những đôi bánh đẹp nhất để ngày mai cho nhà trai, người mẹ Pa Cô để lại cho chúng tôi hai đôi bánh được gói khéo léo của gia chủ và những chiếc “bánh ú” có tên a quát mà chúng tôi vừa góp tay làm cũng được bày ra đĩa kèm các thức ăn truyền thống khác như lạp thịt, lạp cá, klèeng (chế biến từ ruột non của bò, dê).
Giữa xã biên giới Việt - Lào gió thổi se se lạnh, bên ánh lửa bập bùng chúng tôi vừa hít hà vừa thổi những chiếc bánh nóng hầm hập, lột ra có màu hồng đen nhàn nhạt vừa thưởng thức những miếng bánh a quát có vị bùi bùi, ngòn ngọt dẻo thơm của nếp than chính hiệu quyện trong mùi hương thoang thoảng của lá đót tươi được nấu chín.
Tôi cứ mường tượng nhớ về một thời gian xa xưa ngày loay hoay thổi lửa bên nồi bánh tét to đùng, miệng rạng rỡ cười tươi nhìn mẹ cha. Nay thời gian đó được thay vào những lần dừng xe vội vã mua vài ba chiếc bánh tét lớn trở về nhà. Không biết tại tôi hay tại cuộc sống lấy đi mất không khí ấm áp đó của gia đình!
MINH HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét