Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Bị liệt vào nhà "tạm", nhà cổ mái lá sắp "tuyệt chủng"

(Dân Việt) - Nhà cổ mái lá còn lại ở tỉnh Phú Yên không nhiều, đã vậy lại đang có nguy cơ "tuyệt chủng" vì chúng được liệt vào danh sách "nhà tạm" cần phải được xóa.
Phú Yên hiện chỉ còn 4 ngôi nhà mái lá tương đối nguyên vẹn ở huyện Sông Cầu. Đó là nhà cụ Trần Hiệp (thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình), nhà ông Phạm Chí Tưởng (thôn Chánh Nam, xã Xuân Thọ 1), nhà ông Nguyễn Thanh Tâm (thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc) và nhà ông Phùng Quang Duyên (thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc).
Nhà mái lá cổ của cụ Trần Hiệp (xã Xuân Bình).
Nhà mái lá ở Phú Yên có tường bằng đất, mái bằng tranh hoặc lá dừa, thuộc loại kiến trúc đặc biệt chỉ có duy nhất ở miền Trung. Rường cột của mỗi ngôi nhà là kết tinh nghệ thuật chạm khắc tài hoa của ông cha ta từ ngàn xưa.
Nhà nghiên cứu kiến trúc cổ Nguyễn Thượng Hỷ cho biết, chất liệu làm nhà mái lá Phú Yên chủ yếu là tre, gỗ dừa, lá dừa - những thứ sẵn có. Đặc biệt mái nhà được phủ thêm một lớp đất nện, vừa giúp chống chọi được gió bão mùa mưa, vừa tránh nắng nóng trong mùa hè và giữ ấm trong mùa đông. Ngoài ra, người ta còn dùng đá ong gia cường, gia cố bờ kè, lối ngõ thêm vững chãi, vừa an toàn vừa đẹp nơi cư trú.
Bộ vì kèo cỗ của nhà lá mái.
Chủ nhân nhà mái lá ở Xuân Bình - cụ Trần Hiệp, cho biết: "Trong cơn bão năm 2009, ngôi nhà của tôi là nơi tránh bão của hàng chục gia đình trong xóm bị bão làm sập nhà". Điều này cho thấy sự vững chãi của nhà mái lá cổ, và thực tế là nó đã tồn tại mấy trăm năm nay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.
Trong một không gian yên bình, dưới bóng dừa xanh, được trực tiếp khám phá ngôi nhà cổ bằng mái lá tồn tại từ hàng trăm năm nay, nghe gia chủ kể về quá trình hình thành và tồn tại của ngôi nhà quả là điều rất thú vị đối với du khách.
Tuy nhiên, hiện các ngôi nhà mái lá ở Phú Yên có nguy cơ bị xoá sổ. Nhiều gia đình đã phá bỏ hoặc bán chúng để xây nhà mới theo phong cách hiện đại. Ngoài ra, hầu hết các nhà mái lá cổ được người ta liệt vào danh sách "nhà tạm" cần phải "xoá", dẫn đến nguy cơ mất đi một loại hình kiến trúc cổ rất độc đáo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ đề xuất giải pháp khôi phục nguyên trạng và bảo vệ nhà mái lá. Theo ông, quan trọng là nâng cao ý thức giữ gìn loại hình kiến trúc đặc biệt này cho các gia đình có nhà mái lá, đồng thời xây dựng chúng thành những điểm dừng chân cho du khách khi tham quan, tìm hiểu về địa phương.
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội Miền Trung, cho rằng, để khai thác được giá trị các ngôi nhà cổ Phú Yên, điều cần thiết nhất là giữ nguyên bản ngôi nhà, tôn tạo không gian xung quanh để đảm bảo các tiêu chí sạch, đẹp, thoáng mát và xây dựng chúng trở thành những điểm đến của du khách.
Ông Trần Đức Anh Sơn phân tích, chính những ngôi nhà mái lá cổ đúng nghĩa, đang tồn tại trong cộng đồng làng xã sẽ là điểm thu hút du khách không kém những ngôi nhà giả cổ trong các khu du lịch sang trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét