Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Đến Cà Ná - nghe tiếng gọi của biển

Từ Sài Gòn ra miền Trung theo quốc lộ 1A, qua khỏi địa phận Tuy Phong (Bình Thuận) ta sẽ gặp những cồn cát chập chùng hoang sơ, những xóm làng yên ả, thanh bình dọc theo đường thiên lý… Dải Trường Sơn  trùng điệp ở phía nam, có những nhánh đâm ngang ra biển tạo thành những phong cảnh ngoạn mục, suốt một chiều dài, từ Bắc Phan Rí Cửa đến Cà Ná.
Cà Ná thuộc huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chừng 30 cây số về phía nam. Đây là xứ sở của nắng, gió, cát trắng, biển xanh và núi rừng hoang dã. Bãi biển Cà Ná dài chừng 3 cây số, nằm sát bên quốc lộ 1A, con đường xuyên suốt Bắc - Nam.
Thiên nhiên đã ban tặng cho miền đất cực Nam Trung bộ này một bãi biển tuyệt đẹp. Nước biển Cà Ná trong xanh màu ngọc bích, cát trắng mịn với vô số khối đá lớn nhỏ nằm rải rác, trải dài, uốn lượn hình cánh cung. Phía tây, những dãy núi như bức tường thành vĩ đại, sừng sững trông ra đại dương mênh mang lộng gió. Trời, mây, non, nước ở Cà Ná quyện vào nhau tạo thành bức tranh tuyệt mỹ làm xao xuyến lòng lữ khách.
Sau khi đắm mình, đùa giỡn thỏa thuê dưới làn nước biển trong xanh, du khách lên bờ điểm tâm với cháo hàu, bún cá, bánh căng, bánh quai vạc... Và khi đã "nạp" đủ năng lượng, hưng phấn, du khách có thể theo người hướng dẫn để leo núi, thăm chùa và tìm hái những quả rừng ăn được như trâm, mơ rừng, khoai rạng, nhãn rừng... Bạn sẽ thực sự hòa mình vào thiên nhiên phóng khoáng và quên đi những lo toan, bận bịu hàng ngày.
Sâu vào phía trong núi là những khu rừng nhiệt đới khô hạn, có khá nhiều động thực vật sinh sống. Len lỏi qua hàng nghìn, vạn tảng đá lớn nhỏ đủ các hình thù kỳ dị: Có đá như đầu người, tượng Phật, có hòn giống hình voi, sấu, cá, sư tử... Có những tảng đá nằm chơi vơi tưởng như chỉ cần một lực nhỏ có thể làm đổ xuống. Ấy vậy mà đá núi Cà Ná đã “phong sương tuế nguyệt” hàng triệu năm bên bờ đại dương lộng gió.
Nếu du khách leo núi ở Cà Ná vào mùa xuân, bạn sẽ gặp nhiều loài hoa dại tuyệt đẹp như bằng lăng, sim, mua, trâm ổi, móng bò, lan... Nhưng thú vị nhất, đẹp nhất là vẫn là mai rừng. Theo lời người cố cựu ở địa phương, những năm trước hòa bình (1975), khi mùa xuân đến, trên dải núi Điện Bà, chạy dọc dài theo biển Cà Ná là những rừng mai vàng rực rỡ, mọc xen kẽ với đá núi, đẹp vô cùng. Lúc ấy, vùng nầy hầu như không có dân cư. Dân nghèo ở Phan Rí, Tuy Phong rủ nhau đi đốn mai rừng về bán ở chợ Phan Thiết, Phan Rang... Mỗi năm, mai rừng ở Cà Ná cũng giúp được rất nhiều gia đình nghèo ăn tết khá tươm tất! Bây giờ, tết đến, trên núi vẫn còn mai, nhưng đi tìm đốn khá vất vả, vì quá ít nên không có những cành nhánh đẹp như ý! Thật là lãng mạn, cảm xúc khi ta gặp một nhánh mai rừng từ kẹt đá, hoa  nở vàng tươi, vươn mình ra mé vực.
Ở biển Cà Ná, vào những lúc thủy triều xuống, du khách có thể đi cạy hàu, vừa giải trí, vừa có món đặc sản biển tươi sống ngon miệng và bổ dưỡng. Hàu là loài nhuyễn thể sống bám vào các tảng đá, ghềnh đá, chân cầu, xác tàu chìm... Dụng cụ cạy hàu thường là một cái đục hoặc một con dao phay nhỏ, mũi nhọn cứng. Bạn mang giày vải, đi len lỏi giữa những ghềnh đá, quan sát từ chớn (vạch) nước biển in trên đá trở xuống sát đáy. Nhìn kỹ, bạn sẽ gặp những con hào bám rất sát, cứng vào vách đá. Dùng đục hoặc dao cạy, vỗ miệng hàu bật ra và lấy phần thịt mềm. Nếu chịu khó đi cạy hàu chừng vài tiếng đồng hồ, bạn sẽ có một nồi cháo hàu ngon hơn của bất kỳ nhà hàng nào ở các thành phố.
Vào những ngày có trăng, đêm xuống trên biển Cà Ná đẹp như chốn đào nguyên, trăng vàng trong như mật, sóng lấp lánh, óng ánh như muôn vàn ánh bạc, những tảng đá dưới ánh trăng như đứng trầm tư, mặc tưởng. Du khách có thể ngồi ở sân thượng của nhà hàng hoặc dưới bóng những cây phi lao, những cây bàng, ngắm trăng sao, hứng ngọn gió mát lành từ biển khơi thổi về lồng lộng, vi vu... Bạn sẽ thấy thật thú vị khi thưởng thức đặc sản biển được chế biến từ rất nhiều loại hải sản như gỏi cá mai, mực một nắng, ốc vỗ, ghẹ hấp bia, gỏi ốc giác, lẩu cá bóp...
Cà Ná có những khách sạn, nhà nghỉ tiện nghi giữa một khung cảnh biển, núi, rừng hoang sơ hùng vĩ. Cà Ná lộng gió biển xanh ngày đêm vi vu hòa vào tiếng sóng như lời biển cả vẫy gọi du khách và những lữ khách trên đường thiên lý bắc nam ghé chân vào.
KTSG
Biển Cà Ná - nét duyên của cô gái đa tình
Phía trước là biển bao la, phía sau là rừng nguyên thuỷ, Cà Ná như một cô gái đẹp quyến rũ trên cung đường thiên lý Bắc Nam.

Biển Cà Ná - nét duyên của cô gái đa tình, Du lịch, bien ca na, du lich bien ninh thuan, bai bien ca na, du lich he, nghi mat ninh thuan
Bãi biển Cà Ná dài khoảng 3km, cong cong như hình lưỡi liềm, nằm ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang 32km.

Với các bờ biển khác, sau khi được khám phá, các công ty du lịch hay tỉnh lỵ sở hữu mới mở cung đường biển để thu hút du khách thì ngược lại, biển Cà Ná nằm ngay bên cạnh quốc lộ 1A. Nghĩa là ngay khi cung đường nối hai đầu của đất nước hình thành cũng là lúc mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàn mỹ của vùng biển này. Cái hay là dù có bề dày lịch sử như thế, song biển Cà Ná luôn quyến rũ lòng người với nét duyên của nàng thiếu nữ đang độ xuân thì. Để dù có rong ruổi nơi đâu hay đến đây bao nhiêu bận, du khách vẫn giữ nguyên cảm xúc tinh sơ ban đầu khi đến đây.

Biển Cà Ná - nét duyên của cô gái đa tình, Du lịch, bien ca na, du lich bien ninh thuan, bai bien ca na, du lich he, nghi mat ninh thuan
Những tảng đá khổng lồ dọc bờ biển

Biển Cà Ná sở hữu tất cả nét đẹp của bờ biển Ninh Thuận với mặt nước xanh bao la nối liền với bầu trời, với những triền cát trắng tinh mềm mại uốn lượn nhưng quyến rũ hơn với các tảng đá granite lớn nhỏ trải dài ra biển. Sau mỗi đợt sóng, những tảng đá ấy nhấp nhô tựa như đàn hải cẩu đang đùa giỡn trên mặt biển.

Xa xa, cách bờ khoảng 10km, hòn Câu như một chú rùa nổi trên mặt nước nổi tiếng với truyền thuyết về giếng Tiên, Thạch động Bảy đầu lâu hay đặc sản ốc nhảy. Phía sau vùng biển trời bao la ấy, dãy núi Trường Sơn sừng sững với những vách đá vôi cao ngất ngưởng tạo nên bức tranh rừng biển hữu tình.

Biển Cà Ná - nét duyên của cô gái đa tình, Du lịch, bien ca na, du lich bien ninh thuan, bai bien ca na, du lich he, nghi mat ninh thuan
Hòn Câu

Nước biển Cà Ná có độ mặn cao hơn các biển khác từ 3-4 độ nên xanh thẳm, trong vắt. Ngoài cảm giác trọng lượng cơ thể như nhẹ hơn khi hoà mình vào dòng nước. Nếu chịu khó lội ra khoảng 20m, du khách ngắm các rạn san hô tuyệt đẹp ở độ sâu từ 1– 1,5m.

Biển Cà Ná - nét duyên của cô gái đa tình, Du lịch, bien ca na, du lich bien ninh thuan, bai bien ca na, du lich he, nghi mat ninh thuan
Dòng nước mát trong xanh

Sau khi nghịch sóng thoả thích, du khách có thể tạo dáng ghi lại những shoot hình ấn tượng hay thả chân trần trên bờ cát trắng mịn, tận hưởng gió biển lồng lộng. Với những du khách thích mạo hiểm có thể chọn chinh phục độ cao của những mỏm đá nhiều hình thù trong trò chơi leo núi, khám phá những hang động kỳ bí như hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, hang Giếng Đục… nằm sát mép bờ. Tiến sâu một chút vào dãy Trường Sơn, khám phá thảm động thực vật phong phú của dãy núi nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến sẽ trải dài trước mắt. Và nếu đã đến đây, đừng quên thưởng thức món thịt nhông nổi tiếng, hay rảo vào các sạp bán đồ lưu niệm cạnh biển, chọn cho những đặc sản nổi tiếng của Cà Ná như muối, nước mắm nhĩ...

Theo An Huỳnh - Huy Vũ (Bưu điện Việt Nam)

Ngắm đá ở biển Cà Ná

Cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) 30 km về phía nam, biển Cà Ná trong lành, nằm cạnh các khu vực núi đá vươn ra biển, khiến Cà Ná mang nét quyến rũ kỳ lạ.

Nhiều resort, nhà nghỉ và nhà hàng được xây dựng xen kẽ giữa đồi núi, bãi biển và hệ thống dãy đá tảng bên bờ biển Cà Ná
Cà Ná là điểm mà nhiều du khách trong và ngoài nước chọn nghỉ ngơi, tận hưởng những không khí trong lành mát mẻ của biển, và những trải nghiệm tại các bãi cát trắng còn khá hoang sơ.
Nằm ven biển là hệ thống đồi đá gắn với dãy Trường Sơn, với những phiến đá trắng nhấp nhô trên đồi liền kề nhau, tạo nên nét độc đáo cho vùng biển này.
Cạnh quốc lộ 1A và song song với đường sắt bắc nam, những nhà hàng dọc bãi biển luôn là điểm dừng chân của nhiều chuyến xe từ TP.HCM ra miền Trung hoặc miền Bắc.

Khu vực Cà Ná là nơi gió thổi khá mạnh. Những dãy núi từ phía Tây thấp dần xuống nên gió cứ lồng lộng tràn xuống vùng biển
Địa hình Cà Ná khá đặc biệt, có núi, có rừng, có biển. Những hòn đá nhô ra và xếp chồng lên nhau ngay cạnh bãi tạo một cảnh tượng độc đáo cho nơi này.
Cà Ná nổi tiếng với nghề làm muối và mắm, đặc biệt là nước mắm nhĩ. Nơi đây còn ẩn chứa nhiều dấu tích của nền văn hóa Chăm một thời.

Một điểm dừng chân được dựng trên các hòn đá nhô trên biển. Vị mặn trong gió và không khí của biển Cà Ná sẽ khiến du khách tỉnh táo sau một đoạn đường dài ngồi trên xe

Nhiều đền miếu được dựng lên tại đây, khiến bức tranh thủy mặc của Cà Ná thêm phần độc đáo
Bài, ảnhKim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét